(Congannghean.vn)-Đang chuẩn bị thả chài đánh bắt cá thì con tàu trị giá gần 2 tỉ đồng không may bốc cháy trước sự bất lực của ngư dân trên tàu. Mạng sống của các ngư dân may mắn được giữ lại, tuy nhiên, giờ đây họ đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất khi tiền tỉ đã hóa tro tàn...
Anh Trần Văn Cường buồn bã kể lại sự việc với phóng viên |
Với vẻ mặt buồn bã, ngư dân Trần Văn Cường (SN 1984) trú tại xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu kể cho chúng tôi nghe về vụ cháy xảy ra cách đây 1 tháng: “Khoảng 00 giờ 10 phút ngày 21/6, 5 thuyền viên trên tàu đang treo chài chờ trăng lặn để đánh bắt cá thuộc vùng biển huyện Quỳnh Lưu. Khi cách bờ khoảng 21 hải lý thì từ phía khoang tàu bốc hỏa rồi cháy dữ dội trước sự bất lực của mọi người. May mắn có tàu cá gần đó đi qua phát hiện nên đã cứu được anh em chúng tôi giữa biển tối...”.
Được biết, tàu bị cháy mang số hiệu NA-93211TS, công suất 320CV, do 3 ngư dân Trần Văn Cường, Trần Văn Tâm và Nguyễn Hiệp Dũng chung vốn mua. Sau khi mua lại con tàu này cách đây 2 năm với trị giá khoảng 800 triệu đồng, về tiến hành sửa chữa và lắp thêm các thiết bị ngư cụ khác, con tàu ngót ngét gần 2 tỉ đồng.
Những chuyến đi trước đó, con tàu ra khơi suôn sẻ mà không gặp phải sự cố gì, thế nhưng vụ cháy vừa qua khiến khối tài sản lớn trong phút chốc đã biến thành tro. Giờ đây, đối với các ngư dân, nợ nần thêm chồng chất khi nợ cũ vay mượn để mua tàu trả chưa xong, nay lại phải gánh thêm khoản nợ tiền dầu máy, thực phẩm trên tàu trị giá khoảng vài trăm triệu đồng.
Cũng theo thông tin từ các chủ tàu cho biết, mặc dù con tàu này đã được mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An thuộc Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex có hiệu lực từ 00 giờ 00 phút ngày 11/7/2107 đến 24 giờ ngày 10/7/2018 mới hết hạn hợp đồng, thế nhưng sau khi xảy ra vụ cháy, phía bảo hiểm vẫn không có động thái về tìm hiểu nắm thông tin vụ việc hay thăm hỏi, động viên gia đình các ngư dân cũng như hướng dẫn gia đình các thủ tục cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho họ.
“Người dân không hiểu biết hết pháp luật, cứ nghĩ mua bảo hiểm cho tàu rồi thì mọi vấn đề rủi ro, phía bảo hiểm phải có trách nhiệm. Ai ngờ khi xảy ra vụ việc, họ lại nói chúng tôi phải làm thế này, thế nọ hết sức phức tạp thì thử hỏi chúng tôi còn mong chờ được gì từ phía đơn vị bảo hiểm nữa”, anh Cường bức xúc cho biết.
Tài sản lớn bị thiệt hại khiến gia đình 3 ngư dân Cường, Dũng và Tâm như “ngồi trên đống lửa”. Họ không còn tâm trí làm việc gì, chỉ quanh quẩn ở nhà chờ hồi âm từ các cơ quan chức năng; trong khi tiền lãi ngân hàng, tiền dầu máy, tiền thực phẩm khoảng vài trăm triệu giờ cũng chưa biết lấy đâu để trả. Các ngư dân cảm thấy như đang bị công ty bảo hiểm “bỏ rơi”...
“Giờ nói chúng tôi phải trục vớt tàu lên, sau đó để Cảnh sát PC&CC khám nghiệm hiện trường, có kết luận chính thức rồi gửi cho đơn vị bảo hiểm thì quả thực ngoài khả năng của chúng tôi. Sau bao năm vươn khơi bám biển để giữ vững lãnh thổ, chủ quyền, ngư dân chỉ mong sao được Nhà nước, các cơ quan chức năng quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện trong mọi tình huống. Có như vậy chúng tôi mới có thể yên tâm mà bám biển được chứ”, anh Cường chia sẻ.
Đối với ngư dân vùng biển, chiếc tàu chính là “ngôi nhà” thứ 2, là tài sản lớn mà họ phải vay mượn, tích góp nhiều năm mới có thể mua được. Không chỉ vậy, đó còn là cột mốc sống để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Thế nhưng, trong lúc ngư dân gặp khó khăn, hoạn nạn, liệu các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình?