Chiều 6/4, chúng tôi về khối Tân Diện, phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò trong không khí thật ảm đạm. Đi quanh khối xóm, nghe tiếng trống kèn tang tóc, gặp một số người đã thấy gương mặt sầu não. Hỏi ra mới biết, mọi người vừa đi đưa tiễn anh Nguyễn Công Nguyên (SN 1984) trú tại khối Tân Diện bị chết tại Angola, thi hài vừa được đưa về quê nhà mai táng ngày 5/4.
Ông Hợp, bố anh Nguyên kể chuyện giọng rầu rĩ: Người đưa con trai tôi đi Angola là ông Nguyễn Minh Thìn. Ông phát giá đưa cháu đi làm thợ xây bên Angola với giá 6.500 đô la Mỹ, chúng tôi đã giao tiền đầy đủ. Nhận tiền của chúng tôi xong, ông Thìn hứa rằng con tôi qua bên đó làm thợ xây với mức lương khởi điểm 1.000 đôla/tháng. Nhưng trong thực tế, con tôi chỉ được trả 500 đôla/tháng.
Cháu Nguyên nhận được ít lương quá và do ông Thìn không làm đúng cam kết, nên làm được 6 tháng, cháu chuyển sang làm cho vợ chồng ông bà Phúc Tùng (người tổ chức gom lao động) tại Angola. Vừa làm được 3 tháng thì cháu Nguyên bị sốt rét và qua đời.
Vợ anh Nguyễn Công Nguyên cùng con gái 10 tháng tuổi bên bàn thờ chồng |
Thương con chúng tôi muốn đưa thi thể cháu về quê nhà nhưng bệnh viện bên Angola cho biết, “Muốn đưa xác nạn nhân về Việt Nam phải nộp chi phí cho bệnh viện 153.000 đô la tương đương 3 tỷ đồng”. Gia đình chúng tôi nghe mà vô cùng hoảng hốt bởi lấy đâu ra số tiền lớn như vậy?
Năm 2012, khi cháu Nguyên đi Angola, gia đình đã phải đi vay mượn tới 135 triệu đồng với lãi suất hơn 10%/năm để đưa cho ông Thìn. Nhưng cũng may là trong lúc không còn hy vọng đưa thi thể con trai về quê được nữa thì được Đại sứ quán nước ta tại Angola và cộng đồng Quốc tế tập trung huy động đủ số tiền ngoại tệ nộp cho bệnh viện nên họ cho lấy xác cháu ra. Rồi lại nhờ những người Việt Nam chuyên làm nghề môi giới chuyển thi thể người Việt bị chết về nước mới đưa thi hài cháu về được tới gia đình.
Tuy nhiên, từ khi biết tin cháu ốm phải vào viện đến khi cháu mất, gia đình tôi đã phải vay mượn với tổng số tiền là 14.000 đô la gửi sang. Rất may, cộng đồng người Việt Nam tại Angola và các con em cùng quê đang lao động, làm việc, học tập tại Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Đài Loan, Liên bang Nga và nhiều nước khác đã quyên góp tiền giúp đỡ gia đình trang trải phần nào. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn nợ 7.000 đô la với lãi suất cao biết lấy gì trả nợ đây.
Nói đến đây, ông Hợp và người vợ trẻ của anh Nguyên khóc nấc lên, run rẩy như muốn ngã khuỵu xuống. Ban cán sự khối Tân Diện cho biết, tại đây còn có 4 thanh niên nam nữ đi xuất khẩu lao động theo con đường tự do tại Angola.
Rời thị xã Cửa Lò, chúng tôi tới xóm 7, xã Nghi Kim, TP Vinh. Địa phương này cũng đang có trường hợp lao động “tự do” tại Angola bị chết do sốt rét vừa được đưa xác về tới gia đình. Ông Trần Thanh Phong - Xóm trưởng xóm 7, xã Nghi Kim cho biết: Hiện nay, xóm 7 còn có 4 con em đi xuất khẩu lao động tự do tại Angola. Trong đó, không may cho cháu Nguyễn Đức Cao (SN 1988), con ông Nguyễn Đức Đại, bị bệnh sốt rét chết tại Angola, máy bay chở thuê vừa đưa xác về quê hôm 5/4. Gia đình ông Nguyễn Đức Đại cũng khó khăn về kinh tế, hầu như đều phải vay mượn tiền cho cháu Cao đi lao động tự do tại Angola, cháu Cao còn trẻ lắm, chưa có vợ, mà bị chết ở xứ người khiến ai cũng thương xót.
Như vậy, mới chỉ qua 2 đơn vị cấp xóm của khối Tân Diện, thị xã Cửa Lò và xã Nghi Kim, TP Vinh, đã có tới 10 người đi xuất khẩu lao động tự do tại Angola. Điều đáng nói ở đây là, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 2 người chết do sốt rét. Theo thông tin từ những người có con em lao động bên Angola, con em họ qua đó cũng đang khốn khó mất phương hướng. Bởi người lao động qua bên đó chỉ đi xây bờ rào, chuồng gia súc, không được đi xây dựng công trình dân dụng nhà cửa kiên cố nên đồng lương thấp.
Ban ngày, người lao động bất hợp pháp bị cảnh sát bản địa lùng sục, nếu bị bắt thì bị trục xuất; ban đêm, thường xuyên bị người da đen tấn công gây rối, người lao động bất hợp pháp phải sống chui lủi. Tại nơi đất khách quê người, đã sa chân tới đây bỏ về không được, mà ở lại thì dễ mất mạng với căn bệnh sốt rét nơi vùng đất khắc nghiệt này.
Qua đây, có thể nhận thấy số người Việt Nam đang đi lao động xuất khẩu “chui” tại Angola còn là vấn đề rất lớn. Và nghĩ xa hơn về tương lai con cháu, mọi người chúng ta, nhất là những bậc làm cha mẹ hãy hết sức tỉnh táo khi cho con đi xuất khẩu lao động bằng con đường “chui” qua tay các ông bầu “Cai đầu dài” người Việt tới vùng đất Angola bí hiểm, hay bất kỳ quốc gia nào khác, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Hiện tại chưa có bất kỳ Hợp đồng lao động nào giữa Nhà nước Việt Nam và Angola. Mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc ngăn chặn những đường dây xuất khẩu lao động trái pháp luật tại xứ sở này.
Lê Hoa
.