Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, việc tính lương hưu sẽ có những thay đổi trong thời gian tới.
- Cụ thể sẽ thay đổi ra sao, thưa bà?
Công thức tính lương hưu sẽ được sửa đổi để phù hợp với hoàn cảnh nhưng đều chưa tiếp cận được xu thế tiến bộ của thế giới. Người trước năm 1995 thì hưởng lương hưu bằng mức bình quân của 5 năm cuối cùng; từ năm 1995 đến năm 2000 hưởng mức 6 năm cuối cùng; từ năm 2000-2006 là 8 năm và bắt đầu từ năm 2007 tới nay là 10 năm. Như vậy, cách tính lương hưu đã qua 4 giai đoạn. Tới đây sửa luật chúng ta sẽ chuyển hoàn toàn sang cách tính khác. Từ 1/1/2018 trở đi là cách tính bình quân mức lương cả cuộc đời, tức là đóng đi đôi với hưởng. Khi tính từ năm 2018 thì sẽ đi theo lộ trình 20 năm. Tức là người đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/2018 thì họ sẽ bắt đầu hưởng cách tính lương hưu mới từ 1/1/2038, tức là 20 năm sau.
- Vậy cách tính mới có ưu điểm thế nào, có gây biến động gì không?
Tôi muốn nhấn mạnh, cách điều chỉnh chính sách lương hưu mới này hoàn toàn không gây ra biến động lớn gì trong xã hội. Tất cả mọi việc sẽ diễn ra hết sức bình thường cho đến năm 2038. Còn người đóng bảo hiểm xã hội vào 31/12/2017 thì họ vẫn được được lương hưu bằng bình quân lương 10 năm cuối cùng như hiện hành. Ngoài ra, có điểm mới nữa là Nhà nước sẽ thiết lập sàn lương hưu tối thiếu để đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người già. Thay vì việc Nhà nước phải có chính sách hưu trí xã hội cho những người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên như hiện nay thì chính sách tới đây là sàn lương hưu tối thiểu. Tức là người ta đi làm cả đời, đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn không đủ sàn lương hưu tối thiểu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ họ.
Bà Trương Thị Mai |
- Cách tính mới có gây ra vỡ quỹ lương như nhiều cơ quan cảnh báo hay không?
Chắc chắn, với mô hình này thì hoàn toàn không phải nói đến chuyện vỡ quỹ bảo hiểm xã hội nữa. Vì họ đóng và hưởng, cân đối với nhau, Nhà nước chỉ phải bỏ ra một phần nhỏ để bù đắp cho người có mức lương hưu thấp.
- Không vỡ quỹ thì tuổi hưu có tăng?
Về mức hưởng lương hưu thì chúng tôi đang cân nhắc lại. Nếu tuổi nghỉ hưu không kéo dài như đề xuất của Chính phủ thì thì sẽ tính lại theo hướng bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời bảo đảm an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội. Nhưng chắc chắc là không theo lộ trình tính lương hưu theo bình quân lương 10 năm cuối cùng như hiện nay.
- Khi tính bình quân lương hưu bằng 10 năm cuối cùng thì sẽ có lợi gì?
Khi tính bình quân lương hưu bằng 10 năm cuối cùng thì sẽ có lợi là bình quân cả cuộc đời đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng đó là nói về công thức, còn về con số tuyệt đối thì chưa chắc đã thấp hơn. Bởi vì từ năm 2018 lương tối thiểu và lương trên thị trường đều đạt chuẩn. Khi mức lương đã đạt chuẩn thì căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng chuẩn hơn. Vì vậy, có thể công thức tính thay đổi nhưng con số lương hưu thực nhận được là không thấp hơn so với các giai đoạn trước đó.
- Từ năm 2018, việc đóng bảo hiểm cũng thay đổi?
Đúng như vậy. Từ năm 2018, căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội là bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Dự kiến người lao động sẽ phải đóng 8%, chủ sử dụng (đối với khu vực tư) hoặc Nhà nước (đối với khu vực công) đóng 18%. Như vậy, phần lớn mức đóng là do chủ sử dụng, Nhà nước đóng. Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh là làm sao tuyên truyền cho người lao động biết là hợp đồng lao động nếu ghi rõ tất cả các khoản lương, phụ cấp, các khoản bổ sung khác thì sẽ là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, rất có lợi cho người lao động. Người lao động phải biết tự bảo vệ quyền lợi của mình, đưa đầy đủ các khoản vào hợp đồng làm căn cứ đóng, để về hưu có được mức lương bảo đảm. Đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Nếu chỉ dùng mức lương tối thiểu để đóng thì sau này lương hưu rất thấp, thiệt thòi, vì vậy rơi vào người lao động. Người lao động cần hiểu rõ điều quan trọng này, người lao động chỉ phải đóng 8%, còn chủ sử dụng lao động phải đóng 18%.
- Cảm ơn bà!
.