Sự việc kéo dài hơn một năm mới bị phát hiện là do địa bàn thôn 11 nằm tách biệt với thế giới bên ngoài.
Bà con đa phần là đồng bào dân tộc Mông từ vùng Tây Bắc di cư vào lập nghiệp. Trong chuyến công tác về Tây Nguyên, chúng tôi đã quyết định "đột nhập" vào làng người Mông nằm chênh vênh trên những triền đồi giữa đại ngàn mịt mùng sương gió này. Và cũng để "mục sở thị" người con gái đáng thương trong "cũi" gây náo động dư luận trong suốt thời gian qua.
Bản "ốc đảo" giữa đại ngàn
Từ những dải đất cuối cùng của huyện Lắk (Đắk Lắk) chúng tôi đi qua huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng để sang Đắk Nông. Bạn tôi, những cô giáo cắm bản đã “trích” ra ngày chủ nhật quý giá tình nguyện làm "hướng dẫn viên" dẫn đường. Đã thông thuộc địa hình nên những cô giáo dẫn tôi đi đường vòng mà thực ra gần hơn rất nhiều so với đường đi trực diện từ hướng chính của tỉnh Đắk Nông vào.
Từ địa phận tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chỉ cần chạy khoảng ba cây số rồi qua một khúc sông là tới đất Đắk Nông, nơi có bản người Mông đang sinh sống. Cây cầu bằng bê tông hoành tráng đang dần hoàn thiện, sự sống của vùng đất "gió thổi tung nóc nhà" này sớm được thay da đổi thịt. Khúc sông Ba mùa này đỏ au màu nước. Mùa khô, dòng sông cạn đáy, trơ trọi những khối đá ong trườn mình ra như con trâu mộng. Những chàng trai cô gái Mông trong bản lũ lượt cuốc bộ hơn chục cây số ra chợ Lâm Đồng mua rau. Họ hòa vào dòng chảy bán buôn hối hả cùng các dân tộc khác nhưng chúng tôi dễ dàng nhận ra cái nét rất riêng của bản sắc trong màu trang phục truyền thống của họ.
Tất cả người và đồ dùng thậm chí cả xe máy chất đầy lên con đò chòng chành, chấp chới mà người lái đò di chuyển bằng dây thừng trâu được nối liền hai đầu con sông. Theo hướng chỉ tay của người dân, chúng tôi cứ con đường độc đạo mà chạy. Chạy hết quả đồi này lại đến dãy núi khác, đường mòn nhuốm màu đất đỏ cứ miệt mài xé núi đi vào bản. Con đường cũng cần cù, lam lũ như chính con người mà hằng ngày nó tiếp nhận bước chân. Qua năm tháng và qua bao nhiêu bước chân trần, mỗi hòn đá, mỗi gốc cây trườm mình nằm giữa cung đường đều chai lỳ và mòn nhẵn đi.
Chiếc cũi, nơi Thào Thị Dung bị nhốt hơn một năm trời
Cái khó là phần lớn những người lớn tuổi ở hai thôn 11 và 12 của xã Quảng Hòa đều không thông hiểu tiếng Kinh. Một số ít trẻ em được đến trường thì nói lơ lớ nhưng lại không hiểu gì về chuyện người lớn trong bản mình. Chúng tôi hỏi thăm nhà trưởng thôn. Một anh chàng bán hàng vui tính chỉ đường: "Vào nhà trưởng thôn phải rình mới gặp được". Tôi ngơ ngác định hỏi lại thì anh ta cười ha hả: "Vì ông ấy tên Rình mà". Những "nhân vật" mới toanh như chúng tôi lại trở thành tâm điểm của sự chú ý ở cái bản "ốc đảo" này. Từ người già đến trẻ nhỏ cứ hốc hác nhìn người lạ chỉ trỏ, nói nói cười cười.
Chỉ đến khi trưởng thôn 11 dẫn đường, chúng tôi mới thật sự hòa nhập vào dòng chảy chậm chạp trong cuộc sống muôn nỗi khó khăn của bà con nơi dây. Ông trưởng thôn hiểu tiếng Kinh khá rõ nhưng nghe ông nói, chúng tôi phải thật tập trung và hỏi lại vài lần cho một vấn đề.
