(Congannghean.vn)-Trên dải đất hình chữ S mến yêu, chiến tranh - không chỉ được đánh đổi bằng khúc khải hoàn ca cất lên mừng ngày Bắc - Nam sum họp, mà đó còn là nỗi đau, sự mất mát không gì có thể bù đắp và cũng chẳng thể diễn tả bằng lời. Bởi thế mà, trong tâm khảm của những người cựu binh ấy luôn day dứt, khắc khoải vì nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Tiếng gọi từ trái tim thôi thúc, họ đã tình nguyện lên đường tìm và đưa hài cốt đồng đội trở về với đất mẹ thân thương…
Đón anh về…
Giây phút hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời trở về quê nhà yêu dấu |
Mặc dù đã gần 1 năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1957) trú tại xóm 21, xã Nghi Phú, TP Vinh vẫn nhớ như in cái ngày gia đình được đón người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Thời (SN 1952) trở về quê hương sau gần nửa thế kỷ xa cách. Niềm hạnh phúc, xúc động vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào bởi giờ đây, sau một hành trình dài với bao khó khăn, vất vả, được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng, đặc biệt là tấm chân tình của những người lính cụ Hồ, bà đã thực hiện được tâm nguyện vốn đau đáu suốt hơn nửa cuộc đời.
Tháng 5/1971 - thời điểm khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang ở giai đoạn cao trào, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Nguyễn Văn Thời lúc ấy vừa tròn 19 tuổi đã lên đường nhập ngũ, phiên chế vào đơn vị C1, D19, F320 mặt trận B3, Quân khu 5. Trong chiến dịch Xuân Hè 1972, đơn vị được lệnh đánh chiếm cao điểm 1049 (xã Hờ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Đây là 1 trong 2 cao điểm của Mỹ Ngụy ở Tây Nguyên do 2 tiểu đoàn dù thuộc Lữ đoàn Dù 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa án ngữ nhằm tạo thành tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô. Trong khi quân ta làm chủ được cao điểm 1015, tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch thì cuộc chiến giành cao điểm 1049 chưa giành được thắng lợi.
Từ nửa cuối tháng 4/1972, với sự chi viện thêm lực lượng, các đơn vị thuộc Sư đoàn 320 đã tấn công dồn dập vào cao điểm 1049. Trong trận đấu mở màn của giai đoạn 2, đồng chí Thời và 2 đồng chí khác trúng một quả đạn pháo của địch đã hy sinh. Đến đêm, lực lượng ta tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn Dù 2 của địch và các lực lượng đến ứng cứu, hoàn toàn làm chủ được cao điểm 1049 và các cao điểm lân cận. Hai cao điểm 1015, 1049 bị chiếm lĩnh, phòng tuyến phía Tây sông Pô Kô bị phá vỡ, quân giải phóng vượt sông tiến về Đak Tô, Tân Cảnh ngày 24/4/1972, làm chủ một vùng tương đối rộng, đồng thời khiến cho lực lượng phòng ngự của địch ở TX Kon Tum hoang mang, lo sợ. Đến năm 1976, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời đã được tìm kiếm, cất bốc và quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum.
Chiến tranh kết thúc, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thời không có điều kiện đi tìm kiếm, cất bốc hài cốt anh về quê. Trong 2 năm 1999 và 2001, bà Liễu đi tìm anh trai nhưng không thấy. Đến năm 2005, lần theo giấy báo tử và danh sách các liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang ở Tây Nguyên, gia đình mới tìm thấy phần mộ của liệt sĩ Thời tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kon Tum. Từ đó trở đi, hàng năm, bà Liễu đều đặn vượt quãng đường cách trở để vào hương khói cho anh trai. Thấu hiểu tâm tư của vợ không thể an lòng khi người anh trai vẫn phải nằm lại nơi chiến trường xa xôi, ông Nguyễn Văn Tợi, nguyên là chiến sĩ đặc công chiến trường Trị - Thiên đã đặt vấn đề với Ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công TP Vinh nhờ giúp đỡ.
