(Congannghean.vn)-Đối với cán bộ, chiến sỹ đang công tác nơi biên giới xứ Nghệ, Tết với họ gần như không có khái niệm sum họp gia đình. Vui cùng đồng bào, hòa mình vào những khúc ca, điệu múa của bà con dân bản chính là cái Tết ân tình, ấm áp nhất của những chiến sỹ Công an “cắm bản”.
Những ngày này, hoa đào, hoa mận khoe sắc khắp các sườn núi, báo hiệu mùa xuân đã gõ cửa. Ở 2 huyện Kỳ Sơn và Quế Phong - cực Tây của xứ Nghệ, nhà nhà, người người hân hoan, tất bật trong niềm vui đón chào xuân mới. Trong không khí đó , thay vì trở về nhà để đón Tết đoàn viên, các anh - những chiến sỹ Công an “cắm bản” lại lặng lẽ lên đường đến với những bản làng xa xôi, nơi biên giới để làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT và cùng đón Tết, vui xuân với bà con dân bản.
Giữ vững biên cương trong những ngày Tết đến, xuân về là nhiệm vụ hàng đầu của những chiến sỹ Công an “cắm bản” |
1. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với chiều dài biên giới hơn 419 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Địa thế cách trở, đồng bào vùng biên giới lại thường xuyên bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ di dịch cư qua biên giới trái phép. Cùng với đó, tình hình các loại tội phạm vùng biên luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Để giúp bà con dân tộc thiểu số tại các vùng biên cương có cuộc sống ổn định, một lòng theo Đảng, nhiệm vụ của những chiến sỹ Công an ở thượng nguồn sông Cả là luôn phải “ba cùng”, “bốn bám” với bản làng.
Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa bàn có 3 phía giáp Lào, với 192 km đường biên giới, trong đó có 65 km là biên giới trên sông, Công an huyện đã chủ động nắm tình hình, xây dựng kế hoạch cụ thể để "ba cùng", "bốn bám" với nhân dân. Kỳ Sơn là vùng biên giới, đồng bào đa dân tộc, trình độ dân trí thấp, các thế lực thù địch lợi dụng chống phá và các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy luôn tìm cách móc nối, xúi giục nhân dân chính là những trở ngại chính mà CBCS Công an huyện Kỳ Sơn gặp phải.
Xác định phải “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình”, đơn vị đã tăng cường công tác bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con nhân dân. Nhờ vậy, đã ngăn chặn được âm mưu lôi kéo của đối tượng xấu, ngoài ra còn vận động, tuyên truyền hàng chục hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu từ bỏ ý định di dịch cư sang Lào, ở lại địa phương ổn định sản xuất, sinh sống.
Với khẩu hiệu thiết thực: "Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, đảm bảo bình yên trên toàn tuyến biên giới", mặc dù có những địa bàn cách xa trung tâm huyện lỵ gần 100 km, đường sá đi lại khó khăn, phải vượt suối, trèo đèo, song CBCS được phân công phụ trách địa bàn đã kiên trì bám bản, làm tốt công tác dân vận. Với phương châm: "Nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin", các anh đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật.
Cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với Công an xã Mường Lống tuần tra địa bàn |
Trung úy Vi Văn Phi, cán bộ phụ trách địa bàn xã Mường Lống cho biết, bám địa bàn, bám cơ sở là nhiệm vụ xuyên suốt hàng năm của lính Công an ở thượng nguồn sông Cả. Với rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Song, đáng nhớ nhất vẫn là những lần vui Tết với đồng bào. Đến Kỳ Sơn thì phải vào Mường Lống, đến Mường Lống mà chưa đón Tết với người Mông thì chưa phải đi Kỳ Sơn. Những triết lý chính là đúc kết của đồng bào Mông mến khách.
