(Congannghean.vn)-Cách đây 8 năm, Châu Hoàn là xã nghèo nhất huyện Quỳ Châu. Cái nghèo từ miếng ăn, cái mặc kéo theo nhiều cái nghèo khác bủa vây, khiến sự khốn khó của dân bản càng thêm dai dẳng. Năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo Công an Nghệ An trực tiếp giúp đỡ để vực dậy xã nghèo này.
Trường Tiểu học Châu Hoàn |
Xã nghèo “đứt” bữa
Ông Lữ Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn nhớ lại, từ năm 2010 trở về trước, tỉ lệ đói nghèo của xã luôn ở mức trên 77%, kể cả hộ cận nghèo. Ông nêu một vài dẫn chứng để khắc họa thêm cái nghèo của vùng sơn cùng, thủy tận này: “Châu Hoàn ở cách xa trung tâm huyện 50 km đường rừng, là 1 trong 11 xã vùng sâu, vùng xa nhất và nghèo nhất huyện. Cuối năm 2015 đến nay mới có điện tại 4/9 bản. Xã có 2.500 khẩu nhưng chỉ có 62 ha lúa nước, năng suất cách đây 8 năm chỉ đạt 3,3 tấn/ha. Dân “đứt” từng bữa ăn 2 mùa giáp hạt mỗi năm nên năm nào tỉnh cũng phải chở gạo lên hỗ trợ. Năm 2012, do mùa mất trong cảnh bão lũ càn quét nên số gạo hỗ trợ của tỉnh lên đến 30 tấn”.
Trên đường từ bản Ná Ba đến bản Nật Dưới, là 2 bản có nhiều hộ đặc biệt nghèo, ông Đức chỉ tay xuống đám ruộng lúa nước rồi ngước nhìn lên phía cánh rừng, nói tiếp: “Bà con dân bản chỉ biết nhìn vào 3 nguồn thu nhập chính là nghề trồng lúa nước, nghề chăn nuôi và nghề rừng. Trước đây, cả 3 nghề này không thể đưa dân bản thoát khỏi vị trí xã “chót bảng” của huyện vì năng suất và hiệu quả không cao”.
Năm 2010, xã chưa có điện nên dân chưa có tivi, cán bộ UBND xã chưa biết dùng máy tính. Học sinh THCS phải đi bộ từ 5 - 7 km để đến trường bởi cha mẹ không đủ tiền mua xe đạp cho con. Nhà bếp của Trường THCS Châu Hoàn ở trung tâm xã do dân bản góp tranh tre, nứa mét dựng tạm cho các thầy cô.
Ký họa về Châu Hoàn
Dọc con đường rải nhựa đủ để 2 xe ôtô tránh nhau, chúng tôi đứng nhìn cảnh học sinh Trường Tiểu học Châu Hoàn nô đùa trước lúc vào lớp học. Tại đây, căn nhà bếp tre nứa của các thầy cô đã được thay thế bằng 2 gian nhà xây vững chãi. Trung tá Trần Văn Đoan, Phó Trưởng Công an huyện Quỳ Châu cho biết: “Năm 2010, sau khi Công an tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ bò cho dân bản xong thì thuê thợ xây luôn 2 gian nhà bếp này cho giáo viên. Thế là dân bản cũng vui và giáo viên cũng mừng”.
Theo Trung tá Đoan, chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Võ Trọng Thanh (nguyên Giám đốc Công an Nghệ An) - người đã quyết định mua bò hỗ trợ dân bản Châu Hoàn là phương cách thiết thực nhất để giúp xã này từng bước thoát nghèo.
Thiếu tướng Thanh cho biết, năm 2010, tỉnh Nghệ An có chủ trương giao cho 1 sở, ban, ngành giúp đỡ 1 xã nghèo thoát nghèo. Lúc đó, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Phan Đình Trạc (nguyên Giám đốc Công an Nghệ An) trực tiếp yêu cầu Công an Nghệ An tìm cách giúp đỡ hiệu quả nhất để xã Châu Hoàn thực sự từng bước thoát nghèo.
