(Congannghean.vn)-Giáo dục sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên là lĩnh vực khá mới mẻ, hơn nữa đây là vấn đề tế nhị, chịu ảnh hưởng bởi các tập quán văn hóa, xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt công tác này, cần sự phối hợp có hiệu quả của các ngành, các cấp, nhằm tạo được sự đồng thuận, tham gia của nhiều người và huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, nước ta có khoảng 300.000 ca đình chỉ thai nghén ở độ tuổi từ 15 - 19. Với con số này, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên. Ở tỉnh ta, vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tình trạng lứa tuổi vị thành niên - thanh niên quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... có chiều hướng gia tăng.
Các bạn trẻ nên đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản để được tư vấn các kiến thức liên quan nhằm tự bảo vệ mình |
Qua tìm hiểu, hiện tại, hầu hết các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ sản khoa trong tỉnh đều chưa có phòng khám sức khỏe và tư vấn riêng cho lứa tuổi vị thành niên. Tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, công tác truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên mới chỉ được thực hiện lồng ghép vào các chương trình truyền thông khác mà chưa thật sự đi vào chiều sâu. Phần lớn bậc cha mẹ, thầy cô vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi này.
Cùng với đó là hiện tượng “bùng nổ” các hình ảnh về tình dục, bạo lực, bia rượu, ma túy..., là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của lứa tuổi vị thành niên. Trong khi đó, cha mẹ lại rất bận rộn với công việc, ít chú ý đến việc giáo dục giới tính cho con cái hoặc do ngại ngùng né tránh, không muốn trao đổi cởi mở vì sợ rằng sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Những sai lầm trong nhận thức, suy nghĩ trên là một trong những mối đe dọa lớn tới vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Điều này khiến các em dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi những yếu tố tác động của xã hội nếu như không có sự định hướng, giáo dục của gia đình và nhà trường. Hậu quả là, một số em "bắt chước", "học đòi" lối sống buông thả, đua đòi và có những hành động thể hiện tình cảm một cách tiêu cực theo kiểu một số nhân vật trong các phim ảnh. Một bộ phận các em tuy còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã nghĩ đến chuyện "yêu đương" quá sớm. Trong khi đó, ở độ tuổi các em lại thường tò mò, thích khám phá “chuyện người lớn” nhưng các em lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể tự bảo vệ chính mình.
Câu chuyện của H.T.T., ở huyện Diễn Châu là một ví dụ. Sinh năm 1997, chỉ vì một phút bồng bột, em đã có thai khi đang học lớp 10. Việc học hành bỗng chốc lỡ dở, cái thai trong bụng cứ lớn dần, còn “tác giả” thì “chạy làng”. Nhớ lại thời điểm con gái thông báo đang có thai hơn 4 tháng, chị Lan (mẹ T.) không khỏi chạnh lòng: “Cháu mới học lớp 10 nên khi nghe tin, tôi như “sét đánh ngang tai”. Vẫn biết công việc buôn bán khiến hai vợ chồng không có thời gian lo lắng cho các con, nhưng không ngờ sự việc lại đi xa đến vậy. Để cháu phá thai cũng không được, nên gia đình đành cho cháu nghỉ học, sinh con rồi cho cháu đi học lại”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ điển hình liên quan đến thực trạng của việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên hiện nay. Việc quan hệ tình dục sớm khi chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về sức khỏe sinh sản ở lứa tuổi vị thành niên sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn. Mang thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến các biến chứng như: Dễ bị sẩy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ hoặc làm mẹ quá trẻ, khi cơ thể chưa phát triển toàn diện dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng.
Nạo phá thai không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và vô sinh trong tương lai, thậm chí gây nguy cơ tử vong cao. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Bá Tân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Qua nhiều trường hợp được tiếp xúc với cha mẹ của các em ở tuổi vị thành niên lỡ mang thai ngoài ý muốn, nhận thấy, thay vì nghiêm túc tự kiểm điểm về trách nhiệm của bản thân, họ lại quay sang đổ lỗi cho nhà trường, xã hội. Đó là nhận thức chưa đúng, vì hơn ai hết, cha mẹ phải là những người bạn luôn gần gũi bên con, khi con có những thay đổi về tâm sinh lý, về tình cảm khác giới thì cần có những lời khuyên nhủ, chia sẻ kịp thời.
Quan tâm, chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với lứa tuổi vị thành niên chính là tạo môi trường toàn diện cho sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên nên được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện với hình thức đa dạng, phong phú, các mô hình phù hợp với thực tiễn của địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của lứa tuổi vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
.