Nơi đây có phiên chợ tình rất đặc biệt, chỉ họp hai lần vào ngày 15 và 30 tháng Chạp hàng năm. Chợ là nơi để các đôi trai gái tìm hiểu, yêu đương khi mùa xuân gõ cửa. Ở địa bàn xa trung tâm nhất, được ví là “cổng trời” của Kỳ Sơn, xã Keng Đu nằm cách trung tâm huyện lỵ hơn 80 km. Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam cho biết, toàn xã có hơn 90% dân số là đồng bào Khơ Mú, nhưng đời sống cơ bản ổn định, bà con yên tâm làm ăn sản xuất, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao. Có được điều đó là nhờ cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn đã thường xuyên xuống bản tuyên truyền pháp luật để người dân không nghe theo kẻ xấu, không để kẻ xấu lôi kéo. Vì vậy, bà con đã xây dựng được đời sống văn hoá ở khu dân cư, không di cư tự do và không xuất cảnh trái phép. Chính các anh đã mang mùa xuân đến với bản làng, để người Khơ Mú hôm nay có được cuộc sống ấm no, bình yên.
2. Quế Phong là địa bàn biên giới ở miền Tây xứ Nghệ. Trong những năm qua, lực lượng Công an huyện nỗ lực hết mình để cùng với Công an huyện Kỳ Sơn tạo thành lá chắn bình yên nơi biên cương của Tổ quốc. Mặc dù huyện Quế Phong chỉ có 73,31 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, song do địa hình hiểm trở nên các loại tội phạm thường xuyên lợi dụng hoạt động. Không chỉ giữ bình yên trên toàn tuyến biên giới, Công an huyện Quế Phong còn giúp cho cuộc sống của bà con vùng biên có những đổi thay đáng kể.
Trung tá Vi Văn Giang, Trưởng Công an huyện Quế Phong cho biết, nhằm tạo điều kiện cho bà con đón Tết, vui xuân trong yên bình, vào khoảng ngày 22 tháng Chạp, sau khi tổ chức đón Tết cho các CBCS, Công an huyện đã triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT trên địa bàn. Theo đó, đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng các phương án đảm bảo ANTT trong dịp Tết, phối hợp với Công an các xã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, phát tờ rơi, tổ chức cho nhân dân, học sinh tại các trường trên địa bàn ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép, không vi phạm tệ nạn xã hội, nghiêm chỉnh thực hiện Luật Giao thông đường bộ.
Trong những ngày Tết cổ truyền, ngoài 50% quân số ứng trực tại đơn vị, anh em được phân công nhiệm vụ đến các địa bàn, riêng Đội Công an phụ trách xã về ANTT trực 100% quân số “cắm bản” cùng bà con đón Tết; qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, gây mất ANTT trên địa bàn.
Để hiểu hơn sự khó khăn, vất vả của những người lính Công an “cắm bản”, một ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng tôi đã theo chân CBCS Đội Công an phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Quế Phong đi cơ sở để đón Tết sớm cùng đồng bào và địa điểm chúng tôi dừng chân là xã biên giới Tri Lễ. So với trước đây, Tri Lễ hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ, rũ bỏ vẻ bề ngoài xác xơ, nghèo đói, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc hiện hữu nơi miền biên viễn. Đường nhựa phẳng lỳ, xe ôtô đã vào đến tận trung tâm của xã, giúp cho sự giao thương, buôn bán của bà con với bên ngoài thuận lợi hơn rất nhiều.
Trên con đường rợp bóng hoa mận, hoa đào, Trung úy Trương Văn Quý, cán bộ phụ trách địa bàn xã Tri Lễ chia sẻ với chúng tôi, Tết ở xã biên giới Tri Lễ khác dưới xuôi nhiều lắm. Không như ở các vùng khác, để Tết cổ truyền được tươm tất, bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú đã có cả một thời gian dài chuẩn bị. Vào đầu tháng 10 âm lịch, nhà nhà đã lo sắm lợn bản, gà đồi, thóc nếp, đợi đến ngày cận Tết sẽ được đem ra làm mâm cỗ đãi anh em, xóm giềng.
Ấm áp bên bếp lửa hồng ngày Tết tại xã Mường Nọc (Quế Phong) |
Đồng bào vùng cao nơi đây quan niệm rằng, trong ngày Tết, nhà nào có thịt lợn thết đãi khách thì việc đồng áng, lên nương trong năm đó sẽ được mùa. Để hiểu hơn về phong tục kỳ lạ này, chúng tôi đến gia đình ông Lương Tiến Hành ở bản Lằm khi gia chủ đang tất bật nấu bánh chưng, bánh khầu tốm, khầu pén theo phong tục truyền thống của người Thái. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hành chia sẻ: “Bánh chưng tròn tượng trưng cho con trâu to béo, bánh khầu pén tượng trưng cho sừng trâu tốt đẹp, bánh dài tượng trưng, ước muốn làm gậy cho cha mẹ, ông bà chống cho khỏe mạnh. Còn bánh to tròn tượng trưng cho mùa màng được bê, được gánh nhiều”.
