Thứ Năm, 30/04/2020, 07:47 [GMT+7]

Ký ức giải phóng miền Nam của chàng sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận

(Congannghean.vn)-Đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học Vinh, theo lệnh tổng động viên, chàng sinh viên Hoàng Khắc Huệ “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của ông là đơn vị bộ binh đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập. Tròn 45 năm, ký ức hào hùng về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên, tươi mới như ngày hôm qua.

Sau 45 năm, Trung tá Hoàng Khắc Huệ vẫn nhớ như in thời khắc tiến về Sài Gòn
Sau 45 năm, Trung tá Hoàng Khắc Huệ vẫn nhớ như in thời khắc tiến về Sài Gòn
Xếp bút nghiên trở thành chiến sĩ 
 
Theo lời giới thiệu của cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, chúng tôi tìm gặp nhà giáo quân đội - Trung tá Hoàng Khắc Huệ (SN 1949), nguyên Trưởng khoa Văn hóa, Trường Quân sự Quân đoàn 2 - một trong những nhân chứng lịch sử ngày 30/4/1975. Ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Kim Đồng, phường Hưng Bình, TP Vinh. Đón chúng tôi là người đàn ông trung niên với mái tóc điểm bạc, dáng cao gầy cùng nụ cười hiền hậu. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ người đàn ông này đã kinh qua những năm tháng trận mạc đầy khốc liệt. Bên ấm trà xanh ấm nóng, ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về chiến dịch Hồ Chí Minh, về thời khắc lịch sử ông cùng đoàn quân tiến vào dinh Độc Lập, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối với cảm xúc đầy tự hào. 
 
Mùa hè năm 1971, chàng sinh viên năm thứ ba, khoa Toán, Trường Đại học Vinh Hoàng Khắc Huệ đang nghỉ hè tại quê nhà ở Thanh Chương thì nhận được điện ra khám tuyển quân sự để nhập ngũ. Ngày ấy, theo lệnh tổng động viên, hàng nghìn sinh viên các trường đại học lên đường nhập ngũ, bổ sung cho chiến trường miền Nam. Trường Đại học Vinh lúc bấy giờ có khoảng 200 sinh viên tạm xa mái trường, xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc.
 
Rời giảng đường, những sinh viên trở thành chiến sĩ, bước vào cuộc chiến với hừng hực khí thế. “Đó là vào sáng 13/8/1971, tôi nhận được điện ngay ngày hôm sau phải có mặt để khám tuyển nghĩa vụ quân sự gấp. Khi đó, cha tôi đang đi làm, nhà chỉ còn mẹ. Tôi chỉ kịp thông báo tình hình cho mẹ rồi thu xếp hành lý, ăn vội bát cơm rồi đi cho kịp giờ. Trước khi đi, mẹ tôi khóc nhiều lắm. Bà văn một ít tiền trong tay rồi đưa cho tôi nhưng tôi nhất quyết không lấy. Thương mẹ, tôi hứa với mẹ: “Mẹ yên tâm, con sẽ trở về”. Thật ra lúc đó, tôi cũng chỉ nói cho mẹ khỏi lo lắng, chứ ra chiến trường không ai nói trước được điều gì, may mắn thì lành lặn, sống sót trở về, không thì vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mình thật may mắn hơn rất nhiều đồng đội”, Trung tá Hoàng Khắc Huệ bồi hồi nhớ lại.
 
Nhận được tin con trai lên đường nhập ngũ, dẫu biết vì nhiệm vụ giải phóng đất nước, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc nhưng thẳm sâu trong trái tim người mẹ là những lo lắng, bởi con trai đầu của bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Để động viên mẹ, chàng trai trẻ từ biệt với lời hứa đất nước thống nhất “con sẽ trở về”, để rồi lời hứa đó đã tiếp thêm sức mạnh cho người lính mỗi khi bước vào trận chiến, là hy vọng về ngày giải phóng, thống nhất đất nước đến gần. 
 
Chia tay mẹ già, chàng trai trẻ rời căn nhà, ngôi làng yêu dấu đi bộ sang Đô Lương rồi bắt xe ra đơn vị bộ đội ở Quỳnh Lưu. Sau khi khám tuyển, ông trải qua quãng thời gian huấn luyện tân binh 1,5 tháng. Hoàn thành khóa huấn luyện, ông theo học hạ sỹ quan 3 tháng tại Đoàn 22A, Quân khu 4. Với thành tích huấn luyện tốt và năng khiếu sư phạm, sau khi hoàn thành khóa học trở về đơn vị, người lính trẻ Hoàng Khắc Huệ được tin tưởng giao nhiệm vụ huấn luyện tân binh tại Đại đội 17, Tiểu đoàn 5, Đoàn 22A. Tháng 6/1972, ông nhận lệnh vào miền Nam tham gia chiến đấu tại Quảng Trị. Sau nửa năm lăn lộn trên chiến trường, cuối năm 1972, ông được cử đi học sĩ quan Lục quân tại Trường Lục quân 1 (đóng ở Hà Tây). Sau một năm đào tạo, ông trở lại đơn vị E66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
 
Sau khi hoàn thành khóa học sĩ quan lục quân, năm 1974, ông quay trở về đơn vị. Lúc này E66, Sư đoàn 304 đang đóng quân Đại Lộc, TP Đà Nẵng chuẩn bị cho nhiệm vụ đánh cứ điểm tại Thượng Đức (Quảng Nam). Sau khi giải phóng thành công quận lỵ Thượng Đức, tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch, mở toang cánh cửa tiến vào Đà Nẵng, bộ đội ta thừa thắng xông lên, hành quân như vũ bão theo hướng Quốc lộ tiến về giải phóng Đà Nẵng. Trước những diễn biến mau lẹ có lợi cho ta, Quân đội ta tổng tiến công đánh chiếm Đà Nẵng theo 4 hướng, tiêu diệt quân địch co cụm tại đây. