(Congannghean.vn)-Trong giai đoạn hiện nay, so với việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân thì xây dựng nhà máy thủy điện vẫn đang là phương án được lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An đã và đang gây ra hệ quả đáng lo ngại: Mất đất rừng, phá vỡ hệ sinh thái, đặc biệt là cuộc sống của hàng nghìn người dân bị đảo lộn.
Cuối tháng 8/2018, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ cực lớn với lưu lượng 4.263 m3/s, gây ngập lụt nghiêm trọng tại các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Con Cuông |
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.359,9 MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án thủy điện đã vận hành hòa lưới điện quốc gia, 9 dự án đang được triển khai thi công và 5 dự án chờ cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
Hệ quả từ việc ồ ạt xây dựng nhà máy thủy điện
Để các dự án nhà máy thủy điện trên được triển khai xây dựng, đã có 5.687 ha đất rừng bị mất, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác chìm ngập trong nước. Chỉ tính riêng 3 dự án nhà máy thủy điện lớn là Bản Vẽ (320 MW), Khe Bố (100 MW) trên thượng nguồn sông Lam ở huyện Tương Dương và Hủa Na (180 MW) trên sông Chu ở huyện Quế Phong, đã có gần 5.000 hộ dân buộc phải di dời đến nơi ở mới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, riêng việc xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, đã có hơn 3.000 hộ dân ở các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Hữu Khuông, Hữu Dương… của huyện Tương Dương phải di dời đến nơi ở mới là 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, cách xa nơi ở cũ hàng trăm km. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, kể từ khi Thủy điện Bản Vẽ chính thức được ngăn dòng vào ngày 26/12/2005, hàng nghìn hộ dân thuộc diện tái định cư (TĐC) trên địa bàn 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương vẫn phải sống trong cảnh chật vật, thiếu thốn, trong đó nghiêm trọng nhất là thiếu đất sản xuất. Cụ thể, tại khu TĐC của Thủy điện Bản Vẽ ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, hiện đang vướng mắc việc bồi thường, cân đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến cho các hộ dân. Do đó, công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Không chỉ riêng ở các khu TĐC Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương mà các khu TĐC ở Thủy điện Hủa Na (Quế Phong), Khe Bố (Tương Dương) cuộc sống của hàng nghìn hộ dân vẫn chưa được yên ổn. Đơn cử, hệ thống cấp nước sinh hoạt của một số điểm TĐC hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp, nguồn nước cho người dân không đủ dùng. Ngoài ra, một số hạng mục như bể nước sinh hoạt, nhà cộng đồng, đường giao thông còn thiếu khiến người dân TĐC đang phải sống lay lắt tại nơi ở mới… Trước tình trạng trên, đã có không ít hộ dân bỏ nơi TĐC, trở về quê cũ vạ vật mưu sinh khi không còn đất và nhà cửa.
Ngoài ra, việc xây dựng dày đặc các nhà máy thủy điện trên hệ thống các sông Nậm Nơn, Nậm Mộ, Hiếu… còn để lại hệ quả nghiêm trọng về hạn hán, lũ lụt. Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi, khi mùa nước lên và mùa nước kiệt, người dân đã dựa vào đây để gieo trồng nhằm tránh hạn hán, lũ lụt. Tuy nhiên, từ khi xây dựng hệ thống nhà máy thủy điện trên sông Cả đã vận hành tích nước vào mùa kiệt, xả lũ vào mùa mưa khiến tình hình sản xuất nông nghiệp của vùng hạ lưu bị đảo lộn nghiêm trọng. Ông Nguyễn Quang Hòa lấy ví dụ, tại bara Đô Lương được tính toán để ngăn nước tối đa ở cao trình 10,05 m nhưng nay chỉ còn dưới 9 m; hoặc bara Nam Đàn có cao trình 1,15 m nhưng nay xuống dưới mức - 0,2 m nước.
