(Congannghean.vn)-Bạo hành gia đình từ lâu đã trở thành “vấn nạn” của cộng đồng. Hậu quả cũng như thương tổn về cả thể xác lẫn tinh thần của các nạn nhân sẽ không có dấu hiệu “hạ nhiệt” nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng và cả những người trong cuộc.
Công an huyện Hưng Nguyên đọc lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng bạo hành cha đẻ tại nhà riêng |
Năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 601 vụ bạo hành gia đình, trong đó có tới 322 vụ bạo hành thân thể, 232 vụ bạo hành tinh thần và 46 vụ bạo hành kinh tế. Đáng lưu ý là các vụ bạo hành kinh tế, khi người đàn ông từ chối đưa tiền, đóng góp tài chính và quản lý chặt chẽ thu nhập của phụ nữ, sử dụng tiền hoặc vật chất để kiểm soát phụ nữ hay từ chối kiếm sống, làm việc nhà vì các tệ nạn như bài bạc, ma túy, rượu chè... Hậu quả để lại là nạn nhân phải làm việc kiệt sức, không được nghỉ ngơi, giải trí, theo đuổi sự nghiệp và chịu tổn thương về tinh thần. Bạo hành kinh tế đang có diễn biến khá phức tạp, với nhiều hệ lụy kéo dài. Theo thống kê, trong 601 vụ việc bạo hành gia đình được phát hiện, cơ quan chức năng đã tạm giữ, xử phạt hành chính 33 lượt, xử lý hình sự 4 đối tượng. Con số này còn rất “khiêm tốn” so với những hậu quả dai dẳng mà các vụ việc gây ra.
Năm 2017, Ban Công tác gia đình tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thành, thị trên toàn tỉnh tiếp cận, góp ý phê bình 481 người, giáo dục vận động 17 người và cấm tiếp xúc với nạn nhân đối với 14 người có hành vi bạo hành dã man người thân trong gia đình. Cùng với đó, các cấp, ngành địa phương cũng đặc biệt chú trọng tới công tác giáo dục, phòng ngừa “vấn nạn” bạo hành, với việc thành lập 1.357 cơ sở tư vấn và tiếp cận tư vấn cho 238 người có biểu hiện thường xuyên bạo lực với người thân trong gia đình và 288 người là nạn nhân của các vụ bạo hành gia đình.
Trong một diễn biến khác, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp năm 2017 của cơ quan kiểm sát cho thấy, số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Đơn cử như huyện Hưng Nguyên, có 20/170 vụ án yêu cầu ly hôn có nguyên nhân xuất phát từ bạo lực gia đình, 3/6 vụ việc Tòa án mở phiên họp đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc có nguyên nhân bạo lực cha, mẹ, vợ; 5/7 vụ việc tố giác về tội phạm cố ý gây thương tích giữa người thân trong gia đình với nhau, gây bức xúc trong dư luận.
Một trong những vụ việc điển hình là vào ngày 23/11/2017, Nguyễn Văn Tới (SN 1987) trú tại xóm 4, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên có hành vi bạo lực cha đẻ, khiến nạn nhân bị tổn hại sức khỏe 6%. Hay vụ việc Đinh Công Khoa (SN 1977) trú tại xóm 16, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên nhiều lần đánh đập vợ do các nguyên nhân như say rượu, vợ không đưa tiền để mua ma túy sử dụng, đi giao lưu với bạn bè… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đơn cử như công tác giáo dục, phòng, chống vi phạm, tội phạm về bạo lực gia đình còn chưa đồng bộ, thường xuyên và triệt để. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể với các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật thiếu chặt chẽ; một số trường hợp mang nặng tính hình thức.
Trước thực trạng trên, nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình, từng bước xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như quyết định về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh", Kế hoạch về việc thực hiện đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” đến năm 2020…
Giảm thiểu và tiến tới chấm dứt nạn bạo hành gia đình cần chiến lược dài hơi. Tuy nhiên, giải pháp thực hiện mang tính xuyên suốt là nâng cao hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Theo đó, đặt ra nhiều nhiệm vụ như: Củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình về “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Nhằm tăng tính răn đe, phê phán, việc thông báo cho cộng đồng dân cư về những hành vi bạo lực để tạo sự đồng thuận của xã hội cũng cần được thực hiện rộng rãi. Các cơ sở y tế cấp xã nên được xây dựng theo hướng trở thành nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân của bạo hành gia đình. Riêng với lực lượng Công an, cần tăng cường công tác nắm tình hình liên quan đến các vi phạm pháp luật về bạo hành gia đình nói riêng để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời.
Bạo hành gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó, việc phòng, chống vấn nạn này cần sự chung tay hơn nữa từ cộng đồng, hướng tới xây dựng gia đình chuẩn mực và góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.