(Congannghean.vn)-Không phải ngẫu nhiên người ta thường ví người cao tuổi là “bảo tàng sống”, “kho báu” của mỗi dân tộc hoặc cộng đồng vùng, miền văn hóa. Ở đó mỗi cá thể và cộng đồng không chỉ được chiêm nghiệm, mà cái cơ bản là được truyền nối, kế thừa theo xu hướng. Đối với xã hội cũng như gia đình, người cao tuổi là cái “gốc” căn bản: “Cây có gốc mới đâm cành xanh lá/ Nước có nguồn nhờ bể rộng sông sâu”. Thời nhà Trần, đứng trước họa xâm lăng, vua Nhân Tông đã mở hội nghị Diên Hồng mời các vị bô lão đến họp để hỏi ý kiến: “Nên hòa hay nên đánh”. Các vị bô lão đã đồng thanh quyết định “nên đánh” giặc để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước Đại Việt.
Không còn biện pháp nào hữu hiệu hơn, kinh tế hơn là phát huy tốt giá trị và khả năng to lớn, kinh nghiệm dồi dào của người cao tuổi trong dòng chảy giáo dục đạo đức ở gia đình và xã hội. Theo điều tra xã hội học thì hiện nay nước ta có khoảng 10 triệu người cao tuổi, đó là những ngọn đuốc đang âm thầm tỏa sáng, truyền mạch sống dân tộc và tinh hoa cuộc đời cho thế hệ con cháu. Nếu lớp người cao tuổi và thế hệ tuổi thơ được quan tâm chu đáo thì đó là cái nhân, cái gốc, cái trường tồn bất biến của mỗi quốc gia, dân tộc. Châm ngôn có câu nhắc nhở chúng ta: “Yêu trẻ thì trẻ đến nhà/ Kính già, già để tuổi cho”. Khi Bác Hồ còn sống, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẵn chăm lo, thăm viếng, hỏi han người già cả, bệnh tật. Trong bài thơ “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu có câu diễn tả sự quan tâm của Bác đối với trẻ em và người cao tuổi: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Thể hiện tình cảm cao quý, trân trọng của mình, trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm: “Khi đất nước thống nhất, Bác sẽ đi thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng và Nhà nước ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách hướng dẫn các ngành, các cấp và mọi thành viên tổ chức xã hội phải chăm lo, săn sóc, phụng dưỡng người cao tuổi. Những năm gần đây, rất nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã xây dựng khu phụng dưỡng người già có công với nước. Phong trào “Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Áo lụa tặng bà” phát triển rầm rộ. Hội người cao tuổi các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, nội dung phong phú, cách làm sinh động như thành lập “Câu lạc bộ hưu trí”, “Câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh”, “Câu lạc bộ ông cháu”…; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”.
Người cao tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng trong dòng chảy giáo dục đạo đức ở gia đình và xã hội hiện nay - Ảnh minh họa |
Nhiều hoạt động bổ ích đã làm lớp người cao tuổi thêm vui, khỏe, yêu đời và tiếp tục cống hiến cho xã hội như tham mưu xây dựng đoàn thể, hướng dẫn giáo dục con cháu thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, động viên thế hệ trẻ thi đua học tập, công tác theo hướng “Trẻ xông pha, già mẫu mực”. Phấn khởi và tự hào khi đất nước có nhiều “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường” (4, 5 thế hệ sống chung) mà vẫn hòa thuận, hiếu vĩnh lưu, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Thời hiện đại, việc tách hộ, cho con cái ở riêng là một xu thế tất yếu của gia đình người Việt. Nhưng dù sống chung hay ở riêng thì mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu vẫn được duy trì tốt đẹp, đảm bảo đoàn kết, hiếu nghĩa. Trong đời sống hiện tại, khi xã hội càng phát triển thì việc tổ chức công tác bảo thọ, lập câu lạc bộ, tôn vinh lòng hiếu thảo, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi cần được tổng kết, phổ biến gắn với các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, công tác phụng dưỡng, khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi chưa nhiều, thiếu tính xã hội hóa, còn phó mặc gia đình, con cháu. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc tuyên truyền hoạt động giúp đỡ, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi chưa nhiều. Các đoàn thể gây quỹ “Vì trẻ thơ không nơi nương tựa, trẻ thơ nghèo” nhưng chưa có quỹ “Người già cả cô đơn”. Đáp ứng nguyện vọng của người cao tuổi, Nhà nước có chính sách đãi ngộ người già từ 80 tuổi trở lên được hưởng phụ cấp hàng tháng.
Tuy nhiên, Nhà nước trực tiếp là cấp ủy, chính quyền cần có nhiều đề tài nghiên cứu về chính sách, chế độ và nội dung hoạt động của người cao tuổi sao cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng, miền…, để người cao tuổi tiếp tục sống hạnh phúc trong những năm tháng còn lại của tuổi mãn chiều xế bóng, xóa bỏ tình trạng người có tuổi sống cô độc, nghèo đói, bệnh tật, bị ngược đãi, phân biệt đối xử, phá bỏ quan niệm cho tuổi già là người thừa, ăn theo vô tích sự.
Thiết nghĩ, con người ai cũng đến lúc già nua, cao tuổi là quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Xã hội càng tiến bộ thì thế hệ người cao tuổi càng được tôn vinh và đền đáp. Bởi lẽ, người cao tuổi đã đi qua thời kỳ dài cống hiến đoạn đời thanh xuân, son trẻ. Vậy nên, thế hệ trẻ, người lãnh đạo và quản lý xã hội hôm nay phải có tư duy mới về người cao tuổi. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là nhân đức, lòng chung thủy, sự hướng thiện nhân ái, nhân văn để mãi mãi cây bền nhờ gốc vững.
.