Nhận được lời đề nghị của ông Tợi, kế hoạch vào Tây Nguyên cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời về quê hương đất mẹ nhanh chóng được các thành viên trong Ban liên lạc bàn bạc và thống nhất. Cuối tháng 6/2019, 3 đồng chí trong Ban liên lạc chiến sĩ đặc công TP Vinh cùng bà Liễu lên đường vào Tây Nguyên và thực hiện việc cất bốc hài cốt theo đúng quy định. Ngay trong đêm, vượt gần 1.000 km với cung đường quanh co, uốn lượn để đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời trở về. Vậy là, sau gần nửa thế kỷ xa cách, anh đã được về với đất mẹ trong vòng tay yêu thương của gia đình, người thân ngày đêm mong ngóng, đợi chờ…
Sống là để trả nghĩa ân tình
Ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công TP Vinh bàn bạc kế hoạch đưa hài cốt đồng đội trở về quê hương |
Tôi may mắn được ông Trần Văn Hoằng, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công TP Vinh cho xem trọn thước phim về hành trình vào Tây Nguyên di dời hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Thời về quê hương. Thước phim dài hơn 30 phút được quay lại bởi chính 1 thành viên trong Ban liên lạc - dù có lúc chưa thật sự rõ nét nhưng đã khiến tôi nấc lên nghẹn ngào. Cho đến bây giờ, trong tâm trí tôi vẫn hiện lên rất rõ hình ảnh hài cốt của liệt sĩ Thời được đồng đội nâng niu, trang trọng đặt trong lá cờ Tổ quốc một cách thiêng liêng nhất, đẹp đẽ nhất. Giây phút ấy, những người lính cụ Hồ một thời anh dũng xông pha trận mạc cũng không thể kìm nổi nước mắt - giọt nước mắt hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời…
Ông Trần Văn Hoằng cho biết, năm 1997, Ban liên lạc Cựu chiến binh đặc công TP Vinh được thành lập gồm 60 đồng chí, quá nửa trong số đó là thương binh và có 12 gia đình liệt sĩ. Thời kỳ đầu mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn do nguồn kinh phí eo hẹp, tuy nhiên công tác chính sách đối với đồng chí, đồng đội và thân nhân liệt sĩ luôn được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, nhiệm vụ đi tìm và di dời hài cốt liệt sĩ về quê hương luôn được những người cựu binh xem là mệnh lệnh từ trái tim của người lính. Từ khi thành lập đến nay, Ban liên lạc đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, cất bốc được 5 hài cốt đồng đội hy sinh ở cao điểm thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đưa về quê hương hay quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ. Bệnh cạnh đó, bằng uy tín và mối quan hệ cá nhân, các thành viên trong Ban liên lạc đã kêu gọi nguồn đóng góp, tài trợ từ các “mạnh thường quân” để hỗ trợ đồng chí, đồng đội trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Có thể, sự giúp đỡ không lớn về vật chất nhưng tấm chân tình đẹp đẽ ấy thực sự đã làm ấm lòng những người cựu binh hôm nay.
Trong cuộc trò chuyện vào một buổi chiều muộn, tôi nhớ mãi lời chia sẻ của ông Trần Văn Hoằng: “Những người cựu binh được trở về sau chiến tranh, dù còn lành lặn hay không - đó là một sự may mắn kỳ diệu. Đã bao thập kỷ trôi qua nhưng chưa bao giờ chúng tôi thôi khắc khoải, day dứt vì nhiều đồng đội của mình vẫn còn nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm. Trong mỗi giấc ngủ chập chờn, hình ảnh đồng đội lại hiện về khiến trái tim như có ai đó bóp nghẹt, đau nhức. Chúng tôi hứa rằng, bất cứ gia đình thân nhân nào cần sự hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chỉ cần bản thân vẫn còn đủ sức khỏe thì không bao giờ ngần ngại lên đường. Bởi, với chúng tôi - đó là cách để người lính sống trọn vẹn nghĩa tình với đồng đội”. Còn tôi, khi được nghe lời tâm sự hết sức xúc động của ông đã cố tìm một lời giải cho thứ tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ đó. Và rồi, tôi cũng chỉ tìm được đáp án duy nhất: Đơn giản, bởi họ là những người lính cụ Hồ rực sáng trái tim Việt Nam…
.