(Congannghean.vn)-Dù di chuyển khó khăn nhưng ông Nguyễn Văn Tài trú ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông ngày ngày vẫn cặm cụi từ việc này đến việc khác. Ý chí và nghị lực đã giúp người thương binh hạng nặng (tỉ lệ thương tật 81%) vượt qua mọi khó khăn. Ở cái tuổi 60 nhưng người thương binh này vẫn được mọi người khâm phục vì đã gây dựng gia tài và một mái ấm hạnh phúc.
Đón tiếp chúng tôi là người đàn ông tuổi gần 60 nhưng khá nhanh nhẹn và thân thiện. Kể về quá khứ chiến tranh, ông Tài đưa mắt nhìn xa xăm nhớ lại: “Những năm tháng đó làm sao tôi quên được. Nó đã gắn liền với tôi như những mảnh bom đạn đã lấy đi một chân và một mắt”.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, trong kháng chiến chống Mỹ, ông xung phong tham gia dân công hoả tuyến. Đến năm 1978, ông tham gia chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt tại chiến trường Campuchia. Những năm tháng gian lao ấy, ông cùng đồng đội đã nhiều lần bị thương, nhiều lần phải rơi nước mắt chứng kiến đồng đội hi sinh ở chiến trường. Ông Tài vẫn còn nhớ như in trong một lần tiếp cận đánh địch thì dẫm phải mìn địch gài sẵn. Khi tỉnh dậy, ông mới biết một phần cơ thể của mình đã không còn (mất một chân và hỏng một mắt). Bị thương nặng không thể ở lại chiến trường, ông được đưa về điều trị ở Bệnh viện Quân y. Lúc đó, ông buồn và thất vọng tột cùng, tuổi đang sức trẻ hừng hực, chưa kịp làm gì nhiều cho đất nước lại tàn phế và luôn nghĩ, cuộc đời ông đã đặt dấu chấm hết.
Nhưng hạnh phúc đã đến với ông khi một cô thôn nữ ở cùng làng xuất hiện hàng ngày tận tâm, tận tình sang nhà ông động viên và chăm sóc ông như một người vợ. Có thêm động lực nên ông cảm thấy được an ủi hơn: “Mình còn đôi tay và một mắt sợ gì không sống nổi. Phải gắng sống”. Và rồi tình yêu cứ thế lớn dần đến ngày thành hiện thực. Sau lời cầu hôn chân thành của ông là một đám cưới giản dị diễn ra tại làng quê ông sinh sống. Tất cả như một câu chuyện cổ tích, chồng đi bằng nạng gỗ hỗ trợ, vợ dìu phía sau nhưng ngập tràn hạnh phúc. Bà Vân tâm sự: Khi mới yêu nhau, ông ấy cứ bảo sao lại yêu người như ông, yêu ông cả đời sẽ khổ. Nhưng tôi thương ông, dù có khổ cực đến mấy mà vợ chồng hiểu nhau là hạnh phúc rồi.
Không khuất phục trước thương tật, ông Tài vẫn hàng ngày hăng say lao động |
Cuộc sống mới bắt đầu, vợ chồng ông dựng một túp lều, chăm lo xây dựng cuộc sống. Hạnh phúc càng nhân lên khi những đứa con lần lượt ra đời. Nhưng từ đó gánh nặng cơm áo, gạo tiền bắt đầu đè nặng lên đôi vai anh thương binh hạng nặng. Nhưng với bản chất của người lính cụ Hồ, ông tập tành học các nghề phù hợp khả năng sức khỏe của mình. Từ sửa chữa xe đạp, xe máy rồi đến buôn bán thuốc lào, vậy mà cuộc sống vẫn khó trăm bề. Sau những năm tháng tìm cách thoát khỏi nghèo túng, trong một lần ông được tiếp xúc với một ông cụ có tay nghề giỏi ở trong làng làm nghề chổi đót. Bắt đầu từ đây ông kiên nhẫn học cách làm chổi đót. Bằng tất cả tâm huyết của mình, ông cụ đã truyền dạy cho ông Tài nghề làm chổi đót. Và ông Tài đã phát huy tài năng làm chổi đót mà không một ai ở cái làng này theo được. Ông làm bằng tất cả nghị lực của mình, dù cơ thể không còn lành lặn nhưng so với nhiều người bình thường thì còn phải nể phục tài năng của ông. Giờ cuộc sống của gia đình ông đã trở nên khấm khá hơn nhờ nghề làm chổi đót. Mỗi năm gia đình ông Tài thu nhập gần 100 triệu đồng.
Dù rất bận rộn với công việc của mình nhưng ông Tài vẫn luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình và giúp vợ con. Với ông, niềm vui tuổi già chính là được lao động và được sống trong mái ấm gia đình. Ông luôn dạy các con, dù mình ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có quyết tâm, tinh thần hăng say lao động thì sẽ được đền đáp, được sống hạnh phúc. Chia tay ông, chúng tôi vẫn không thôi suy nghĩ về câu nói của người thương binh nặng: “Ai cũng có quyền ước mơ và thực hiện nó. Thời chiến, tôi cùng đồng đội chiến đấu để được tự do. Thời bình, tôi lại tiếp tục thực hiện ước mơ lao động không ngừng nghỉ, vươn lên từ hai bàn tay trắng, như lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế””.
.