"Người điên trong cũi"
Vì 100% dân số là người Mông nên từ lâu, bà con hai thôn 11 và 12 mang một cái tên cửa miệng dễ hiểu, dễ nhớ là bản "Mông". Ngắm tổng thể cái bản "Mông" này từ xa mới cám cảnh thay cho số phận cô gái bị nhốt trong "chuồng" hàng mấy trăm ngày mà không một ai biết đến. Cũng bởi cái sự "biệt lập" vào loại đặc biệt về địa thế địa hình này mà "người đời văn minh" bỏ quên một "cộng đồng" quanh năm cần cù, lam lũ với ruộng nương. Một bữa cơm chỉ vỏn vẻn có chén muối ớt và tô rau xanh cả gia đình năm bảy người cặm cụi gắp chấm xì sụp.
Thào Thị Dung là con thứ ba trong tổng số năm người con của ông Thào Seo Cáo và bà Mai Thị Chu. Cuộc sống nghèo khổ quanh năm còng lưng trên những rẫy đá gùi đất trồng ngô, khoai ở vùng núi Tây Bắc cheo leo khiến hai vợ chồng này già hơn nhiều so với cái tuổi ngoài bốn mươi.
Con đường độc đạo vào bản Mông phải đi qua sông bằng bè
Những đứa con của ông sớm phải giã từ con chữ để lên nương giúp cha mẹ. Thào Thị Dung là con thứ ba cũng sớm biết việc đồng áng từ năm lên bảy lên tám gì đó. Một buổi chiều tối của năm 2005, Thào Thị Dung hốt hoảng từ trên rẫy chạy về vừa la vừa khóc, mặt cắt không còn giọt máu. Mọi người xúm lại hỏi nhưng Dung không nói được câu nào. Người anh trai cùng làm chạy về theo sau cũng hoảng loạn không kém. Qua lời kể của người anh mọi người mới biết nguyên nhân.
Chiều hôm ấy, hai anh em Thào Thị Dung đang mải mê phát rẫy để chuẩn bị cho một vụ mùa thì bỗng trước mặt xuất hiện một con hổ to lớn, mắt trợn tròn nhìn về phía hai anh em. Khi cả hai vẫn đang trong tình trạng "hồn bay phách lạc" thì nó quay đi thẳng vào rừng. Thào Thị Dung khóc không thành tiếng, bỏ hết dao rựa chạy một mạch về nhà, người anh cũng chạy theo sau. Từ hôm ấy, Dung lầm lỳ ít nói và không đi rừng phát rẫy nữa chỉ ở nhà quanh quẩn việc bếp núc. Dung hay bỏ nhà đi lang thang, nói nói cười cười như điên như dại. Không những thế, bệnh của Dung ngày càng nghiêm trọng khi cô thấy đàn bà hay trẻ em là lao vào đánh đấm cấu xé, chửi bới thậm tệ. Dung vác dao chạy khắp bản phá hoa màu của dân làng. Cả làng bảo Dung bị ma nhập và lập tức mời thầy cúng về đuổi ma trừ tà nhưng vẫn không có kết quả.
"Cô gái này chỉ khi nào lên cơn mới quậy phá một hồi lại thôi như người say rượu. Những lúc tỉnh, Dung vẫn tham gia lao động bình thường. Cô cần cù làm việc và tỏ ra rất ngoan" - Ông Sùng Sái Pá, trưởng thôn 12 cho biết.
Năm 2008, gia đình ông Thào Seo Cáu chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp làm nhà tại thôn 11 xã Quảng Hòa (Đăk G'long - Đắk Nông).
Nơi ở của Dung
Những lúc bình thường, Thào Thị Dung không đụng chạm đến ai và cũng không để ai phải nhắc nhở nhưng mỗi đợt lên cơn "điên", Dung không còn làm chủ được mình nữa. Cô một mình tha thẩn khắp thôn, hết chạy lại đi hễ gặp ai cũng chửi bới rồi lao lại hành hung không kể người già, trẻ nhỏ. Dung đi lang thang, thui thủi một mình, thấy cái giếng nào là đi tiểu luôn xuống giếng.
Gia đình ông Thào Seo Cáo bận bịu việc nương rẫy cả ngày nên phó thác việc coi giữ Dung cho người ông nội năm nay đã 101 tuổi. Thế nhưng mỗi khi "ma làm", Dung muốn cắt tiết gà để ăn mà ông nội ngăn cản là Dung đánh luôn ông nội. Trẻ con sợ sệt, dân làng oán thán, ông Cáo và bà Chu không biết phải làm sao. Ông Cáo buồn phiền tâm sự: "Công việc ruộng nương thì không ai làm mà cứ để Dung ở nhà thế này sẽ có ngày nó gây tai họa cho dân làng. Nó không nhận biết được cả cha mẹ nó là ai nữa mà, nó đánh hết, chửi hết". Ông Cáo bàn với vợ sẽ làm một cái cũi nhốt con gái trong đó để ngăn chặn sự phá phách của con mỗi khi nó lên cơn.
