Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20369-ke-lua-dao-thich-hang-hieu-397223/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20369-ke-lua-dao-thich-hang-hieu-397223/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kẻ lừa đảo thích hàng hiệu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 24/05/2012, 07:20 [GMT+7]
20369

Kẻ lừa đảo thích hàng hiệu

Lợi dụng sự quen biết và uy tín của người chú ruột (là một nhà quay phim nổi tiếng), Nguyễn Mạnh Tín (31 tuổi) - nhân viên dựng phim của một hãng phim trên đường Trần Bình Trọng, P.5, Q. Bình Thạnh, TP HCM - đã lừa lấy nhiều máy vi tính xách tay có giá trị khá lớn của nhiều người, trong đó có khá nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, nhiếp ảnh gia…

Lợi dụng quen biết để lừa lấy trên 50 MacBook Pro

Theo đơn tố cáo của hai chị em chị Đào P.L. - Đào N.B. (ngụ đường Nguyễn Thái Sơn, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM), ngày 19/3/2012, do có quen biết từ trước, Nguyễn Mạnh Tín đã liên lạc với chị em chị P.L. yêu cầu giúp đỡ mượn một cái máy tính có cấu hình mạnh để dùng cho phần mềm dựng phim gấp vào sáng ngày hôm sau, vì theo Tín thì những nơi cho thuê máy bắt phải thế chấp, trong khi Tín không có tiền.

Không mảy may suy nghĩ vì chuyện giúp đỡ bạn bè trong lúc cấp thiết là đương nhiên, chị em chị P.L. đã hỏi một người bạn đồng nghiệp để mượn máy tính cho Tín. Vì máy là tài sản có giá trị lớn (MacBook Pro i5 17 inch, trị giá khoảng 42 triệu đồng), thuê phải có thế chấp, nên chị P.L. đã lấy uy tín của mình đứng ra thuê máy không thế chấp cho Tín với giá 800.000 đồng/ngày. Thời hạn thuê là hai ngày một đêm (tối ngày 21/3/2012 Tín hứa sẽ mang trả).

Như đã trao đổi trước, sáng ngày 20/3/2012, Tín đến công ty của chị P.L. ở đường Nguyễn Đình Chiểu, P. Đa Kao, Q.1 để kiểm tra và mang máy về. Đến chiều ngày 21/3, Tín nhắn tin cho chị P.L. báo sáng hôm sau mới có thể trả máy vì khách hàng cần thêm thời gian để hoàn thành công việc trước khi bay ra Hà Nội.

Nạn nhân của kẻ lừa đảo đã mất chiếc máy tính MacBook Pro.

Đến sáng ngày 22/3/2012 chị P.L. đã gọi điện cho Tín rất nhiều lần từ sáng đến trưa nhưng Tín không nghe máy. Đến chiều cùng ngày, Tín đã nhắn tin với nội dung "Vì khách hàng làm chưa xong đã mượn máy mang ra Hà Nội, sáng sớm mai sẽ bay về. Nếu sáng mai không nhận được máy, N.B. (em chị P.L) có thể báo Công an hoặc làm gì tùy thích".

Sốt ruột, chị P.L. đã gọi điện cho Tín và cảnh báo rằng nếu trả chậm, sẽ ảnh hưởng đến công việc của người khác, làm mất uy tín và sau này sẽ không mượn được nữa, lúc này Tín lại nói mang danh dự ra đảm bảo sáng sớm ngày mai sẽ mang máy trả. Tuy nhiên, sáng ngày 23/3, chị P.L. gọi cho Tín nhưng số điện thoại của Tín đã tắt và từ đó đến nay, chị không thể liên lạc được với Tín nữa.

Theo chị P.L., đây là hình thức lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo điều 140 Bộ Luật hình sự). "Tôi rất mong các cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh sự việc, áp dụng hình thức xử lý thích đáng đối với người bị khiếu nại, tố cáo. Tránh cho những nạn nhân kế tiếp không rơi vào bẫy lừa đảo của Tín", chị P.L tha thiết trình bày ở cuối đơn.

