(Congannghean.vn)-Sau hàng loạt hoạt động kích động giáo dân lợi dụng sự cố môi trường biển cố ý làm phức tạp tình hình, trong thời gian qua, một số linh mục trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa có ý định dừng lại. Thay vì động viên, kêu gọi bà con chuẩn bị chu đáo khi mùa du lịch biển sắp bắt đầu để phát triển kinh tế thì một số linh mục đã có những hành động gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Sự việc xảy ra vào ngày 24/4/2017 vừa qua là một minh chứng điển hình cho ý định trên của các linh mục cực đoan.
Chiều 24/4, linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động bà con giáo dân giáo xứ Song Ngọc kéo lên gây rối tại trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu. |
Theo đó, vào lúc 13 giờ ngày 24/4/2017, theo nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp về vụ việc tại đường đê Quỳnh Thọ, xã Quỳnh Thọ huyện Quỳnh Lưu (gần cầu Sơn Thọ) xảy ra một vụ va chạm giao thông. Sau khi nhận được thông tin, tổ tuần tra giao thông của Công an huyện Quỳnh Lưu đang tuần tra xử lý vi phạm trên Quốc lộ 48B đã có mặt tại hiện trường nhưng người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đã bỏ đi, để lại 2 bao tải hàng hóa.
Tiến hành kiểm tra bên trong 2 bao tải đều là áo phông, trên áo phông không ghi cơ sở sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dòng chữ “No Formosa” và “Formosa cút khỏi Việt Nam” (ở phía trước và sau áo). Công an huyện Quỳnh Lưu đã làm các thủ tục để tạm giữ số hàng hóa trên theo quy định.
Sau khi biết sự việc trên, linh mục Nguyễn Đình Thục (quản xứ Song Ngọc, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu) đã tiến hành rung chuông, kích động, yêu cầu bà con giáo dân giáo xứ Song Ngọc kéo lên trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu với lý do Công an huyện đánh người, cướp đồ. Đồng thời, liên hệ linh mục Đặng Hữu Nam (quản xứ Phú Yên, An Hòa, Quỳnh Lưu) để cùng thực hiện.
Khoảng 15 giờ 45 phút, linh mục Thục cùng với khoảng 300 giáo dân giáo xứ Song Ngọc kéo lên trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu yêu cầu, chất vấn Công an huyện Quỳnh Lưu về sự việc trên. Tại trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu, với mục tiêu lớn nhất là đảm bảo ANTT trên địa bàn, tránh để bà con giáo dân bị người xấu kích động có những hành vi quá khích, đồng chí Trưởng Công an huyện – Trung tá Tạ Đình Tuấn đã trực tiếp tuyên truyền, vận động, giải thích và đề nghị linh mục Thục và giáo dân xứ Song Ngọc cử đại diện vào Trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu làm việc. Tuy nhiên, linh mục Thục đã không chấp nhận đề nghị từ phía Công an huyện Quỳnh Lưu mà đòi đưa toàn bộ giáo dân vào trụ sở Công an huyện. Ngoài ra, linh mục Thục đã gọi điện cho một số linh mục trên địa bàn huyện chuẩn bị người để sẵn sàng “tiếp ứng” cho giáo dân xứ Song Ngọc.
Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, vận động, đến 17 giờ 15 phút, linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Đặng Hữu Nam mới đồng ý cử đại diện giáo dân cùng với 2 linh mục vào trụ sở Công an huyện để làm việc. Được Công an huyện giải thích, tuyên truyền, linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam cùng bà con giáo dân mới chấp nhận trở về địa phương.
Về số hàng hóa không rõ nguồn gốc mà Công an huyện Quỳnh Lưu đang tạm giữ, Luật Thương mại năm 2005 quy định khi vận chuyển hàng hóa lưu thông trên thị trường thì người quản lý hàng hóa (hoặc người vận chuyển) phải mang theo hóa đơn, chứng từ để chứng minh về nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Việc vận chuyển hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định (tùy theo hành vi là sản xuất hay vận chuyển; hàng hóa thuộc loại hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện... mà bị xử lý theo pháp luật hình sự, pháp luật hành chính).