Chiếc cũi bề ngang rộng hơn một mét, bề dài hai mét được chắn song bằng những cây gỗ to cỡ cổ tay người lớn. Những chiếc đinh mười, dây kẽm được kết chắc chắn phía trên lợp bằng phên tranh. Cũi có đầy đủ ánh sáng vì đóng theo kiểu song sắt. Mùa nắng tràn đầy ánh sáng mặt trời và mùa mưa gió mặc sức tạt ướt trọn vẹn cả trong lẫn ngoài cũi. Trời Tây Nguyên những đêm trở gió mang theo cái lạnh thấu xương. Cô gái Thào Thị Dung nằm đó lay lắt, cô độc không kể nắng mưa suốt hơn một năm trời. Đến bữa, người nhà đưa cơm vào cho Dung tự ăn. Chuyện vệ sinh Dung thoải mái "nhầy nhụa" trong chuồng, vài hôm, bà mẹ vào dọn một lần. Chiếc cũi nằm phía sau bếp, ngay cạnh cái chuồng gà phên nứa rách tả tơi.
Từ khi nhốt Dung trong cũi, mọi người trong xóm đã yên tâm sống và gia đình ông Cáo cũng không còn phải lo lắng chuyện quấy rối của con. Ông Cáo cho biết: "Thào Thị Dung lên cơn có mọc cánh cũng không ra khỏi được cũi, nó vùng vẫy chán chê cho đến lúc mệt lả đi thì nằm ngủ. Cái cũi này chắc chắn nên cũng yên tâm chứ ngày trước, cứ nhốt trong nhà khóa cửa vào là nó phá cửa ra ngoài như chơi vậy".
Ở cái nơi "khỉ ho cò gáy" sáng quay mặt thấy núi chiều quay lưng thấy núi nên sự việc nhốt con trong cũi của gia đình ông Cáo cũng lặng lẽ trôi. Chỉ đến khi có nhà báo tìm đến chụp hình quay phim và đưa lên lúc ấy, dư luận đã ngay lập tức lên tiếng. Chính quyền địa phương cử đoàn cán bộ xuống khảo sát và yêu cầu gia đình ông Cáo không được nhốt con trong cũi nữa. Sau đó họ đưa Thào Thị Dung đi ra bệnh viện tỉnh khám bệnh và có kết luận, Dung có dấu hiệu của bệnh thần kinh. Dung được đưa trở về uống thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh của Dung chưa hề có dấu hiệu hồi phục, những lúc lên cơn, Dung vẫn hành động như kiểu "ma làm".
Chúng tôi nhìn Dung, cô cứ cười một cách vô cảm. Giờ đây, Dung không còn sống trong cũi nữa. Cô gái đã được "tháo cũi sổ lồng" sống đời tự do. Nơi ở và ngủ của Dung là một tấm gỗ nằm ngửa thì thiếu nằm nghiêng thì thừa được kê sát vách nhà. Dung ngồi co ro bên "gia sản" là cái gối đầu cũ mốc, cái chăn cáu bẩn, mỏng tang. Ngày này qua tháng nọ, Thào Thị Dung cứ ở đó hết nằm lại ngồi hết ngồi lại đứng. Ý thức duy nhất Dung còn khả năng là khi nào đói thì tự vào bếp lục cơm nguội ăn. Ông Thào Seo Cáo buồn rầu bảo: "Người ta khuyên đưa nó xuống TP Hồ Chí Minh một chuyến xem thế nào. Thăm khám người ta cho không phải mất tiền. Tôi cũng dự tính đưa con đi một lần nhưng vẫn chưa có đủ tiền đi được. Bây giờ ăn còn không có nữa là".
Ông Cáo đến nắm tay bảo con đứng dậy, Dung rụt rè đẩy cha ra rồi đứng khúm mình vào sát vách tường ván. Bây giờ chưa phải lúc "ma làm" nhưng do bị nhốt lâu quá khiến Dung tỏ ra sợ hãi với bất cứ ai. Chúng tôi thấy, đôi mắt Dung đục ngầu, cái miệng cứ tủm tỉm cười một cách kỳ lạ.
CSTC
.