Sau khi nhận nhiệm vụ này, Thiếu tướng Thanh nghĩ, diện tích lúa nước ở xã Châu Hoàn quá ít, sản xuất mang tính chất quảng canh. Cả xã không có một tấc đất trồng cây ăn quả. Dân bản sống bằng tự cung, tự cấp là chính. Vậy sẽ giúp gì cho dân bản để họ phát triển chứ không phải làm theo phong trào được chăng hay chớ? Thiếu tướng Thanh giao chương trình này cho Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thực hiện. Lúc đó, Thượng úy Đinh Anh Dũng, Trưởng ban Công tác thanh niên Công an Nghệ An kết hợp với Trung úy Hoàng Nghĩa Tú, Bí thư chi đoàn Công an huyện Quỳ Châu vào Châu Hoàn thị sát nhằm tìm câu trả lời cho lãnh đạo Công an tỉnh “dân bản Châu Hoàn đang cần gì nhất trước mắt và lâu dài để thoát nghèo bền vững”.
Sau suốt 2 tuần cùng ăn, cùng ở với người dân 9 bản, Thượng úy Dũng nêu một số nhận xét: Người dân cần có con bò giống để sinh sản, phát triển thành đàn bò kinh tế. Nếu có chương trình hỗ trợ bò giống đáp ứng được nguyện vọng này của người dân thì họ phấn khởi và hăng hái thực hiện chương trình. Sở dĩ người dân thiết tha với việc hỗ trợ bò giống là do trước đây, một số đoàn tài trợ mang bò lai sind đến tặng. Được ít ngày thì bò ốm, chết do không phù hợp với khí hậu vùng sâu, vùng xa ở Châu Hoàn.
Nhận xét này của Thượng úy Dũng trở thành nội dung chính của chương trình hỗ trợ bò giống cho xã Châu Hoàn. Nhưng để có bò giống thích nghi với khí hậu tại xã Châu Hoàn, Ban Công tác thanh niên Công an Nghệ An tìm người chăn nuôi bò giỏi ở huyện Quỳ Châu đi tìm bò giống. Kết quả, chương trình giao 3 đợt gồm 98 con bò giống cho 98 hộ gia đình nghèo nhất xã. Đồng chí Đinh Anh Dũng kể: “Mỗi đợt giao bò cho bà con, Công an tỉnh đều yêu cầu họ ký cam kết một số nội dung nghiêm ngặt như: Không được bán bò, nếu bán sẽ bị thu hồi. Nếu bò ốm phải giết thịt hoặc bán thì phải được UBND xã đồng ý. Khi sinh sản lứa thứ hai, bò mẹ được giao cho hộ nghèo khác chăn nuôi để mở rộng mô hình…”.
Dẫn chúng tôi đến nhà ông Lý Văn Đức ở bản Na Cống, ông Đức, Chủ tịch UBND xã giới thiệu, trước năm 2010, gia đình ông Lý Văn Đức thuộc diện 98 hộ nghèo nhất xã. Sau 8 năm nhận 1 con bò giống, đến nay ông đã bán 4 con, hiện còn 3 con. Nhờ có tiền bán bò, ông Đức sửa nhà, mua xe máy, mua xe đạp cho con đi học. Gia đình bà Niên đã bán 2 con, hiện còn 6 con. Số tiền bán 2 con bò giúp bà Niên sửa lại ngôi nhà sàn bề thế hơn và trang trải cho các con ăn học. Con trai đầu của bà vừa tốt nghiệp Học viện An ninh, hiện công tác tại Công an huyện Quỳ Châu.
Đây là 2 dẫn chứng để Chủ tịch UBND xã Châu Hoàn đưa ra con số từ 98 con bò được hỗ trợ nay đã sinh sản thành đàn bò với 206 con (chưa kể số bò đã bán). Thực tế này cùng với một số dự án khác đã giúp Châu Hoàn giảm tỉ lệ nghèo từ trên 60% trước năm 2010 nay còn 49%. Vẫn 62 ha lúa nước nhưng do sử dụng giống lúa lai, đồng ruộng có máy cày, có phân bón nên năng suất đã đạt 5,3 tấn/ha. Mức độ hỗ trợ gạo cứu đói mùa giáp hạn hàng năm cũng giảm xuống 19 tấn/năm (2017). Đa số học sinh THCS đã đến trường bằng xe đạp. Từ một địa phương không có sinh viên thi đỗ các trường đại học, cao đẳng ngoài cử tuyển, nay đã có 12 sinh viên đại học, 10 học viên các trường trung cấp.