Đã đến lúc phải nhìn nhận lại và thay đổi nhận thức của người dân và sớm đề ra các giải pháp cụ thể để họ chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai và có khả năng "thích nghi"- “sống chung với lũ” khi mùa mưa bão đang đến gần.
Nơi vùng đất "khó"
Mùa mưa lũ năm 2011, một sự kiện chưa từng xảy ra ở bất kỳ địa phương nào trong nước, nhưng lại xảy ra ở các huyện vùng cao, biên giới Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn nơi thượng nguồn sông Cả.
Do ảnh hưởng cơn bão số 2, trong các ngày 24,25/6, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, xuất hiện trận lũ lịch sử khiến hàng trăm ngôi nhà, cơ quan Nhà nước, trường học ngập sâu hơn 5m. Nước lũ dâng cao làm tê liệt giao thông trên tuyến 7A, tuyến huyết mạch duy nhất nối Kỳ Sơn với các huyện khác. Thiên tai ập đến bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay, đến nay nhiều hộ gia đình vẫn chưa có nhà mới để ở ổn định.
Sau đó 1 tháng, vào ngày 22/7, cơn lũ quét bất ngờ lại xảy ra tại xã Bắc Lý khi hầu hết người dân đang ở trên rẫy nên không kịp sơ tán tài sản. Chỉ trong chốc lát nước lũ đã nhấn chìm một vùng rộng lớn, với hàng chục ngôi nhà chìm sâu trong nước và cuốn trôi 17 căn nhà, làm sập và hư hỏng nhiều căn nhà khác cùng trường học và trạm y tế.
Rất may không có thiệt hại về người. Phải đến hai ngày sau, đường giao thông mới cơ bản được nối thông. Theo người dân địa phương thì phải đến trên 30 năm nay chưa từng xảy ra trận lũ như vậy.
Thực tế lũ, lụt ngày càng xảy ra bất thường với cường độ ngày càng khốc liệt, đó là do tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là do việc chặt phá rừng đầu nguồn đã khiến những cơn lũ ngày càng hung dữ hơn.
Mặt khác, việc quy hoạch, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh còn nhiều bất cập, như: đường giao thông, công trình thủy lợi, thủy điện, trường học, cụm - khu công nghiệp, các điểm tái định cư, khu dân cư mới... đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên.
Không những thế, những năm gần đây, tình trạng quy hoạch công trình hồ chứa nước, hồ thủy điện phía thượng nguồn cũng là nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ, đe dọa tính mạng của người dân. Những công trình này vào mùa mưa đã trở thành những "quả bom" khổng lồ treo trên đầu và đe dọa trực tiếp đến hàng ngàn hộ dân. Mỗi khi có mưa lớn xảy ra, các hồ này xả lũ thì gần như khu vực hạ lưu đều ngập chìm trong nước.
Và điều đáng nói là ở những địa phương thường xuyên bị thiên tai, người dân đã không chuẩn bị tốt tâm lý chủ động cũng như không có kinh nghiệm trong việc ứng phó với lũ, lụt bất ngờ, dẫn đến những hậu quả khó lường về người và tài sản.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, trong vòng gần 10 năm (từ năm 2002 - 2011), Nghệ An là địa phương hứng chịu 26 cơn bão, 23 trận lũ lụt. Gần chục năm qua, bão, lũ đã cướp đi sinh mạng của 272 người, làm 149 người bị thương; 925 ngôi nhà bị sập, đổ cuốn trôi, 84.262 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, di dời, 102.995 ngôi nhà bị ngập; 59 tàu thuyền bị đánh chìm, 3.342 công trình, 2.568.916m3 đất, 50.084m3 đá, bê tông bị hư hỏng.
Giải pháp nào để "sống chung với lũ"?
Qua báo cáo tình hình thiên tai, công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn Nghệ An, các loại hình thiên tai thường gặp như bão, lũ, lốc xoáy, mưa đá, giông sét, sạt lở đất, hạn hán, rét hại... Thực tế cho thấy trong vòng 10 năm qua, ngày càng có nhiều hiểm họa bất thường do thiên tai, bão lũ gây ra, tuy cường độ không lớn so với năm lũ lịch sử 1978, song hậu quả gây thiệt hại nhiều đến cơ sở hạ tầng, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trong khi đó, ở các vùng thấp, vùng trũng ven sông, ven biển của tỉnh ta có hàng ngàn hộ dân sống trong những ngôi nhà cấp bốn vừa thấp, vừa không kiên cố nên khi lũ dâng cao thì gần như các ngôi nhà đều chìm trong biển nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều & PCLB tỉnh: Để ứng phó với thiên tai, bão lũ, không chỉ có người dân mà các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cũng phải có trách nhiệm. Thực tế hiện nay, việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, vật tư - phương tiện và kinh phí - hậu cần tại chỗ), trong đó lực lượng và hậu cần tại chỗ ở nhiều nơi chưa được chú trọng đầu tư, do đó khi cần sử dụng thì không đủ hoặc không có. Ý thức chủ động và tự giác phòng tránh trước khi có bão, lũ của người dân ở một số nơi chưa được nâng cao, mặc dù đã có cảnh báo trước, nhưng vẫn thờ ơ và luôn mang nặng tư tưởng "đến đâu hay đến đó".
Để "sống chung với lũ", trước hết người dân phải chủ động trong mọi tình huống. Trong đó, phải thay đổi thói quen sinh hoạt vào mùa mưa lũ, người dân phải luôn chủ động ứng phó với mưa lũ hàng năm, tính toán các phương án tại chỗ, nhất là không được chủ quan. Phải tự giác chuẩn bị những gì cần thiết nhất trong thời gian mưa lũ để có thể ổn định cuộc sống mà không phải di tán đến nơi khẩn cấp.
Tuy nhiên, để đạt được mục đích bảo vệ an toàn cho người dân thì các cơ quan chức năng, nhất là các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin cần thiết liên quan kịp thời đến bão, lũ; đồng thời Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở các vùng thấp trũng sống chung với lũ an toàn như: Xây dựng nhà tránh bão, nhà cộng đồng chống lũ (đã triển khai tại 3 huyện Anh Sơn, Quỳnh Lưu và Hưng Nguyên); nâng cấp hệ thống đê điều, công trình chống sạt lở và các đường cứu hộ, cứu nạn phòng tránh lụt bão; hoàn thành 3 khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng cống giữ ngọt Bến Thủy... Có như vậy, người dân mới ổn định cuộc sống, phát triển bền vững mỗi mùa thiên tai, bão lũ đi qua.
Xuân Thống
.