Bấm Play để xem video. Nguồn: Vietnamnet
Nhiều người rỉ tai nhau rằng lên được đỉnh chùa Đồng (khu di tích Yên Tử) xát tiền vào chuông, khánh, cột ở chùa Đồng thì cả năm làm ăn may mắn.
Lễ hội xuân Yên Tử là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất miền Bắc, diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.
Nằm ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng tại khu di tích Yên Tử được mệnh danh là một trong những “ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất Châu Á”.
Ngay trong ngày khai hội, hàng nghìn du khách thập phương đã kéo đến ngôi chùa thiêng này để cầu lộc, cầu tài, cầu duyên…
Chùa Đồng đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp khi cả triệu lượt người lấy tiền lẻ xông vào mà xoa cho bằng được nhằm cầu may.
Mọi chi tiết, cấu kiện chùa Đồng hở ra khe nào, người ta nhét tiền vào khe đó. Chuông đồng, khánh đồng kế đó cũng cứ bóng loáng lên theo từng động tác chà xát tiền của người đi lễ.
Không chỉ chà, xát, gài, ném tiền như những cơn mưa vào chùa Đồng, nhiều người còn dùng quần áo, đồ vật, ví chứng minh nhân dân xoa lên chùa để cầu may mắn làm chùa Đồng, chuông đồng và cả khánh đồng hao mòn dần đi so với nguyên gốc.
Nhiều người cứ đua nhau chà xát tiền vào chùa Đồng Yên Tử nhưng khi hỏi ý nghĩa của nó thì chỉ biết: “Ai cũng đều làm để lấy may. Không biết có may mắn hay không nhưng thấy ai cũng làm nên cứ làm theo”. Có người thì biện hộ rằng “Làm vậy là mình thụ lộc của chùa. Tiền đem về mang lên bàn thờ thì cả năm sẽ có nhiều tài lộc”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng: “Đi lễ đầu năm người nào cũng mong muốn cầu quốc thái dân an, bình an, tài lộc. Việc cầu cúng là bình thường nhưng hành vi đua nhau chà xát tiền vào chùa Đồng, mái chùa hay chuông, khánh đồng thể hiện sự cuồng tín, mê tín thái quá và xuống cấp tinh thần của một số người đi lễ, chùa.
Đua nhau chà xát tiền vào chùa Đồng không mang lại giá trị gì mà chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Đó là hành động vô thức tập thể, thấy người này làm thì bắt chước làm theo tưởng như vậy sẽ được lộc. Thậm chí họ còn nghĩ càng quệt mạnh càng được lộc hơn. Điều này thể hiện niềm tin mù quáng với những ảo tưởng khởi lên từ lòng tham làm phản cảm ở chốn linh thiêng. Và dương như khi niềm tin thế tục suy giảm thì niềm tin tâm linh tăng lên".
Theo PGS Quý Đức, hành động ấy như “nước chảy đá mòn” làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa, mất đi vẻ đẹp của di tích và làm cho việc bảo tồn di tích khó khăn hơn. Điều đó cũng phản ánh con người ta nhỏ bé đi về mặt ý thức cá nhân, ý thức phấn đấu vì không tin vào sức mạnh, tài năng, kỹ năng trong kinh doanh sản xuất, buôn bán hay học tập của mình mà phải dựa vào lực lượng siêu nhiên.
Nguyên nhân dẫn đến việc người dân quá cuồng tín, mê tín như hiện nay là do việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa hiện nay chúng ta thiếu trầm trọng việc giáo dục đạo đức con người, giáo dục trong gia đình, tâm linh và tự ý thức trong mỗi cá nhân. Và một phần do sự thiếu gương mẫu của những người đáng gương mẫu là những người lớn, những cán bộ công chức Đảng viên…
Có một thực tế đáng buồn là, báo chí đã phản ánh nhiều rồi nhưng năm nào cảnh tượng trên cũng diễn ra, trong dòng người đó không ít cán bộ có sự hiểu biết nhất định nhưng không hiểu sao họ vẫn vô thức tập thể?.
Mới đây, trong ngày khai hội không hiếm người đeo thẻ đại biểu khách mời của ban tổ chức lẽ ra đứng ra cùng với các cơ quan tuyên truyền vận động nhân dân đừng xát tiền vào chùa Đồng thì chính bản thân họ cũng ra sức cầm tiền “đánh bóng” chùa Đồng cầu may, bất chấp những tiếng loa tuyên truyền, nhắc nhở!
Về tình trạng người dân xoa tiền vào chùa Đồng, theo như Đại đức Thích Thanh Quyết - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, điều quan trọng vẫn là ý thức tự giác của mỗi du khách tránh làm hư hại cho ngôi chùa.
Nhà chùa và Ban tổ chức cũng như cơ quan quản lý di tích, danh lam thắng cảnh đã cắt cử nhân viên bảo vệ tại nhiều vị trí để nhắc nhở, bảo vệ di sản nhưng khách hành hương quá đông nên không kiểm soát hết.