Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/giay-phut-thong-nhat-dat-nuoc-qua-ky-uc-cua-mot-anh-hung-479475/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/giay-phut-thong-nhat-dat-nuoc-qua-ky-uc-cua-mot-anh-hung-479475/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giây phút thống nhất đất nước qua ký ức của một Anh hùng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 01/05/2014, 07:47 [GMT+7]

Giây phút thống nhất đất nước qua ký ức của một Anh hùng

(Congannghean.vn)-Trong ký ức của người anh hùng đã tham gia những trận đánh xuyên suốt từ Đà Nẵng vào đến Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 39 năm về trước, Sài Gòn ngày 30/4/1975 choáng ngợp cờ đỏ sao vàng và hoa. Biển người ngẩng cao đầu vui ngày thống nhất non sông trong khi những tên tù binh Mỹ và tay sai ngụy cúi đầu, bước đi lầm lũi dưới hai hàng quân giải phóng đang hùng dũng tiến bước.
 
Người anh hùng trên quê hương xứ Nghệ may mắn được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy của cả dân tộc sau trọn 30 năm chờ đợi là Anh hùng LLVTND Bùi Thanh Hường, người con của Trung đoàn Ba Gia Vạn Tường anh hùng, một trong những đơn vị đã 3 lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý này. Mặc dù Trung đoàn Ba Gia không trực tiếp đánh vào Sài Gòn trong thời khắc quyết định ấy của lịch sử, nhưng Bùi Thanh Hường, lúc ấy là Đại đội trưởng, chỉ huy Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2) làm nhiệm vụ đặc biệt, phối hợp đơn vị Hải quân làm nhiệm vụ trên biển đã có mặt tại Sài Gòn trong ngày chiến thắng lịch sử của cả dân tộc. Ký ức những ngày “đi giữa rừng hoa hay ta đang đi giữa rừng cờ”, 39 năm qua, trong ông vẫn vẹn nguyên, hào sảng.
 
Thời hoa lửa của một anh hùng
 
Bùi Thanh Hường (SN 1950), tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, hiện sống tại khối 6, thị trấn Diễn Châu. Trở về sau chiến tranh, với 11 lần bị thương và đặc biệt là trong đầu vẫn còn mảnh đạn, cứ mỗi lần trở gió là đau nhức nhối, ông đã phải chống chọi với đủ loại bệnh tật. Cũng bởi vết thương cũ tái phát nên năm 1989, khi đang công tác tại Quân khu 4, Anh hùng Bùi Thanh Hường buộc phải nghỉ hưu sớm ở tuổi 39, với quân hàm Thượng tá. Khi chúng tôi đến thăm ông trong ngôi nhà nhỏ ở chợ Sò (thị trấn Diễn Châu), ông vừa tỉnh lại sau cơn tai biến. Những hoạt động tại địa phương từ trước đến nay ông nhiệt tình tham gia như công tác Hội Cựu chiến binh, khối trưởng khu dân cư cũng buộc phải gác lại. Được cái, ông có người vợ là bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1954), cán bộ khí tượng thủy văn, rất mực yêu thương, chăm sóc nên đã phần nào vơi bớt được nỗi đau bệnh tật. Khi tôi gợi ý ông nhắc lại quá khứ hoa lửa của mình, đặc biệt là khoảnh khắc được chứng kiến biển người đổ ra đường phố Sài Gòn mừng chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, non sông thu về một mối, đôi mắt vị Anh hùng sáng lên, ông hào hứng kể lại con đường binh nghiệp của mình một cách say sưa, thi thoảng lại ngừng một lúc để nhớ lại quá khứ, như thể sợ bỏ sót mất những chi tiết quan trọng của cuộc chiến.
 
Năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi, căm thù giặc Mỹ xâm lược, Bùi Thanh Hường đã viết đơn tình nguyện tham gia chiến trường, nhưng do thấp bé nhẹ cân nên phải đến lần thứ 3, lá đơn mới được chấp nhận. Trải qua khóa huấn luyện kéo dài 3 tháng ở Thường Xuân (Thanh Hóa), Bùi Thanh Hường được phiên chế về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 (Đoàn Ba Gia Vạn Tường), thuộc Sư đoàn 2 bộ binh, Quân khu 5. Đơn vị đóng quân tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, một trong những tuyến lửa ác liệt nhất lúc bấy giờ.
 
Năm 1969, đơn vị hưởng ứng chiến dịch săn bắn máy bay, diệt xe tăng do mặt trận B5 phát động. Trong thời kỳ đầu, với vai trò là anh lính trinh sát đặc công, Bùi Thanh Hường đã cùng đơn vị chiến thắng nhiều trận quan trọng trên khắp các mặt trận, từ Gio Linh đến đường 9 Nam Lào. Trong đó, trận đánh diễn ra vào ngày 26/3/1969 tại Gio Linh là trận đánh mà đến nay ông vẫn còn nhớ mãi. Trong trận đánh này, Bùi Thanh Hường đã bắn cháy 2 chiếc xe tăng của địch và bắt sống 1 chiếc khác cùng tên giặc lái, góp phần quan trọng vào thắng lợi giòn giã của đơn vị. Một kỷ niệm chiến trường khác, đó là lần đi trinh sát cùng với hai đồng đội trở về, vừa bồng súng ngồi nghỉ dưới cây lồ ô thì bất ngờ thấy xe tăng và máy bay địch lù lù xuất hiện phía trước. Lúc ấy không còn cách nào khác là buộc phải chiến đấu. Thứ duy nhất mà 3 anh em có thể dựa vào là lợi dụng những hầm phục kích của Mỹ ngụy đã đào sẵn để ẩn nấp. Vũ khí lúc đó chỉ có khẩu B40 và lựu đạn. Cuộc chiến diễn ra không cân sức, nhưng với quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chỉ với khẩu súng B40 nhưng các anh cũng đã bắn cháy và làm đứt xích hai xe tăng địch. Thấy vậy, bộ binh địch ào lên, lúc này lựu đạn mới phát huy hiệu quả. Mỗi lần chúng ào lên, các anh lại ném lựu đạn khiến chúng phải lùi lại. Cứ như vậy, cầm cự suốt hơn 2 giờ đồng hồ thì đơn vị tăng cường kịp thời. Trận đánh này diễn ra vào ngày 14/6/1969 tại mặt trận Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị).
 
