(Congannghean.vn)-Từ tháng 3/2017, sau khi sự cố đập chứa bùn thải tại mỏ thiếc Suối Bắc của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh bị vỡ trên đỉnh núi Lan Toong (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp), làm cho cá trên khe suối bị chết hàng loạt, khiến người dân thị trấn Quỳ Hợp cảm thấy bất an khi Nhà máy nước lấy nước thô từ con suối này về xử lý lắng lọc, cung cấp cho khách hàng sử dụng. Từ đó đến nay, gần như cuộc tiếp xúc cử tri nào ở thị trấn Quỳ Hợp vấn đề này đều được nêu ra, song sự lo lắng của cử tri vẫn chưa được giải quyết thấu đáo!
Nhà máy nước Quỳ Hợp đang lấy nước thô từ sông Nậm Huống |
Ông N.V.H. ở thị trấn Quỳ Hợp phản ánh, từ lâu người dân trên địa bàn thị trấn đã đề nghị các cấp chính quyền và Nhà máy cấp nước Quỳ Hợp thay đổi địa điểm lấy nước thô cho đảm bảo nhưng chờ mãi cũng không thấy thay đổi gì cả, người dân sử dụng nước máy ở đây đang rất lo lắng. Ông H. còn cho biết, sau sự cố vỡ đập bùn của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh, việc sử dụng nước sạch càng bất an hơn, bởi nguồn nước thô Nhà máy nước Quỳ Hợp lấy từ sông Nậm Huống nằm phía dưới các mỏ khai thác quặng.
Bà L.T.V. cũng đang sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước Quỳ Hợp phản ánh, trước đây, có những thời điểm nước máy có màu đục, trong nước có rỉ sắt, có khi lại có mùi Clo rất nặng. Người dân ở đây mong muốn Nhà máy nước cung cấp nước sạch để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những băn khoăn, lo lắng về sức khỏe của người dân thị trấn Quỳ Hợp đang sử dụng nước sạch từ Nhà máy cấp nước trên địa bàn không phải là không có cơ sở. Bởi trước đó, khoảng tháng 10/2017, qua kết quả phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh đã xác định nguồn nước thô đầu vào cho Trạm cấp nước Quỳ Hợp có các chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 2,13 lần; Asen (As) vượt 1,35 lần; chất hoạt động bề mặt vượt 2 lần; Crom VI (Cr6+) vượt 1,05 lần so với QCVN 08-MT:2015 (Cột A2) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Do vậy, ngày 22/11/2017, Sở TN&MT đã có Công văn số 6201/STNMT-NBHĐ yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An (chủ quản của Nhà máy nước Quỳ Hợp - PV) thực hiện các nội dung thay thế đường ống dẫn nước; có giải pháp xử lý nước sinh hoạt đảm bảo đúng quy chuẩn; đồng thời phối hợp với huyện Quỳ Hợp khảo sát, lựa chọn nguồn nước thô thay thế. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mặc dù nhiều lần cử tri, lãnh đạo thị trấn Quỳ Hợp, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có ý kiến bằng văn bản trình lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, song sự việc vẫn đang “dẫm chân tại chỗ”.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Thanh Quỳnh, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp cho biết: Họp cử tri lần nào người dân thị trấn cũng có ý kiến về vấn đề nước sạch nhưng mãi không giải quyết được. Bây giờ người dân yêu cầu cứ 3 tháng nhà máy nước phải kiểm tra chất Asen trong nguồn nước thô 1 lần, để biết có đảm bảo hay không?. Hiện nay, lãnh đạo thị trấn cũng đã đi khảo sát nguồn nước ở nhánh sông khác chảy từ xã Châu Lý ra xã Châu Đình, cách Nhà máy nước Quỳ Hợp khoảng 3 km, nếu lấy nước thô trên sông này sẽ đảm bảo hơn, vì phía thượng nguồn không có tình trạng khai thác quặng. Tuy nhiên, phía Nhà máy nước cho rằng, kinh phí để thay đổi vị trí lấy nguồn nước thô rất lớn, chưa thực hiện được.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, khẳng định: Huyện ủy, UBND huyện cũng đã nhiều lần đề nghị vấn đề này lên các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, hiện chỉ chờ vào quyết định của UBND tỉnh thôi, huyện đã hết cách! Bây giờ, chúng tôi chỉ khuyên người dân nên xây bể dự trữ nước mưa để sử dụng; hoặc khoan giếng để lấy nước tự nhiên, đảm bảo hơn, vì nước là loại hàng hóa thiết yếu cần thiết, nên thời gian qua dù không cảm thấy an toàn nhưng người dân cũng phải sử dụng”. Ông Nguyễn Đình Tùng còn nêu ý kiến, nếu Nhà máy nước Quỳ Hợp không thay đổi vị trí lấy nước thô thì đề nghị UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng Nhà máy nước cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.
Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho hay: Từ khi có vụ vỡ đập bùn thải của Công ty CP Kim loại màu Nghệ Tĩnh tại mỏ thiếc Suối Bắc, qua kiểm tra nguồn nước thô thì nhiều chỉ số không đạt tiêu chuẩn. Sở TN&MT tỉnh cũng yêu cầu, về lâu dài phải thay đổi địa điểm lấy nguồn nước thô cho Nhà máy nước Quỳ Hợp, tuy nhiên đến nay Nhà máy nước vẫn chưa thay thế vị trí lấy nước thô. Cũng theo lời ông Hào, đầu nguồn có 3 mỏ khai thác thiếc, hiện nay chỉ còn 1 mỏ thiếc đang hoạt động. Hiện nay, nước suối đã trong nhưng nếu khi trời mưa xuống, nước từ các mỏ thiếc chảy xuống suối, đó mới là điều người dân lo ngại. Cả huyện Quỳ Hợp từ người dân đến lãnh đạo đều muốn Nhà máy nước thay đổi vị trí lấy nguồn nước thô đảm bảo hơn, ông Hào khẳng định!
Được biết, Nhà máy nước Quỳ Hợp (đơn vị trực thuộc Công ty CP cấp nước Nghệ An) đã đi vào hoạt động từ năm 2001, công suất 15.000 m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 2.400 hộ dân. Hiện tại, nhà máy đang quản lý và khai thác trên 15.000 km đường ống dẫn cấp 1, cấp 2 và 25.000 km đường ống dẫn cấp 3. Lâu nay, nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước được lấy từ sông Nậm Huống, con sông này chảy từ xã Châu Hồng, Châu Thành ra, đây là một trong những nhánh thượng nguồn sông Dinh.