Theo đó, Pháp luật hành chính quy định như sau: Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” giải thích từ ngữ: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Số áo không rõ nguồn gốc đang bị Công an huyện Quỳnh Lưu tạm giữ |
Như vậy, việc vận chuyển hàng hóa mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa thì sẽ không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Người thực hiện hành vi này là vi phạm quy định của pháp luật về chế độ hóa đơn, chứng từ trong quá trình lưu thông hàng hóa trên thị trường và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 21, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Theo đó, tùy theo giá trị hàng hóa của lô hàng vận chuyển, mức phạt tiền sẽ từ 200 ngàn đồng đến 40 triệu đồng (đối với hành vi vi phạm của cá nhân); biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm. Còn đối với hành vi vận chuyển hàng hóa nhập khẩu (có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài) mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi “Kinh doanh hàng nhập lậu” quy định tại Điều 17, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, điểm d, khoản 1, Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi “Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật như đã nêu ở trên, việc vận chuyển số áo phông của 2 thanh niên vào ngày 24/4/2017 có những vi phạm sau:
Một là, vận chuyển hàng hóa mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp; hàng hóa không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Đây là hành vi “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ”, vi phạm quy định tại Điểm c, khoản 1, Điều 21, Nghị định số 185/2013/NĐ- CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ.
Hai là, trên hàng hóa (trên các chiếc áo) có chữ viết “Formosa cút khỏi Việt Nam”, nội dung này trái với chủ trương thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế của Đảng và Nhà nước ta. Đây là hành vi vi phạm điểm d, khoản 1, Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Trên thực tế, qua kiểm tra thực địa, đến thời điểm hiện nay, tổ công tác Bộ Tài Nguyên Môi trường đã xác nhận Công ty Formosa đã khắc phục được 52 trong tổng số 53 lỗi vi phạm về môi trường và đang tiếp tục thực hiện theo yêu cầu từ phía các cơ quan chức năng.
Căn cứ vào kết quả xác định tổng giá trị của hàng hóa là tang vật vi phạm, các hành vi vi phạm của 2 thanh niên trên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 200 ngàn đồng đến 40 triệu đồng, tang vật vi phạm hành chính là 2 bao quần áo sẽ bị tịch thu.
Xét theo quy định trên, việc Công an huyện Quỳnh Lưu phát hiện hành vi vận chuyển hàng hóa mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, đã tạm giữ tang vật vi phạm vào ngày 24/4/2017 để xác minh, xử lý là đúng quy định của pháp luật. Và việc linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam yêu cầu trả lại số áo trên là hết sức vô lý.
Bên cạnh đó, trong video clip mà các đối tượng đăng tải từ hiện trường, linh mục Nguyễn Đình Thục cố tình vu cáo lực lượng Công an “thu giữ đồ trái phép và đánh đập người trái pháp luật”. Để làm rõ vấn đề, lãnh đạo Công an huyện đã yêu cầu các linh mục và bà con ngay trong tối 24/4 làm bản tường trình và sáng 25/4, mời đại diện và 2 người trực tiếp vận chuyển áo phông mà linh mục cho rằng bị Công an đánh và cướp áo lên trụ sở Công an huyện Quỳnh Lưu để làm việc và cung cấp thêm thông tin. Nhưng cho đến tận hôm nay (11 giờ ngày 27/4), vẫn không có một ai lên Công an huyện để làm rõ vụ việc, mặc dù ngày 26/4, Công an huyện đã gửi giấy mời. Nếu ngay thẳng, đường đường chính chính, tại sao những người liên quan lại không cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để xử lí? Và nếu nghĩ đến quyền lợi trăm dân, nghĩ về lời dạy của Chúa về lòng yêu thương, tại sao ngay từ đầu, linh mục Thục cùng đại diện giáo xứ Song Ngọc không trao đổi, tìm hướng giải quyết phù hợp, an toàn. Thay vào đó là kéo hàng trăm người bỏ cả công việc làm ăn để lên tập trung ở Quốc lộ 1?
Quốc có quốc pháp, và không có ai là ngoại lệ. Bất cứ công dân sinh sống trên lãnh thổ, quốc gia nào cũng phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nước đó quy định. Đó là cơ sở để đảm bảo sự bình đẳng, an toàn và trật tự để đất nước phát triển, là điều kiện tiên quyết để công dân thực hiện trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi của mỗi cá nhân. Nhưng hình như, một số linh mục cực đoan đã muốn đứng ngoài điều đó? Họ không biết hay cố tình không muốn thực thi?
Qua sự việc trên có thể thấy, cơ quan chức năng đã rất cầu thị, chủ động để giải quyết tình hình, với mong muốn tạo sự yên ổn và an toàn để bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trái với tinh thần trách nhiệm đó, một số linh mục và đối tượng trên địa bàn lại luôn có ý định tạo cớ để làm phức tạp thêm tình hình. Pháp luật luôn nghiêm minh, ai vi phạm sẽ bị nghiêm trị. Mọi đòi hỏi vô lý và âm mưu đen tối, sớm muộn cũng sẽ bị lật tẩy và thất bại… Và cũng như mọi lần, chỉ mong chúa gia hộ cho bà con giáo dân sự tỉnh táo, lương thiện để nhìn rõ đúng sai, thiện ác, để mãi mãi trung thành với dân tộc, quê hương, đất nước Việt Nam.
(Còn nữa)