Anh hùng LLVTND Bùi Thanh Hường
Anh hùng LLVTND Bùi Thanh Hường
Ký ức ngày đất nước giải phóng
 
Sau năm 1972, Bùi Thanh Hường cùng Sư đoàn tham gia chiến đấu ở Đường 9 - Nam Lào, mở đường đánh chiếm căn cứ Quảng - Đà rồi tiến quân lên Tây Nguyên. Lúc bấy giờ Bùi Thanh Hường là Đại đội trưởng, chỉ huy Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2), đánh chiếm Hiệp Đức, mục tiêu đầu tiên là cao điểm 237, tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn biệt động ngụy quân Sài Gòn, mở màn chiến dịch đánh chiếm thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Ngày 28/3/1975, Đại đội 5 là một trong những mũi tiến công của quân giải phóng cùng tham gia đánh vào sân bay Nước Mặn, góp phần giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, đơn vị của Bùi Thanh Hường được cử đi theo một đơn vị hải quân hành quân bằng đường biển vào tham gia giải phóng Sài Gòn ở cửa ngõ phía đông thành phố. Thực ra, mục đích ban đầu của tiểu đoàn hỗn hợp này là đánh chiếm quần đảo Trường Sa, nhưng ngay khi đơn vị vừa xuất quân thì tin báo từ đảo xa bay về cho hay, nơi đây đã được quân đội ta làm chủ nên lệnh hành quân bằng đường biển vào thẳng Sài Gòn được thực thi. Anh hùng Bùi Thanh Hường nhớ lại, trong suốt chặng hành trình, mặc dù có diễn ra những trận đánh trên biển nhưng nhỏ lẻ và phần thắng luôn thuộc về phía mình, đến lúc đơn vị tiến sát đất liền ở Sài Gòn thì thời khắc giải phóng cũng cận kề. Đến nay, ông vẫn còn nhớ như in cảnh hàng trăm tên lính Mỹ đổ xô chạy ra phía biển để lên những chiếc tàu chiến của chúng đã chờ sẵn hòng thoát thân. Nhận thấy phía địch đã bắt đầu tan rã, chỉ huy tiểu đoàn quân hỗn hợp trên tàu lệnh khai hỏa để ngăn đường thoát của địch. Lúc tàu cập bờ, các chiến sĩ của ta đồng loạt nhảy xuống tàu, ào ào xông lên giáp lá cà. Địch chống cự yếu ớt, ta thừa thắng xông lên. Từ chiều ngày 29/3, đơn vị của Bùi Thanh Hường tiếp cận bờ biển phía đông Sài Gòn thì đến khoảng 10 giờ ngày 30/4, theo ông Hường nhớ lại, tình hình đã rất yên ắng.
 
Sáng 30/4, đoàn quân của đơn vị Bùi Thanh Hường tham chiến cùng kết hợp với các đơn vị khác tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong ký ức của vị anh hùng này, ngày 30/4 cách đây 39 năm về trước là một ngày rực rỡ cờ hoa, người dân từ khắp nơi đổ về đông nghịt cả đường phố. Đặc biệt, từ sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, hàng triệu người, từ trẻ em đến nam thanh nữ tú, các cụ ông cụ bà, ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đầu đội nón trắng, tay cầm hoa, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ tấp nập đổ về trung tâm Sài Gòn mừng chiến thắng của cả dân tộc. Những bài hát ca ngợi Tổ quốc cũng được cất lên hào sảng, trong khi đài phát thanh thành phố liên tục truyền tải những thông điệp chiến thắng từ khắp nơi đến với đồng bào. Hân hoan cùng niềm vui toàn thắng ấy trọn ngày 30/4, đến sáng 1/5, do đơn vị đóng quân tại Đà Nẵng nên Bùi Thanh Hường đã theo đoàn xe về lại miền Trung, tạm xa thành phố rực rỡ cờ hoa trong sự tiếc nuối vô hạn vì không thể chung vui thêm niềm vui thống nhất với đồng bào miền Nam lâu hơn nữa.
 
Sau giải phóng miền Nam, Bùi Thanh Hường được cử đi học bổ túc văn hóa ở Đà Lạt. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông cùng với 10 người khác được điều về Sư đoàn 4 (Quân khu 9), tham gia chiến đấu suốt 6 năm ròng tại chiến trường Campuchia. Năm 1984, ông được tiếp tục đi học tại Học viện cao cấp ở Hà Nội và về công tác tại Quân khu 4 cho đến lúc nghỉ hưu. Ngày 6/11/1978, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích xuất sắc trong thời gian chiến đấu tại Đường 9 - Nam Lào.
.

Thiên Thảo