“Thủy điện chặn dòng khiến hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị nhấn chìm. Phía dưới vùng hạ lưu sông Cả giảm rất lớn lượng phù sa bồi đắp hàng năm, thay vào đó là do tác động của dòng chảy nên tình trạng sạt lở, xói mòn đã xảy ra ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Lâu nay chúng ta cứ hô hào chung tay chống biến đổi khí hậu ở đâu chứ ngay việc làm thủy điện đã thực sự tiếp tay cho quá trình biến đổi khí hậu nhanh hơn rồi”, ông Nguyễn Quang Hòa cho biết thêm.
Người dân đề nghị không xây thêm thủy điện
Trong tổng số 32 dự án nhà máy thủy điện lớn, nhỏ được phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn Nghệ An, hiện có 13 dự án đã vận hành hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 780,5 MW và 2 dự án cũng đang chạy thử với tổng công suất 75 MW. Hằng năm, thủy điện Nghệ An đóng góp 2,2 tỉ Kwh cho điện lưới quốc gia. Chỉ tính riêng thống kê trong năm 2017, thủy điện ở Nghệ An đã đóng góp nguồn thu ngân sách khoảng 532 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu so sánh với tổng gần 10 nghìn ha diện tích rừng, đất lúa, hoa màu… thì chưa nghĩa lý gì. Bởi việc tích tụ, tạo thảm thực vật rừng, phù sa hoa màu phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới có được.
Có thể thấy, khi 1 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, hàng nghìn diện tích đất rừng, đất lúa sinh lợi rất lớn hàng năm cho cộng đồng nay không còn nữa. Cùng với đó, những bất cập tại các khu TĐC đã nảy sinh tỉ lệ đói nghèo, không có việc làm, thiếu tư liệu sản xuất ở nơi TĐC mới, khiến cuộc sống của người dân TĐC luôn trong tình trạng bất an.
Cuộc sống của người dân ở các khu tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, bất ổn |
Nhận thấy những bất cập, tồn tại nói trên, người dân tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… cũng đã nhiều phản ánh lên các cấp đề nghị không triển khai xây dựng thêm dự án thủy điện nào nữa. Vấn đề này tiếp tục được nêu tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 2021 diễn ra vừa qua.
Ông Lê Hồng Vinh, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng, những tồn tại, bất cập xung quanh các dự án thủy điện trong thời gian qua, nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền chưa làm tốt công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Đó là công tác kiểm tra, giám sát, phản biện, kiến nghị xử lý các sai phạm do thủy điện gây ra chưa được kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, việc tham mưu, khảo sát, lập quy hoạch của các sở, ban, ngành đối với các dự án thủy điện chưa khách quan, khoa học. Việc đánh giá cái được, cái mất khi tiến hành phê duyệt xây dựng thủy điện trên hệ thống thượng nguồn sông Lam, sông Hiếu… cũng chưa được đưa ra minh bạch, cụ thể.
Có thể thấy, thời gian qua, hệ thống các nhà máy thủy điện đang vận hành đã mang lại những hiệu quả nhất định, đóng góp nguồn điện năng vào lưới điện quốc gia, nộp ngân sách mỗi năm hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đưa lại, thủy điện cũng gây ra những hệ lụy rất lớn và đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Đó là vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân TĐC; điều tiết nước chống hạn, chống lũ hàng năm; khôi phục hệ sinh thái rừng… Hay như hậu quả đợt xả lũ cuối tháng 8 vừa qua của Thủy điện Bản Vẽ là minh chứng rõ ràng nhất, gây ngập úng nghiêm trọng tại các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn…, số tiền thiệt hại gây ra ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Người dân cho rằng, trước khi chưa có Thủy điện Bản Vẽ thì dù lũ có to đến mấy cũng không bị ngập hoàn toàn như đợt vừa rồi.
Phải khẳng định, việc xây dựng các nhà máy thủy điện là cần thiết, tuy nhiên không thể có tình trạng phê duyệt ồ ạt hàng loạt nhà máy thủy điện trên một khúc sông như hiện nay. Đặc biệt, trước khi triển xây dựng bất kỳ dự án nhà máy thủy điện nào, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần đánh giá nghiêm túc những cái được, mất. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, không phá hủy hoàn toàn môi trường sinh thái.