Bộ Y tế vừa đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, cũng như việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi bước vào mùa hè.
Dịch bệnh giảm, nhưng không nên chủ quan
Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy là một trong những biện pháp để phòng, chống dịch bệnh |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê của Hệ thống Giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh trong đầu năm 2017 ổn định, không có sự đột biến trên cả nước.
Cụ thể, các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng đều giảm và không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh dại mới ghi nhận 3 trường hợp tử vong (1 tại Bắc Kạn và 2 tại Điện Biên), nhưng so với cùng kỳ năm 2016, số tử vong do bệnh dại đã giảm khoảng 34%. Về dịch cúm gia cầm, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch A/H5N1 trên gia cầm, không ghi nhận trường hợp mắc trên người.
Theo Cục Y tế dự phòng, với khí hậu nhiệt đới gió mùa và tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, công tác phòng, chống dịch bệnh không thể lơ là, nhất là vào tiết chuyển mùa, trước mùa mưa bão.
Do đó, ngoài việc chú trọng ngăn ngừa virus cúm A/H7N9 và các chủng virus gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đang tiếp tục giám sát chặt chẽ một số dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết, Zika trong thời kỳ cao điểm tháng 5 và 6.
Ngoài ra, các dịch bệnh mùa hè như: Tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… có thể dễ lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa.
Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè, nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công nhất. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch cho trẻ cần được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học. Nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ.
Trước dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của El Nino khiến mùa hè nóng hơn trung bình từ 0,5-1 độ C và mưa trái mùa sẽ tăng lên, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất. Đó là: Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh.
Chọn thực phẩm sạch, bảo đảm ăn chín, uống chín
Mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, nếu thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản thực phẩm không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh; gia tăng sử dụng nước đá; chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ,…. thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…
Mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.
Theo kết quả điều tra của Cục ATTP (Bộ Y tế), kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể, nhưng việc “thực hành đúng” về ATTP còn khá hạn chế; không tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể; kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… thì sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm.
Cục ATTP khuyến cáo: Để bảo đảm ATTP, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống chín.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Xử lý khi có ngộ độc thực phẩm
1. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
2. Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
3. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
.