(Congannghean.vn)-Trong 15 năm qua (1999 - 2014), BĐBP Nghệ An đã thường xuyên triển khai tăng cường 23 - 27 đồng chí cho 27 xã biên giới đất liền. Trong đó có 19 - 23 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng uỷ xã (1 đồng chí giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã); 45 - 55 đồng chí chuyển sinh hoạt Đảng về các chi bộ thôn (bản) khu vực biên giới. Đội ngũ cán bộ tăng cường đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí đồng bào các dân tộc vùng biên giới xứ Nghệ.
Đội ngũ cán bộ BĐBP được tăng cường cho các xã biên giới dù ở vị trí tăng cường hay giữ chức danh Phó Bí thư Đảng uỷ xã và số đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các thôn (bản) khu vực biên giới. Sau khi nhận nhiệm vụ, các đồng chí đã sớm tiếp cận và hoà nhập nhanh với môi trường công tác mới, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tận tâm, tận lực công tác, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương tín nhiệm. Qua 15 năm hoạt động, đã tham mưu, chỉ đạo, góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhiều mặt tại địa bàn biên giới.
Cán bộ tăng cường cùng nhân dân lao động sản xuất |
Các xã có cán bộ tăng cường đều xây dựng, bổ sung được quy chế làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể quần chúng. Làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của tập thể và từng chức danh trong tổ chức. Thông qua việc tham mưu xây dựng, bổ sung quy chế và tổ chức thực hiện, các đồng chí cán bộ tăng cường đã góp phần tích cực trong việc chấn chỉnh lề lối, tác phong, nề nếp công tác của các tổ chức và cán bộ trong hệ thống chính trị; từng bước khắc phục tình trạng làm việc tùy tiện, bỏ trống vắng trụ sở.
Các xã đều xây dựng được kế hoạch công tác, lịch trực làm việc tại trụ sở và duy trì khá tốt về chế độ giao ban, hội ý, hội họp hàng tuần, tháng, quý. Các đồng chí đảng viên chuyển sinh hoạt về các thôn (bản) thường xuyên bám địa bàn, xây dựng, củng cố tổ chức Đảng đi vào hoạt động có nề nếp, nhất là các chi bộ thôn, bản, các tổ chức quần chúng, duy trì nề nếp các cuộc họp theo quy chế, quy định. Nội dung các cuộc họp được chuẩn bị tốt hơn.
Đảng ủy các xã đều ban hành quy chế lãnh đạo của cấp ủy, ra được nghị quyết lãnh đạo định kỳ, chi bộ các thôn (bản) ra được nghị quyết lãnh đạo hàng tháng; nhiều xã ra được nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác quốc phòng - an ninh, phát triển chăn nuôi trâu, bò, khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước... Công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện đầy đủ hơn, chất lượng quán triệt, triển khai chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật được nâng cao và kịp thời.
Cán bộ tăng cường xã và đội ngũ đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời tại các chi bộ thôn (bản) đã quan tâm khảo sát chất lượng hoạt động, tham mưu kiện toàn cấp ủy, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động các chi bộ, đẩy mạnh công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhờ vậy, trong những năm qua, công tác phát triển đảng viên ở những thôn (bản) các xã biên giới đạt kết quả tốt.
Qua 15 năm, đội ngũ cán bộ tăng cường và số đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các thôn (bản) đã tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, kiện toàn được 7 đảng bộ; xóa được 8 thôn, bản trắng về chi bộ Đảng; 30 thôn, bản trắng về đảng viên; thành lập mới được 85 chi bộ, 129 ban quản lý thôn, bản và 813 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở địa bàn khu vực biên giới ngày càng vững mạnh; phối hợp với địa phương bồi dưỡng, kết nạp được 2.097 đảng viên.
Đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương lựa chọn những mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình, kết hợp với việc lựa chọn thôn (bản) yếu kém để tập trung củng cố, đầu tư xây dựng. Đến nay, nhiều thôn, bản từ yếu kém đã vươn lên trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hoá, xã hội trong xã.
Trực tiếp vận động nhân dân thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung vận động khai hoang ruộng nước, chuyển đổi mùa vụ, kinh tế trang trại, phát triển sản xuất ổn định. Nhiều mô hình sản xuất kinh tế hộ gia đình đang được nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò ở xã Na Ngoi, Nậm Cắn (Kỳ Sơn); trồng cây trầm gió ở xã Tam Hợp (Tương Dương); chăn nuôi bò nhốt ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn); mô hình trồng chanh leo ở xã Tri Lễ (Quế Phong); mô hình trồng bí xanh và dưa hấu ở xã Phúc Sơn (Anh Sơn); mô hình nuôi gà đen và trồng gừng ở xã Tam Hợp (Tương Dương); mô hình trồng dong giềng và trồng khoai sọ ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng, mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ tăng cường cho các xã biên giới chủ động chọn các bản, các gia đình để đầu tư, giúp đỡ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, coi trọng xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình. Trong những năm qua, các đồn Biên phòng đã xây dựng được 29 mô hình kinh tế hộ gia đình tại các địa bàn Biên phòng tuyến biên giới.
Đội ngũ cán bộ tăng cường còn tham mưu cho Đảng uỷ các xã biên giới xây dựng được nghị quyết, lãnh đạo kịp thời công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Hàng năm, thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó tập trung củng cố lực lượng dân quân tự vệ, Công an xã, bản và tổ tự quản, tổ ANND; tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân các nghị quyết liên quan đến ANQG, TTATXH trên địa bàn để chỉ đạo xử lý kịp thời, không để xảy ra các “điểm nóng” trên biên giới.
Từ thực tiễn hoạt động trong suốt 15 năm qua có thể khẳng định: Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường và đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng về các thôn (bản) cơ bản đã được rèn luyện trong môi trường Quân đội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, làm tốt công tác dân vận, giữ vững được mối quan hệ đoàn kết với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn. Tuyệt đại đa số cán bộ tăng cường và đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ địa phương tâm huyết, nhiệt tình trong công tác, thường xuyên bám địa bàn, nắm tình hình, bám nhân dân và có trách nhiệm thực sự đối với đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
.