Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201506/mua-he-va-noi-lo-mat-an-toan-tu-cac-diem-trong-giu-tre-tu-phat-618596/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201506/mua-he-va-noi-lo-mat-an-toan-tu-cac-diem-trong-giu-tre-tu-phat-618596/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mùa hè và nỗi lo mất an toàn từ các điểm trông giữ trẻ tự phát - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 27/06/2015, 07:47 [GMT+7]

Mùa hè và nỗi lo mất an toàn từ các điểm trông giữ trẻ tự phát

(Congannghean.vn)-Hiện nay, khi các trường mầm non đã bước vào kỳ nghỉ hè cũng là thời điểm “nở rộ” các điểm trông giữ trẻ tư nhân nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh. Sau một số vụ bạo hành trẻ ở các điểm trông giữ trẻ tư nhân bị phát hiện trong thời gian qua, gửi con ở đâu cho an toàn đang là nỗi lo canh cánh của không ít bậc phụ huynh.
 
Hầu hết điểm giữ trẻ tư nhân hiện nay đều không đảm bảo được những yêu cầu cơ bản theo đúng quy định. Các cơ sở giữ trẻ tư nhân tự phát đều trong tình trạng “ba không”: Không có giấy phép hoạt động, người trông giữ trẻ không có chứng chỉ, nghiệp vụ hành nghề, không đảm bảo an toàn về các điều kiện chăm sóc trẻ. Các điểm trông giữ trẻ tư nhân kiểu này hoạt động chủ yếu trên cơ sở thoả thuận, “hợp đồng miệng” giữa người trông giữ trẻ và các bậc phụ huynh có nhu cầu, ngoài ra không có thêm sự ràng buộc mang tính pháp lý nào.
Nỗi lo mất an toàn luôn hiện hữu đối với các bậc phụ huynh khi gửi con vào các điểm trông giữ trẻ tự phát - Ảnh mang tính chất minh hoạ
Nỗi lo mất an toàn luôn hiện hữu đối với các bậc phụ huynh khi gửi con vào các điểm trông giữ trẻ tự phát - Ảnh mang tính chất minh hoạ
Hầu hết các điểm trông giữ trẻ chủ yếu chỉ để trông trẻ. Vấn đề dinh dưỡng của trẻ, vệ sinh môi trường chưa được chú trọng. Không ít gia đình, cá nhân nhận trông giữ trẻ chỉ với mục đích kiếm thêm thu nhập, trong khi lại không mấy quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như các điều kiện chăm sóc trẻ an toàn. Hệ quả kéo theo là nhiều bé không được ăn ngủ đầy đủ, khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng, phát sinh bệnh tật.
 
Thậm chí có những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra ở các điểm giữ trẻ tư nhân do “cô giáo” thiếu quan tâm, kiểm soát các hoạt động của bé. Không ít phụ huynh xót xa khi đến đón con nhìn thấy con em trầy xước mặt mày hoặc cơ thể có những vết bầm tím nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì tìm được một điểm giữ trẻ gần nhà không phải là chuyện dễ. Điều đáng nói là phần nhiều điểm giữ trẻ kiểu này đang nằm ngoài sự kiểm soát của ngành giáo dục và chính quyền địa phương, chỉ khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra, phụ huynh và dư luận phản ứng gay gắt thì các cơ sở này mới được “sờ” tới.
 
Theo quy định, trẻ mầm non dưới 36 tháng tuổi chỉ được phép trông giữ tối đa 25 trẻ/lớp, còn lứa tuổi mẫu giáo đối với trẻ 3 - 5 tuổi tối đa cũng chỉ 35 trẻ/lớp. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở mầm non công lập ở các thành phố, thị xã đều trong tình trạng quá tải, nhất là khi phải ưu tiên dành “suất” cho các bé 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều bậc phụ huynh  thực sự gặp khó khăn khi nhiều trường mầm non đã từ chối nhận giữ trẻ 12 - 36 tháng tuổi. Tình trạng “bí” chỗ giữ trẻ càng diễn ra gay gắt hơn vào mùa hè ở các khu, cụm công nghiệp, những nơi có đông công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
 
Hầu hết các gia đình này đều chọn các khu nhà trọ ở gần công ty, doanh nghiệp mà họ làm việc để sinh sống, đa phần trong số này đều còn trẻ và đang ở độ tuổi sinh đẻ. Sau khi sinh con, các bà mẹ trẻ phải đi làm trở lại, không có người trông nom, buộc phải gửi con đi nhà trẻ. Từ nhu cầu bức thiết trên, các điểm trông giữ trẻ tự phát hình thành nhiều ở các khu dân cư. Mặc dù giá giữ trẻ ở các cơ sở tự phát này không phải là rẻ so với mức thu nhập của họ, trung bình dao động từ 1.500.000 - 2.000.000 đồng/tháng, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn phải chấp nhận vì… không còn cách nào khác.
 
Sau những vụ bạo hành, xâm phạm thân thể trẻ em xảy ra trong thời gian qua, đã đến lúc cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực và quyết liệt trong việc ngăn chặn  và đi đến chấm dứt tình trạng nhức nhối trên. Theo đó, chính quyền địa phương kết hợp với ngành giáo dục cần thường xuyên kiểm tra đột xuất hoạt động của các điểm trông giữ trẻ tư nhân. Cần có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh hoạt động đối với những cơ sở hoạt động “chui” không có giấy phép. Tránh tình trạng khi có sự cố đáng tiếc xảy ra mới bắt tay vào cuộc.
 
Trong khi các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở một số nơi đang trong tình trạng quá tải, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các bậc phụ huynh, trước mắt, các ngành chức năng cần mở các khoá đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề nuôi dạy trẻ ngắn hạn cho những người hành nghề tại các cơ sở, điểm trông giữ trẻ tư nhân. Mục tiêu là trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăm sóc trẻ cũng như đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, không gian trông giữ trẻ. Trong tương lai gần, cần quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non sao cho “cung” đáp ứng đủ “cầu”.
 
Công tác xã hội hoá giáo dục ở bậc học mầm non cần được chú trọng thực hiện có chiều sâu. Với các khu, cụm công nghiệp, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh thì việc xây dựng các điểm trông giữ trẻ theo đúng quy chuẩn quy định để công nhân yên tâm gửi con là vấn đề cần phải được tính đến một cách nghiêm túc. Bởi, đó cũng là biện pháp thiết thực để người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động.
.

Bùi Minh Tuấn

.