Tiếp xúc trực tiếp với phóng viên CSTC, chị P.L. cho biết cụ thể sự việc: "Mới đầu Tín gửi email cho tôi xin số điện thoại, sau khi tôi cho số, Tín đã nhắn tin lại cho tôi. Tiếp đó tôi có gọi và Tín đã trình bày rằng "em đang gặp khó khăn, đang cần máy laptop để dựng chương trình mà không có chỗ nào cho thuê, chị giúp e      m với, hoặc cho em số của em chị - ngày xưa cùng làm với Tín ở một công ty sản xuất phim - để Tín nhờ giúp".

Tôi đã gọi cho cậu em bảo giúp Tín vì ngày xưa thấy cậu ta cũng dễ thương. Nghe thế em tôi đã đi tìm mượn bạn đồng nghiệp một cái MacBook Pro i5 mới tinh (khi mượn máy, Tín toàn đưa ra những yêu cầu về máy MacBook Pro "xịn, đắt tiền" chuyên để dựng phim), Tín còn chạy tới công ty em tôi để lấy và cũng gặp một vài người biết Tín tại đó… Tôi đã trình báo sự việc với cơ quan Công an, có thể không lấy lại được tài sản nhưng ít nhất cũng phải cho Tín hiểu cái giá của sự lừa đảo".

Điều đáng nói là sau khi tìm hiểu qua nhiều nguồn từ đồng nghiệp và một số người quen của Tín, chị em chị P.L. mới té ngửa vì biết được rằng Tín đã lừa lấy khoảng trên 50 máy laptop có giá trị lớn, rất nhiều điện thoại của nhiều đồng nghiệp trong công ty và những người quen biết, với cùng một kiểu cách "lừa đảo" như vậy. Tổng giá trị tài sản Tín lừa của nhiều người qua sự quen biết tính sơ sơ cũng lên đến gần 2 tỷ đồng (?).

Hiện Tín đã trốn biệt tăm không ai rõ tung tích. "Ngay sau khi không liên lạc được với Tín, tôi đã gọi cho đạo diễn N.Q.D. (vì trước kia Tín là nhân viên của đạo diễn này), thì được biết Tín đã lừa nhiều người trước đó. Thậm chí em trai tôi còn gọi trực tiếp cho nhà quay phim T.H. - giám đốc hãng phim (nơi Tín làm việc) là chú ruột của Tín và cũng được biết ông ấy đã phải đền tiền cho hàng chục người rồi, giờ đã rất mệt mỏi và xin lỗi em tôi", chị P.L. kể lại.

Lừa đảo do thua cá độ bóng đá?

Để làm rõ hơn sự việc, phóng viên CSTC đã liên hệ với một số nạn nhân của Tín. Anh N.N.B. (trưởng phòng kỹ thuật ở hãng phim Tín làm việc) là bạn thân của Tín nhưng cũng bị Tín lừa lấy mất ba cái máy, theo anh B. trị giá mỗi cái máy mới trên thị trường bán ra lúc đó khoảng 40 triệu đồng/cái. Anh thật tình cho biết: "Trước kia tôi là người đưa Tín vào nghề (dựng phim). Tín là người giỏi nghề, tính tình hiền lành, dễ thương, do đó anh em trong giới ai cũng quý mến. Tôi biết Tín đã có vợ và hai con nhưng họ đã ly thân cũng khá lâu.

Đến năm 2010, do lúc đó có World Cup bóng đá thế giới, cậu ta cũng có chơi cá độ rồi chắc cũng dính dáng đến cờ bạc, tôi còn nghe đồn là Tín đã từng sang Campuchia đánh bài. Sau thời gian World Cup, có lẽ do thua độ nhiều quá nên Tín mới nảy ra ý định lừa gạt mọi người.

