Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục giải quyết những “nút thắt”, đi tiên phong trong chuyển đổi số nhằm rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày 27/1, ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có bài tham luận “Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục giải quyết những “nút thắt”, đi tiên phong trong chuyển đổi số nhằm rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đầu tư cho giáo dục ở trung bình nhưng chất lượng giáo dục cao
Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam đạt 0.69, đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển. Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.
Kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN.
Trong 6 nước tham gia đánh giá năm 2019 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines), học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát, gồm Đọc hiểu, Viết, Toán học. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương vàng trong giai đoạn 2016-2020. Đây là con số đáng kể so với 27 huy chương vàng trong giai đoạn 2011-2015. Nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII |
Đặc biệt, trong 5 năm qua, nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.
Bên cạnh đó, nước ta cũng duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó, 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh). Cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore). Đây cũng là điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các nước và tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, WB, UNDP đánh giá cao.
Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học. Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Mô hình quản trị đại học đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong mọi mặt hoạt động.
Rút ngắn quá trình đổi mới bằng chuyển đổi số
Bên cạnh những thành tích ngành giáo dục đạt được sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn đề cập đến các hạn chế, bất cập, trong đó có tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội. Do vậy, thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trong ngành, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp, trong đó khuyến khích phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở những nơi có điều kiện.
Thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực và tiếp cận quốc tế. Xây dựng cơ chế đặt hàng với các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng, bảo đảm việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng và phát huy vai trò của các giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ ở trong và ngoài nước đến làm việc, tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.
Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cho rằng, ngành giáo dục xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chất lượng học sinh tiểu học Việt Nam được đánh giá đứng top đầu các nước ASEAN |
Trong thời gian tới, toàn ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa; Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên và học sinh.
.