Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần phải sớm chấm dứt.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: TH. |
Sáng 27/6, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo Hội nghị. Tham dự còn có Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trong toàn quốc.
Tham nhũng vặt vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Thời gian qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến rõ rệt và chuyển biến tích cực. Thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, tổ chức và cơ chế lãnh đạo công tác PCTN tiếp tục được hoàn thiện. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng có chuyển biến tích cực, nhất là việc phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án lớn, được xã hội quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Điều đó đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân, doanh nghiệp để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định.
Phó Thủ tướng nêu rõ, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, Bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu.
“Tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn còn nhức nhối, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Tình trạng đó cần phải sớm chấm dứt”, Phó Thủ tướng nói.
Vì vậy, Chính phủ luôn xác định quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng đã tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời, có những biện pháp, nội dung chỉ đạo quyết liệt, mang tính đột phá; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương về tinh thần phục vụ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thể hiện thái độ cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu tiêu cực, tham nhũng. Qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính kỷ cương, liêm chính; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc phổ biến, quán triệt rộng rãi Chỉ thị số 10/CT-TTg có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị đi vào cuộc sống, nhằm tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp
Theo Thanh tra Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg đã chỉ rõ thực tế là trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi, đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở của pháp luật, lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Nạn phong bao, phong bì, lót tay khi thực hiện dịch vụ hành chính công, khi xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng CSGT… có thể nói là xảy ra hàng ngày, hàng giờ. Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó. Chỉ thị này ra đời đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của người dân.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ . Ảnh: TH. |
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Hải, việc thanh tra công vụ của các sở, ngành hoặc thanh tra công vụ của các tỉnh đã được quan tâm nhưng số liệu bao nhiêu vụ việc đã được xử lý, bao nhiêu cá nhân đã bị xử lý, xử lý như thế nào nếu không tiếp công dân đúng quy định hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu thì không nêu ra được. Trong tất cả các văn bản đều nêu xử lý nghiêm, nhưng người dân đặt vấn đề là xử lý nghiêm là thế nào? Đã bao giờ xử lý chưa đối với tham nhũng vặt và đã xử lý được bao nhiêu trường hợp?
“Chúng tôi đề nghị tập hợp báo cáo số liệu về hoạt động thanh tra công vụ này 6 tháng một lần và công khai cho người dân biết”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, công tác ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
“Đề cao vai trò nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị, bộ phận trực thuộc theo hướng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chịu kỷ luật liên quan đến lỗi, vi phạm của cấp dưới thuộc trách nhiệm quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất về trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm...”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
.