Một lần Tín hỏi tôi mượn máy, thấy anh em trong nghề với nhau trong lúc khó khăn mượn máy để làm show gấp nên tôi cũng cho Tín mượn nào ngờ mượn xong thì trốn mất tiêu luôn. Lúc đầu tôi còn không nghĩ Tín lại lừa gạt mình, bởi vì tôi là một trong những người bị lừa đầu tiên. Đến lúc phát hiện ra tôi vẫn không tin chuyện đó, ngược lại còn đấu tranh bảo vệ cho Tín. Ngoài ra, máy tính của những người khác để trong phòng tôi cũng bị mất một cách bất thường".

Chân dung Nguyễn Mạnh Tín (do các nạn nhân lấy từ trang facebook của Tín).

Theo anh B., cứ thế từ năm 2010 đến giờ, lần lượt rất nhiều người bị Tín hỏi mượn laptop rồi cuối cùng người và máy cùng biến mất luôn. Đối với nạn nhân của Tín thì chuyện mất máy có thể không tiếc, họ chỉ tiếc những dữ liệu bên trong máy. Nó vô cùng quan trọng với công việc của họ, thậm chí là với nhiều người khác.

"Hầu như mọi người khi bị Tín lừa mất máy cũng đều gọi cho tôi hỏi thì tôi mới biết và thông báo cho họ sự tình. Cứ trung bình một tháng tôi nhận được điện thoại của một nạn nhân. Tôi không nhớ chính xác có bao nhiêu nạn nhân nhưng tính sơ sơ cũng phải đến 40-50 người đã gọi điện cho tôi hỏi thông tin về Tín và nói bị Tín lừa, trong số đó có nhiều người trong giới dựng phim, đạo diễn làm show ca nhạc, anh em nghệ sĩ… như nhiếp ảnh gia H.V., anh T.L. - anh ruột của ca sĩ L.T., hay nhà quay phim - đạo diễn N.T.…


Vụ này đối với một cá nhân thì giá trị vật chất bị mất không nhiều lắm chỉ khoảng 30-40 triệu là cùng, nhưng nếu gộp lại thì con số thiệt hại sẽ rất lớn", anh B. phân trần.

Cũng là đồng nghiệp của Tín ở nơi làm việc, anh V.T., thành viên một nhóm nhạc cũng bị Tín lừa mất một cái máy tính MacBook Pro trị giá trên dưới 1.000 USD.  "Tôi bị Tín lừa mất máy năm 2011. Lúc đầu Tín mượn máy rồi trả lại, nhưng lần mượn thứ hai thì không trả nữa. Tôi biết trong công ty, có nhiều người đã bị Tín lừa lấy máy. Ngay cả nhiếp ảnh gia H.V. cũng bị Tín lừa…

Tôi nghĩ nhiều người bị Tín lừa nhưng ít lên tiếng để đòi lại quyền lợi vì có thể đa số họ là những người làm nghệ thuật nên dễ dãi và họ nghĩ Tín có thể suy nghĩ lại nên họ không khắt khe quá. Tuy nhiên đến mức này tôi nghĩ cũng nên cảnh báo để cho mọi người được biết", anh T. chia sẻ.

Đơn tố cáo của chị em chị P.L..

Anh Đ.T. (làm việc ở một công ty quảng cáo trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5) cho biết: "Tôi biết Tín từ lúc Tín làm việc ở một số công ty làm phim, tay nghề của Tín cũng khá. Thực ra trước đây tôi coi Tín như anh em trong nhà vì chúng tôi cũng đã cùng nhau làm nhiều việc. Nói chung lúc trước Tín là một người tốt tính, hiền lành, được mọi người yêu mến.

