>>Bài 1: Cố ý làm phức tạp tình hình
>>Bài 3: Âm mưu đen tối đằng sau sự việc
>>Bài 4: Những điều tốt đẹp quanh ta
(Congannghean.vn)-Sự việc linh mục Nguyễn Đình Thục, Quản xứ Song Ngọc - Quỳnh Lưu kích động giáo dân đi vào Hà Tĩnh khởi kiện Công ty Formosa vào ngày 14/2 vừa qua đã gây mất an ninh trật tự (ANTT), ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sản xuất của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật. Đồng thời còn đi ngược đường hướng, giáo lý, giáo luật của đạo Thiên chúa, trái với chức trách, bổn phận của một chức sắc tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Giáo hội Công giáo Việt Nam, khiến những tín đồ chân chính không khỏi chạnh lòng. Điều đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, một số đối tượng đã xuyên tạc, nói sai sự thật về sự việc với ý đồ làm phức tạp thêm tình hình.
Vậy đâu là bản chất vụ việc và ai là người đứng sau chuỗi hoạt động trên? Báo Công an Nghệ An xin giới thiệu đến bạn đọc toàn bộ nội dung liên quan, để mọi người có cái nhìn khách quan và chân thực nhất về những sự việc đã xảy ra.
Bài 2: Sự thật vẫn luôn là sự thật
Trong rất nhiều bài giảng đạo và ngay cả trong quá trình tổ chức cho một số bà con giáo dân giáo xứ Song Ngọc đi khởi kiện Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, linh mục Nguyễn Đình Thục luôn cho rằng chính quyền đã cố tình bưng bít sự thật, che đậy chân lý. Tuy nhiên, những “sự thật khác” mà một bộ phận bà con giáo dân hình như vẫn chưa nhận ra?
Thứ nhất, linh mục Nguyễn Đình Thục và các đối tượng phản động cho rằng chính quyền “che giấu thông tin” về sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung. Chiêu bài này vẫn được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian qua. Vậy, theo linh mục Thục, sự thật ở đây là gì? Và chính xác, ở đây, ai đang bưng bít sự thật?
Như chúng ta đã biết, ngay sau khi có thông tin về sự cố môi trường Formosa, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã ráo riết chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý. Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường và cam kết bồi thường 11.500 tỉ đồng, cùng với nhiều hỗ trợ về công ăn việc làm, đời sống xã hội khác cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng.
Sau khi bị kích động, nhiều đối tượng quá khích ném đá vào lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT |
Với nhận thức sâu sắc về thiệt hại của người dân 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai khẩn trương và đồng bộ các giải pháp bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, sát thực tế. Quá trình này diễn ra dưới sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí.
Đồng thời, thường xuyên giám sát và yêu cầu Công ty Formosa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm đã cam kết; triển khai việc xử lý và phục hồi môi trường biển bị ô nhiễm; tập trung phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương vừa ban hành thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 11 của Ủy ban từ ngày 15 - 17/2/2017. Theo đó, UBKT Trung ương đã xem xét và xác định rõ trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh đối với dự án Formosa. Điều đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tập trung khắc phục sự cố môi trường xảy ra tại Hà Tĩnh cũng như sự cương quyết của lãnh đạo Trung ương trong việc làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, trong khi các cấp, các ngành và ngư dân đang từng bước nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục bám biển vươn khơi, ổn định cuộc sống, thì ngược lại, linh mục Thục lại không vận động bà con chăm lo làm ăn mà lại có những hành vi kích động, xúi dục.
Người linh mục hơn giáo dân về khía cạnh tri thức, vì linh mục được đào tạo rất bài bản, chu đáo, đầy đủ, có nhiều điều kiện tiếp xúc với những nguồn tài liệu mới, được cập nhật thường xuyên về “đạo” cũng như về “đời”. Lẽ ra, với vai trò của một người “chủ chăn”, linh mục Thục phải vận động người dân tu sửa ngư cụ, vá lành tấm lưới để ra khơi mang về những khoang thuyền ăm ắp cá tôm. Lẽ ra, linh mục Thục phải dẫn các con chiên của Chúa đi trên đường yêu thương như lời Thánh Gioan: “Thiên chúa là tình yêu”, chứ không phải là sự đòi hỏi đến thù hằn. Lẽ ra, linh mục Thục phải rao dạy về Thiên chúa yêu thương cho các giáo dân trong một nhà thờ lung linh ánh nến ấm áp, chứ không phải co ro giữa đêm lạnh ở từng góc sân, mái hiên để đeo đuổi một cái cớ do mình đặt ra.
Bổn phận đầu tiên của người giáo dân mà Thánh Phaolô khuyên là: ”Hãy thánh hoá bản thân”. Nghĩa là mỗi giáo dân (giáo viên, công nhân, bác sĩ, ngư dân, học sinh…) phải hoàn tất bổn phận của mình. Là giáo viên thì phải lên lớp đúng giờ, dạy tận tâm, yêu mến, quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh. Là người công nhân thì phải làm việc tận tình, sản xuất ra sản phẩm đúng chất lượng. Là học sinh, phải vâng lời cha mẹ, thầy cô, học hành chăm chỉ, chuyên cần đến nghe và học Lời Chúa. Là ngư dân, phải chăm chỉ trong những chuyến ra khơi để đánh bắt nhiều cá tôm, giúp cho đời sống vật chất được cải thiện... Từ đó, mỗi giáo dân góp phần xây dựng xã hội bằng cách sống bác ái, chia sẻ vật chất cho người đói khổ để mọi nơi được thấm nhuần tinh thần của Chúa.
