(Congannghean.vn)-Tuy không diễn biến phức tạp như các năm trước nhưng với những hậu quả nghiêm trọng để lại, người dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ không thể xem thường bệnh viêm não Nhật Bản. Với những hậu quả nghiêm trọng, bản thân các cháu và gia đình đã và đang phải gánh chịu nỗi đau do căn bệnh này gây ra. Chủ động tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng chống viêm não Nhật Bản là cơ sở quan trọng để phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho các cháu.
Đã hơn 1 tuần nay, bà Nguyễn Thị H. (xã Mã Thành, huyện Yên Thành) phải thường xuyên ra vào bệnh viện để chăm sóc cháu Nguyễn Bá Thế vừa nhập viện. Thấy cháu nằm li bì trên giường bệnh tại khoa Hồi sức cấp cứu, bà không khỏi xót xa. Phải chờ ít ngày nữa mới có kết quả xét nghiệm xem Thế có bị viêm não Nhật Bản hay không, nhưng với những triệu chứng điển hình của căn bệnh trên người Thế, ai cũng không khỏi lo lắng. Thế đã 16 tháng tuổi nhưng mọi người trong gia đình lại chủ quan không đưa cháu đi tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản.
Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét... Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, các bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản nhập viện với các triệu chứng như: Sốt cao liên tục, co giật, nôn, đi phân lỏng, hôn mê… Trẻ thường bị mất ngủ, quấy khóc, mê sảng hoặc li bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật. Nếu không xử lý kịp thời, hậu quả để lại rất khôn lường.
Bác sĩ đang thăm khám cho trẻ tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An |
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cấp tính do muỗi truyền. Bệnh do vi-rút viêm não Nhật Bản gây ra, có tỉ lệ mắc và tử vong khá cao. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua muỗi đốt và gây tổn thương não nặng nề. Do vậy, khi mắc bệnh thường gây tử vong, nếu bệnh nhân có thể hồi phục thì đa số sẽ để lại di chứng như liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, thay đổi cá tính, rối loạn cảm xúc và hành vi. Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị viêm não Nhật Bản nhưng lứa tuổi thường mắc bệnh là trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh tản phát quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, số ca mắc lớn nhất thường vào tháng 6, tháng 7.
Hiện nay, tiêm vắc-xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Mọi người chưa tiêm phòng đều có thể tiêm phòng bệnh nhưng nhóm tuổi ưu tiên là trẻ dưới 5 tuổi. Cần tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, ngay sau khi trẻ đủ 1 tuổi. Đối với trẻ chưa tiêm chủng lần nào, cần tiêm 2 mũi đầu cách nhau ít nhất 7 ngày, mũi thứ 3 sau mũi thứ 2 ít nhất 1 năm và sau đó cứ 3 năm nhắc lại 1 mũi cho đến khi đủ 15 tuổỉ.
Bên cạnh đó, vì bệnh chủ yếu do muỗi đốt truyền bệnh nên cần phải diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân phải thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc đến chỗ xa nơi sinh hoạt, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn và thường xuyên sử dụng các biện pháp diệt muỗi trong các hộ gia đình, không để trẻ chơi gần chuồng gia súc.
.