Trước nay tôi vẫn cho Tín mượn máy tính khi kẹt công việc. Ngược lại Tín cũng giúp tôi nhiều việc. Vậy mà đợt đó (tháng 10/2011) tôi đang có việc nhà ở Đà Nẵng thì Tín gọi điện hỏi mượn máy tính. Vì thế, tôi đã gọi cho một người bạn hỏi mượn giúp và Tín đã chạy qua chỗ anh bạn đó mang máy về (thực ra lúc đó khó mà định giá cái máy bao nhiêu tiền vì là máy đã sử dụng nhưng cũng phải trên 1.000 USD).

Dù Tín nói mượn máy trong hai ngày nhưng mãi một tuần sau anh bạn nói Tín vẫn chưa trả máy… Tôi gọi điện qua chỗ công ty Tín làm việc mới biết chuyện Tín đã lừa rất nhiều người ở công ty bằng cách như vậy. Sau đó tôi đã phải mua một cái máy để trả lại cho anh bạn của tôi".

Theo anh T. thì anh cũng đã có thông báo cho một số người quen chuyện của Tín nhưng vẫn không kịp vì cho đến nay vẫn có người bị Tín lừa. "Tôi nghe một số người quen biết Tín nói rằng Tín chơi cá độ đá banh hay bài bạc gì đó nên nợ nần khá nhiều. Phải nói là mọi người không thể ngờ được Tín lại trở thành người như vậy, bởi những người bị lừa đều đã từng hoặc đang làm việc với Tín.

Nói thật tôi và mọi người chẳng hy vọng gì để lấy lại máy hay được bồi thường tiền. Thực sự tôi chỉ muốn sẽ không còn ai bị Tín lừa nữa. Rất nhiều người bị Tín lừa nhưng hầu như chưa thấy ai lên tiếng, đúng ra họ cùng nhau lên tiếng thì chắc chắn một số người khác sẽ tránh được", anh T. tâm sự.

Ngoài bạn thân và anh em trong nghề, Tín còn lừa cả những người cho thuê máy. Anh Phạm Văn N. là người chuyên sửa chữa và cho thuê máy tính Apple cũng là một nạn nhân của Tín. "Trước khi cho thuê máy tôi không hề quen biết Tín, anh ta tự gọi điện rồi nói là có người quen giới thiệu, hỏi thuê máy vì thời gian Tết 2011 việc nhiều nên cần nhiều máy. Tôi đã cẩn thận gọi cho người giới thiệu (một khách hàng thân thiết của anh N.) để hỏi về Tín. Sau đó Tín đến gặp tôi hỏi thuê một máy MacBook Pro và một MacBook. Tôi cũng có làm một biên bản cho thuê máy đơn giản để Tín ký vào. Sau đó Tín hỏi thuê thêm một MacBook nữa (giá trị của ba cái máy này khoảng 45 triệu đồng). Sau đó hai, ba ngày Tín tới trả tiền thuê (khoảng hai hay ba triệu đồng gì đó). Sau khi đã trả máy, khoảng một tuần sau Tín nói muốn thuê lại ba máy đó, nhưng do biết tôi còn hai cái máy xịn hơn (giá trị của hai máy này khoảng 60 triệu), Tín tính sẽ thuê hai cái máy đó, nhưng may cho tôi là lúc đó người khác đã mượn rồi. Thế là Tín thuê lại ba cái máy lần trước (chưa trả tiền thuê máy), và sau đó thì Tín lặn mất tăm luôn.”

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã liên hệ với nhà quay phim T.H để tìm hiểu thêm. Anh buồn rầu chia sẻ ngắn gọn: "Thực ra tôi thấy Tín lớn rồi và đã có gia đình riêng, Tín có thể quyết định những việc làm của mình, nên từ lâu tôi không còn can thiệp vào việc riêng của nó nữa. Lúc đầu khi biết chuyện của Tín, tôi cũng giúp nó một ít tiền để nó đem trả nợ cho người ta, nhưng sau đó thì tôi không thể chịu trách nhiệm mãi với nó được. Cả năm nay tôi không hề gặp nó và nó cũng đã không về nhà bao lâu nay rồi".


CSTC
.