So với những năm trước, năm nay mùa về sớm hơn, lúa nếp trĩu bông hơn mùa gặt trước nên gia đình ông Vừ Phá Chìa, Trưởng bản Huồi Khái ngoài ẩm thực truyền thống gồm thịt lợn bản, bánh chưng, gà đồi, ông cùng với các hộ dân sinh sống gần nhà “tậu” cả con trâu về giết thịt. Ông Vừ Phá Chìa cho biết, Tết cổ truyền là dịp để người dân thể hiện tình cảm keo sơn xóm giềng, sự gắn kết giữa các hộ gia đình, thân tộc trong bản được đoàn tụ sung túc.
Cũng theo ông Chìa, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung và những chiến sỹ Công an “cắm bản” nói riêng, những năm gần đây, ý thức chấp hành pháp luật của bà con trong xã đã được nâng lên rõ rệt. Công lao đó có phần rất lớn của các đồng chí Công an phụ trách xã. Các anh vừa tuyên truyền pháp luật tại các buổi họp của xã, thôn, bản, vừa vận động có lý, có tình, đúng cái bụng của bà con nên ai cũng học tập, làm theo. Các anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào; thậm chí những ngày Tết đến, xuân về, các anh đã hy sinh hạnh phúc đoàn viên bên gia đình để cùng đón Tết với bà con nên nhà nào cũng quý và xem các anh như người thân trong gia đình.
Trung tá Lô Đức Thuận, Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã về ANTT, Công an huyện Quế Phong tâm sự, hơn 20 năm gắn bó với đồng bào vùng cao thì anh đã có tới 19 cái Tết đón giao thừa cùng bà con dân bản. Thời gian đầu, cứ nghĩ đến cảnh đón Tết xa gia đình là sự trống vắng lại ùa về, nhưng cảm giác đó trôi qua rất nhanh khi anh được hòa mình trong niềm hân hoan đón chào năm mới của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bình yên biên giới luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, trong những ngày Tết đến, xuân về, nhiệm vụ này lại càng phải hiện thực hóa bằng sự quyết tâm cao độ. Dù đường sá đi lại khó khăn vất vả, có những năm giá rét căm căm, song các anh - những chiến sỹ Công an “cắm bản” vẫn kiên trì bám địa bàn, “thức cho nhân dân ngủ ngon”, ngày đêm canh giữ biên cương để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân được vui xuân, đón Tết trong đầm ấm, hạnh phúc.
Theo Trung tá Thuận, không riêng gì bản thân anh mà anh em trong Đội và cả trong đơn vị, có những người đã trên 15 năm đón Tết cùng đồng bào ở miền biên viễn, một số cán bộ trẻ ít nhất có trên 5 năm đón giao thừa với bà con ở vùng giáp biên.
Vui bên chóe rượu cần cùng bà con dân bản |
3. Làm nhiệm vụ đảm bảo bình yên biên giới Việt - Lào trong những ngày Tết đến, xuân về đã là thử thách khó, song để đảm bảo ANTT trong những ngày Tết cổ truyền luôn là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Dù vậy, với sự kiên trì, nỗ lực bám dân, bám bản, hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, các anh - những chiến sỹ Công an “cắm bản” đã làm tròn vai cả hai trọng trách này. Không chỉ chặn đứng mọi âm mưu chống phá, xâm nhập biên giới trái phép, trong nhiều năm qua, các anh chính là những lá chắn vững chắc, chở che, bao bọc, nâng đỡ, cầm tay chỉ việc cho bà con dân bản. Cũng bởi nhờ sự hy sinh thầm lặng ấy, các anh đã góp phần làm cho mùa xuân biên giới thêm ấm no, hạnh phúc.
Giữa rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn tình của mùa xuân, tiếng róc rách, thầm thì của núi rừng, trong hương xuân biên giới, nghe vang vọng đâu đó, tất cả đang tạo nên một giàn hợp xướng để gọi tên các anh - những chiến sỹ Công an “cắm bản” đã mang mùa xuân đến với núi rừng...