Dịp cuối năm, dịch vụ đổi tiền lẻ lại vào mùa. Nhu cầu đổi tiền mừng tuổi Tết theo phong tục không nhiều, nhưng nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ cuối năm, đầu năm thì tăng đột biến. Năm nay, phí dịch vụ đổi tiền lẻ dâng cao chót vót. Người kinh doanh sẽ thu được lãi khủng từ dịch vụ này. Có nhiều vấn đề cần được quan tâm khi xã hội đang sính việc sử dụng tiền lẻ một cách thái quá như hiện nay.
Nơi tập trung dịch vụ đổi tiền lẻ nhiều nhất là khu vực đền chùa, di tích, nơi thu hút khách thập phương tham quan, đi lễ cuối năm, đầu năm. Có tiếng về dịch vụ này phải kể đến đền Bà Chúa Kho ở TP Bắc Ninh, chùa Hương ở huyện Mỹ Đức, phủ Tây Hồ ở quận Tây Hồ, Hà Nội… Đền Bà Chúa Kho thì mỗi năm dịch vụ càng phục vụ cách đổi tiền quy mô hơn. Suốt dọc đường từ bãi gửi xe cho đến cổng đền là bạt ngàn đồ lễ và hòm kính đựng tiền lẻ. Ở chùa Hương, khách vừa dừng xe mua vé cách đường vào vài cây số đã bị nhiều người bủa vây mời đổi tiền.
Tại sân đền Trình ở chùa Hương cũng luôn duy trì khoảng chục quán bán hàng kiêm dịch vụ đổi tiền. Còn tại phủ Tây Hồ thì tiền lẻ cũng được bày ra đúng như một món hàng bán chợ. Chưa bao giờ tiền lẻ được đưa ra kinh doanh và sinh lời nhiều như thế. Tiền có mệnh giá càng nhỏ thì chi phí đổi càng đắt. Bất kể tiền 200 đồng, 500 đồng, cho tới 10.000 đồng, 20.000 đồng, ở những nơi này đều có cả.
Dịch vụ đổi tiền lẻ ở đền ông Hoàng Bẩy (Lào Cai). |
Chùa Quán Sứ, Hà Nội, dù chỉ có vài sạp hàng bán đồ cúng trước cửa, nhưng cũng có dịch vụ đổi tiền. Ngày 4/1, tôi ghé vào hỏi mức giá đổi tiền. Chị bán hàng nói ngay: “10 ăn 7” – tức là đổi 10.000 đồng thì chỉ được lấy có 7.000 đồng, giá đổi hơn 30%. Tôi kêu: “Đắt quá!”. Chị ngạc nhiên: “Chị chưa bao giờ đổi tiền à?”. Lên đền ông Hoàng Bẩy ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, dịch vụ đổi tiền lẻ cũng có mức phí cao. Dù tôi chỉ đổi lấy tiền mệnh giá 10.000 đồng nhưng cũng phải mất phí 5.000 đồng khi đổi tờ 50.000 đồng.
Dịch vụ đổi tiền lẻ giờ còn xuất hiện trên mạng Internet với đủ lời chào mời hấp dẫn. Nhiều website được lập ra chỉ để giới thiệu và cung cấp số điện thoại dịch vụ, mức phí dịch vụ. Nếu khách hàng muốn đổi thì dịch vụ sẽ được cung cấp tới tận nhà. Tuy nhiên, phí đổi tiền được đưa ra cao ngất ngưởng. Có địa chỉ đưa ra mức đổi cao nhất cho tiền mệnh giá 500 đồng là 80%, mệnh giá 200 đồng thì liên hệ riêng, còn mức phí chung cho tiền mệnh giá cao hơn là 16%, 12%..., mức 6%, 7% cho tiền mệnh giá 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. Người ta đưa ra lý do mức phí cao là vì “loại tiền 200, 500 đồng năm nay rất hiếm do nhà nước in nhỏ lẻ nên phí khá cao so với các năm”.
Với mức phí cao như vậy, người kinh doanh dịch vụ này sẽ thu được lãi khủng sau mùa đổi tiền.
Ở đền Bà Chúa Kho, tiền lẻ ngoài chức năng thả “giọt dầu”, thả hòm công đức, người ta còn dùng để trang trí thành hoa, thành những tháp tiền để dâng lên bà Chúa. Trong đền ông Hoàng Bẩy, người ta thả tiền vào khung kính trưng bày tiêu bản hổ với ý gửi tiền cho “thần hổ”. Tiền lẻ ngoài việc được đặt lên bàn thờ ở các đền chùa, còn được rải khắp nơi, gài tai phật, thả xuống giếng, nhét dưới chân các linh vật ở đền chùa… Thậm chí, có nơi do đông khách, tiền rơi xuống đất để khách thay nhau giẫm đạp lên, trông thật phản cảm. Đồng tiền bị sử dụng sai mục đích theo chiều hướng này đã bị dư luận phản đối nhưng nó vẫn diễn ra và có phần phát triển hơn trước. Người dân cần thay đổi quan niệm để sử dụng tiền lẻ đúng mục đích.
Dù hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch là không được phép nhưng nó vẫn diễn ra sôi động, không giấu giếm. Cuối năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Công an phối hợp xử lý nghiêm hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch. Năm nay, trước hoạt động đổi tiền hưởng giá cao như hiện nay, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch đang rầm rộ vào dịp cuối năm này.
.