Thế mà, linh mục Thục đã dẫn một số giáo dân lạc lối bằng sự kích động đến gây rối. Kết cục là nhiều giáo dân đã tự đánh mất đi sự thánh thiện trong mình bằng những “trận mưa đá” vào lực lượng chức năng; bằng những lời miệt thị đến cay nghiệt; bằng mồ hôi, nước mắt và những thiệt hại kinh tế không thể đo đếm khi hàng trăm con tàu không ra khơi… Sự thật là, linh mục Thục đã khiến các giáo dân không thể “thánh hóa bản thân” bằng bác ái, yêu thương…
Xe ôtô của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt đang làm nhiệm vụ bị các đối tượng quá khích ném hỏng |
Thứ hai, các đối tượng phản động vu khống cho rằng, Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiến pháp và các cam kết quốc tế về nhân quyền đã ký. Đây là sự xuyên tạc trắng trợn nhằm phá hoại khối đoàn kết lương giáo.
Như chúng ta đã biết, hệ thống chính trị nào cũng cần hệ thống pháp luật để duy trì sự ổn định xã hội, điều hành đất nước. Mỗi tôn giáo cũng có giáo lý và giáo luật để mỗi tín đồ tuân theo nhằm xây dựng giáo hội ngày càng ổn định. Đó là quy luật. Trên thế giới, người dân quốc gia nào cũng sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Cho dù đó là người Công giáo hay Phật giáo hoặc không theo giáo phái nào thì cũng phải tuân theo pháp luật. Không có ngoại lệ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị nghiêm trị.
Tại Việt Nam, việc khiếu kiện, khiếu nại được quy định trong Luật Khiếu nại ban hành năm 2011. Luật do Quốc hội thông qua. Trong Quốc hội có đại biểu quốc hội là linh mục - đại diện cho cộng đồng giáo dân Việt Nam. Chuyện một số giáo dân khiếu kiện Formosa để đòi quyền lợi đều phải tuân theo các quy định của luật. Và sự thực, nhiều giáo dân được truyền đạt rằng việc tụ tập đông người, gây sức ép lên chính quyền là một cách để kiện. Thế nhưng, Khoản 6, Điều 6, Luật Khiếu nại quy định: “Cấm kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.” Và Khoản 7, Điều 6 luật này cũng quy định: “Cấm lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, người thi hành nhiệm vụ, công vụ khác”.
Sự thật, nhiều giáo dân giáo xứ Song Ngọc đã bị lôi kéo, kích động, dẫn đến tấn công lực lượng chức năng, vi phạm pháp luật.
Thứ ba, các đối tượng phản động vu khống rằng, chính quyền tỉnh Nghệ An tấn công linh mục Nguyễn Đình Thục và các giáo dân giáo xứ Song Ngọc tham gia khiếu kiện vào ngày 14/2/2017. Đây là sự bịa đặt trắng trợn. Rõ ràng, trong nhiều video clip trên mạng đã ghi lại những trận “mưa đá” của các đối tượng quá khích ném vào lực lượng chức năng. Xe Cảnh sát Giao thông bị phá hỏng. Hàng chục chiến sỹ Công an bị thương phải điều trị tại bệnh viện. Quốc lộ 1A trở thành một bãi gạch vụn gây cản trở giao thông. Và chính từng chiến sỹ CSGT phải trực tiếp gom gạch đá để giành lối cho phương tiện qua lại.
Trong lúc đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lực lượng chức năng đã rất kiềm chế và kiên nhẫn. Bởi, trong số nhiều người tấn công kia, chỉ một vài đối tượng phản động; còn lại hầu hết người dân bị kích động dẫn đến quá khích. Bất chấp nỗ lực của lực lượng chức năng, đám đông được kêu gọi cố tình tràn ra Quốc lộ, đi thành hàng 3, hàng 4 gây lộn xộn. Nhiều đối tượng lợi dụng tính năng truyền trực tiếp của các mạng xã hội để phát tán hình ảnh với lời bình xuyên tạc sự thật; nhiều video clip trên mạng còn có cả những lời vô văn hóa, đi ngược với bản tính hiền lành của hầu hết bộ phận giáo dân...
Sự thật là các đối tượng phản động đã làm phức tạp thêm tình hình, từ đó, lợi dụng mạng xã hội để phát tán nhằm gây sự hiểu nhầm của một số tổ chức chính trị xã hội trên thế giới; làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Tất nhiên, đây là sự chuẩn bị từ trước của chúng. Thậm chí, có thể có sự móc nối trong một bộ phận quản lý giáo xứ Song Ngọc để tạo ồn ào, gây sự chú ý của các tổ chức nhân quyền trên thế giới.
Và sự thật, sau khi đã đạt được mục đích gây rối, chúng đã bỏ mặc giáo dân lầm lũi trở về bên mảnh lưới rách chưa kịp vá và những con thuyền im lìm neo trên bến vì đàn cá đã đi qua…
>>Bài 1: Cố ý làm phức tạp tình hình
>>Bài 3: Âm mưu đen tối đằng sau sự việc
>>Bài 4: Những điều tốt đẹp quanh ta