Cùng với những mặt tích cực, cuộc sống hiện đại cũng bộc lộ những hệ lụy nhất định, có thể gây ảnh hưởng đến mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Một trong những hệ lụy đó là tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt tại những thành phố lớn.
Thống kê của ngành Tòa án cho thấy, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 60.000 vụ ly hôn. Cùng nhau ra tòa để nói với nhau lần cuối không chỉ là những cặp đôi còn trẻ mà người ta thấy cả những cặp vợ chồng già đã lên chức ông, bà. Nguyên nhân của những vụ ly hôn chủ yếu tập trung vào 4 nhóm chính là mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình, kinh tế và bạo lực gia đình.
Minh họa trong trang của Lê Tâm. |
Tất nhiên, số đông những cặp ly hôn vẫn là những gia đình trẻ, khi mâu thuẫn ngày càng trầm trọng và sự chịu đựng đã lên đến đỉnh điểm. Đằng sau các vụ ly hôn là một gia đình bị đổ vỡ và để lại nhiều vết thương khó lành không chỉ với người trong cuộc mà cả những đứa trẻ là con cái họ.
Cùng với thời gian, những đứa trẻ sẽ lớn lên, nỗi đau sẽ dần nguôi ngoai, nhưng những kỷ niệm buồn hẳn sẽ còn đeo bám trong tâm hồn chúng, tác động tiêu cực đến quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
Thực tế cho thấy có quá nhiều chuyện buồn khi vợ chồng ly hôn. Sau khi đường ai nấy đi, nhiều cặp vợ chồng xem nhau như kẻ thù rồi quay ra trút hận lên con cái, không cho con cái gặp cha, mẹ đẻ, nhồi nhét vào đầu con những ý nghĩ xấu xa về người kia hoặc có những hành vi bạo hành dã man mà vụ án mới đây ở quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Suốt hai năm trời, người cha ruột cùng mẹ kế đã đánh đập đứa con trai hết sức tàn nhẫn, để lại nhiều vết sẹo trên người, trên khuôn mặt cháu bé. Rất may trong một lần sơ hở của cha và mẹ kế, cháu đã trốn thoát khỏi ngôi nhà địa ngục đó và cùng người thân tố cáo hành vi tội ác của cặp đôi mất nhân tính này tới cơ quan bảo vệ pháp luật.
Riêng về những vụ ly hôn có nguyên nhân là bạo lực gia đình, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 vụ. Lực lượng chức năng khi xử lý các vụ việc này luôn gặp khó khăn do có nhiều trường hợp đã khởi tố nhưng nạn nhân lại xin rút đơn, bãi nại, thường xuyên thay đổi lời khai, thậm chí sợ bị trả thù, chính quyền địa phương không can thiệp hoặc khi can thiệp thì đã quá muộn…
Một thẩm phán từng xử nhiều cặp vợ chồng ly hôn chia sẻ: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình để rồi ly hôn, đó là trước khi kết hôn chưa tìm hiểu kỹ cá tính của nhau, sau khi về sống chung mới bộc lộ làm cho đối phương cảm thấy không thể chấp nhận; vợ chồng trẻ chưa va vấp nhiều, chưa có kinh nghiệm cuộc sống, khi lấy nhau gặp những áp lực đòi hỏi trong thực tiễn nhưng không biết giải quyết thế nào; nhiều cặp vợ chồng chưa có việc làm ổn định, thu nhập thấp trong khi nhiều khoản chi phí phải tiêu thường xuyên, dẫn đến nợ nần, bi quan, bế tắc; một số gia đình vợ hoặc chồng vướng phải các tệ nạn như đánh bạc, đề đóm, nghiện ngập, trong cuộc sống thiếu sự nhường nhịn, tôn trọng nhau...
Tất nhiên, ly hôn không hoàn toàn xấu. Khi cuộc sống gia đình không còn êm ấm, khi sợi dây tình cảm đã bị đứt đến sợi cuối cùng, khi những lời nói ngọt ngào ngày trước được thay bằng những lời chửi bới, những hành vi vũ phu thì ly hôn là một giải pháp cần thiết. Nó giúp người trong cuộc lấy lại sự cân bằng để quên đi quá khứ đau buồn, bắt đầu một cuộc sống mới cân nhắc hơn, tốt đẹp hơn.
Thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ. Chúng còn quá non nớt để hiểu về bi kịch của mình. Dù vật chất có đầy đủ thì cũng không ai có thể thay thế được người cha, người mẹ và chúng phải biết tự chấp nhận, trưởng thành sớm trong sự hụt hẫng đó.
Phòng, chống bạo lực gia đình hay dẹp cái tôi của mỗi người để cùng nhau xây dựng một gia đình bền vững, đó là những giá trị truyền thống luôn chứa đựng ý nghĩa, bởi đó là bến đỗ bình yên mỗi khi bạn mệt mỏi trở về nhà. Đó cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm tươi đẹp mà ở đó, những đứa trẻ của bạn sinh ra, lớn lên và bước vào đời, thành những công dân có ích cho xã hội.
.