Đa số bệnh nhân ở Hà Nội
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu hè đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 130 ca viêm não Nhật Bản vào điều trị. Đây không phải là con số quá cao nếu so với cùng kỳ những năm trước, hơn nữa bệnh nhân nhập viện rải rác chứ không ồ ạt nên không gây ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong tổng số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, qua xét nghiệm, số ca bị viêm não Nhật Bản B lại chiếm tỷ lệ cao bất thường với 36 ca (gần 30%), trong khi tỷ lệ này ở năm ngoái chỉ là 8%. Mặt khác, trong số 2 ca tử vong vì viêm não Nhật Bản tại bệnh viện tính đến thời điểm này đã có 1 ca dương tính với viêm não Nhật Bản B, ca còn lại có liên quan.
Bệnh nhi đến khám viêm não Nhật Bản vào buổi tối tại BV Nhi Trung ương |
Điểm đáng chú ý thứ hai là bệnh nhân viêm não Nhật Bản B ở Hà Nội chiếm tỷ lệ rất cao. Trong tổng số 36 ca xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản B thì có tới 11 ca đến từ Hà Nội (chiếm 31%), 6 ca nặng đang phải thở máy. Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản B của Hà Nội vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đông hơn hẳn so với bệnh nhân đến từ các địa phương khác chưa thể kết luận được điều gì vào thời điểm này, song chắc chắn nó đặt ra nhiều câu hỏi về công tác tiêm chủng vaccine phòng viêm não Nhật Bản B thời gian qua.
Điều lo ngại nữa là số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản nói chung, viêm não Nhật Bản B nói riêng chắc chắn còn tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới bởi thời điểm hiện nay mới bước vào cao điểm của mùa dịch bệnh này. Do vậy, việc phân tích, tìm hiểu các nguyên nhân và chủ động phòng chống bệnh ngay từ cộng đồng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bất thường.
Nhanh chóng nâng tỷ lệ tiêm vaccine
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ 27 đến 29-6, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm đợt 2 vaccine viêm não Nhật Bản B cho các đối tượng chưa tiêm trong đợt 1, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95%. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 12 ca viêm não Nhật Bản B nhưng chưa có thống kê về số ca tử vong. Đây là bệnh lây truyền qua muỗi đốt, cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Để phòng bệnh, trẻ cần đi tiêm mũi 1 lúc 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đường lây truyền viêm não Nhật Bản |
Trên phạm vi cả nước, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết Cục này đang khẩn trương đôn đốc các địa phương triển khai tiêm và tiêm vét vaccine viêm não Nhật Bản B để nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vaccine này trong cộng đồng. Nếu như năm 2013, có 3 tỉnh không tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm đạt 97% thì năm nay, chương trình tiêm sẽ được triển khai ở tất cả các địa phương trên toàn quốc.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, ngoài tiêm vaccine, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như: ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt; thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng. Biểu hiện chính của bệnh viêm não Nhật Bản là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê, trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người… Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như vậy cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.