(Congannghean.vn)-Việc bà La Thị Nguyệt - người phụ nữ Đan Lai tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã tạo nên một luồng sinh khí mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nơi vùng sâu biên giới Con Cuông.
Năm 2002, gia đình bà La Thị Nguyệt cùng 35 hộ dân thuộc tộc người Đan Lai rời bản Cò Phạt giáp biên giới Việt - Lào, về định cư tại bản Cửa Rào, Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Về nơi ở mới, gia đình bà cũng như 35 hộ dân khác có cuộc sống khấm khá hơn. Mỗi tháng, họ được Nhà nước hỗ trợ gạo, tiền ăn và các chi phí điện, nước, giống, vật tư… để duy trì cuộc sống và phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Bà La Thị Nguyệt - người Đan Lai đầu tiên tự nguyện xin thoát nghèo |
Hơn hai năm sống trong “bao cấp” và tập quán sống “tự nhiên” với rau rừng, cá suối đã tạo nên sự trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Sau khi hết sự trợ cấp, nhiều hộ dân lao đao, họ lại vào rừng săn bắt, khai thác lâm sản phụ về bán để mua gạo, mắm muối…, cuộc sống của 36 hộ dân Đan Lai rơi vào cảnh nghèo khó quanh năm. Huyện Con Cuông phải thường xuyên hỗ trợ, cứu tế, nhất là vào dịp Tết đến xuân về.
Để giúp họ sản xuất, phát triển chăn nuôi, huyện đã cấp giống, tập huấn kỹ thuật và bố trí đoàn thanh niên, bộ đội biên phòng giúp đỡ từ khâu làm đất, xây dựng chuồng trại, đến khâu thu hoạch. Nếu như chính sách với hộ nghèo là người dân tộc thiểu số nói chung được ưu đãi năm phần, thì riêng tộc người Đan Lai được ưu tiên cả mười phần như: Cho không giống, phân bón, làm đất, thậm chí là gieo trỉa hộ. Con cái đi học được cấp gạo, tiền ăn, bố trí nơi ở, có người nấu ăn hộ, ốm đau đi viện được miễn viện phí 100%...
Vì vậy, khi bà Nguyệt viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đã có không ít người chê bà dại. Bà biết ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi quyền lợi từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng bà lại xem đây là việc cần làm đối với một người lâu nay được ví như “cây đa, cây đề” của tộc người Đan Lai. Là một phụ nữ của tộc người còn nhiều hủ tục lạc hậu, mọi quyền lực trong gia đình, dòng họ đều thuộc về nam giới, người phụ nữ chỉ biết sinh đẻ, lao động và nội trợ.
Đến vùng định cư mới được học tập, tiếp xúc với xã hội và nhiều cái mới, tiến bộ đã giúp bà hiểu rõ hơn, nhất là việc đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi, làm ruộng lúa nước năng suất cao, mở mang vườn tược, trồng rau, đậu… cải thiện đời sống gia đình. Chính sự cần cù, siêng năng và sáng tạo trong sản xuất, chăn nuôi là động lực để gia đình bà từ đủ ăn, đủ mặc đến có của ăn, của để và phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Khi chúng tôi hỏi động lực nào thôi thúc bà viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Bà Nguyệt mở lòng: Biết rằng ra khỏi hộ nghèo sẽ mất đi không ít quyền lợi, nhưng nhiều đêm, vợ chồng tôi suy nghĩ: Nếu ai cũng không chịu làm ăn, không muốn ra khỏi hộ nghèo, cứ trông chờ, ỷ lại Nhà nước thì không bao giờ thoát nghèo được. Muốn thoát khỏi đói nghèo phải phấn đấu làm kinh tế để mọi người noi gương, bản thân mỗi người, mỗi gia đình đều phải cố gắng. Vì thế, vợ chồng tôi đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Điều đáng quý ở người phụ nữ Đan Lai là dám nói, dám làm, năng động, sáng tạo. Khi ra nơi ở mới được hỗ trợ một số tiền, bà Nguyệt mua máy xay xát về vừa phục vụ gia đình, vừa phục vụ bà con các thôn bản xung quanh. Số diện tích đất đai được chia, bà học tập kinh nghiệm bà con người Thái, người Kinh xuống giống trồng trọt. Nhờ tích cực khai hoang, mở rộng chăn nuôi nên giờ đây, gia đình đã có 6 con trâu, 7 con bò, trong chuồng luôn có 4 - 5 con lợn.
Nếu như trước đây trồng cây lúa nước là điều xa lạ đối với người Đan Lai, thì nay, gia đình bà Nguyệt đã biết đầu tư thâm canh 3 - 4 sào lúa nước, 2 vụ trong năm, năng suất đạt 3,5 tạ/sào. Lúa mỗi năm không những đủ ăn mà còn dư thừa để đầu tư vào chăn nuôi. Bà Nguyệt đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng: Chỉ có cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động sản xuất mới vươn lên thoát khỏi nghèo đói và thay đổi được cuộc sống gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết: “Trước đây, bà con dân tộc ở Môn Sơn nói chung, các hộ dân Đan Lai nói riêng đều muốn gia đình thuộc hộ nghèo để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Nhưng thời gian gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ cố gắng vươn lên thoát nghèo. Toàn xã có trên chục hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, trong đó, bà La Thị Nguyệt là một điển hình của tộc người Đan Lai. Chúng tôi đang cố gắng vận động để nhiều hộ dân Đan Lai nói riêng và bà con các dân tộc khác trong xã noi gương bà Nguyệt chăm lo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.
Noi gương bà Nguyệt, trong 2 năm qua, huyện Con Cuông đã nhận được hàng chục lá đơn xin thoát nghèo của các hộ dân. Những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của những người dân tộc Kinh, dân tộc Thái và cả dân tộc Đan Lai như bà Nguyệt đã tạo nên một lối tư duy, động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đã khẳng định hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức thoát nghèo, năng động đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.
Vẫn biết rằng, công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Con Cuông còn nhiều gian nan, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Thế nhưng, nếu được đầu tư và thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư của Nhà nước và biết khơi dậy nội lực, ý thức tự giác vươn lên của những hộ nghèo như bà Nguyệt và các hộ dân khác thì công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện sẽ thành công.
.