(Congannghean.vn)-Với diện tích rộng, dân số đông, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Nghệ An là tỉnh có đối tượng bảo trợ xã hội khá lớn. Thực hiện chính sách phát triển KT-XH bền vững gắn với đảm bảo tốt an sinh xã hội, thời gian qua, các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tối đa cho nhóm đối tượng yếu thế xây dựng cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt với cộng đồng; qua đó tạo ra nhiều hiệu ứng xã hội tích cực.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, Công an Nghệ An thường xuyên quan tâm tới công tác trợ giúp xã hội (Trong ảnh: Công an huyện Hưng Nguyên trao quà cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện) |
Trong những năm qua, căn cứ vào thực tế phát triển của xã hội, các quy định liên quan đến trợ giúp xã hội thường xuyên liên tục có sự bổ sung, hoàn thiện nhằm tiếp cận các nhóm xã hội yếu thế cần được trợ giúp.
Theo đó, mức trợ giúp cho hoạt động này được điều chỉnh tăng lên qua các năm nhằm đảm bảo cuộc sống của các nhóm thụ hưởng. Cụ thể: Mức chuẩn trợ cấp năm 2015 là 270.000 đồng/tháng, tăng 1,5 lần so với năm 2010.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 20/9, Nghệ An có trên 134.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có khoảng gần 70.000 người cao tuổi (có gần 13.000 người cao tuổi cô đơn), trên 50.000 người khuyết tật, còn lại là người mắc bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người lang thang… Toàn tỉnh có 8 cơ sở bảo trợ xã hội (5 cơ sở công lập và 3 cơ sở ngoài công lập) đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 580 đối tượng (gồm trẻ em, người già cô đơn và người khuyết tật).
Bên cạnh đó, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng cũng ngày càng rộng. Nguồn kinh phí trợ giúp không ngừng được điều chỉnh thêm nhằm huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, địa phương, các tổ chức xã hội trong, ngoài cộng đồng và cá nhân tham gia ủng hộ đóng góp vào quỹ trợ giúp.
Ngoài thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và hàng tháng, việc quan tâm triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp đột xuất của tỉnh đã góp phần từng bước đảm bảo ổn định đời sống dân sinh và khắc phục hậu quả thiên tai.
Tính đến ngày 13/11, Nghệ An đã quản lý, chi trả kịp thời cho 132.149 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, với số tiền chi trả là 37,48 tỉ đồng/tháng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và kỳ giáp hạt 4 tháng đầu năm 2016, đã cấp phát kịp thời 6.127,950 tấn gạo cứu đói cho 118.576 lượt hộ dân, với 408.530 lượt nhân khẩu.
Trong năm qua, bên cạnh thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, quá trình triển khai một số chính sách liên quan đến việc chi trả và hỗ trợ, chăm sóc nhóm yếu thế còn bộc lộ hạn chế nhất định. Cụ thể, thực hiện Quy định số 2322/QĐ.UB/2016 của UBND tỉnh, từ ngày 1/7/2016, chế độ bảo trợ xã hội được chuyển từ UBND xã sang cho ngành Bưu điện chi trả. Sau 3 tháng triển khai, đã ghi nhận kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số bất cập khiến đối tượng được chi trả chưa hài lòng.
Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: vướng mắc về thủ tục hành chính liên quan đến giấy ủy quyền; cơ sở vật chất, địa điểm chi trả một số địa phương còn chật chội, xuống cấp; lịch chi trả không có sự thống nhất theo từng tháng… Theo khảo sát, hiện có khoảng 20 - 25% đối tượng bảo trợ là những người tàn tật, già yếu, không đi lại được, cần được Bưu điện tiến hành chi trả tại nhà. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong 2 tháng đầu thực hiện việc chi trả qua bưu điện, huyện Diễn Châu tồn hơn 30 triệu đồng do các đối tượng già cả không đến đúng thời điểm chi trả, phải lên Bưu điện huyện để nhận.
Một hạn chế khác là trên thực tế, số đối tượng bảo trợ xã hội đang sinh sống tại cộng đồng là rất lớn. Đi liền với đó là sự cần thiết phải có đội ngũ cán bộ chính sách xã hội ở cơ sở (xã, phường) đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiện đội ngũ cán bộ làm nghề công tác xã hội (CTXH) còn khá mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao, phần lớn kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương. Tính đến ngày 20/9, ngoài 466 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách tại các địa phương tham gia làm CTXH, chưa có địa phương nào xây dựng được mạng lưới cộng tác viên.
Sau gần 6 năm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, kết quả phát triển nghề này tại tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Các buổi tập huấn nâng cao kiến thức CTXH ít chú trọng tới việc cung cấp các kiến thức chuyên sâu nên hiệu quả mang lại chưa cao...Ngoài ra, mức hỗ trợ hàng tháng cho cộng tác viên còn thấp nên việc nhân rộng mô hình phát triển nhân viên CTXH tại các địa phương trên toàn tỉnh còn khó khăn.
Để góp phần giải quyết tình trạng trên, theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH; đồng thời, các ngành liên quan như Nội vụ, Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH để có cơ chế hỗ trợ, nâng cao mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm làm việc.
Có thể nói, trong năm qua, mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, bất cập nhưng không thể phủ nhận hiệu ứng xã hội sâu rộng mà công tác trợ giúp xã hội mang lại. Đây chính là tiền đề vững chắc đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.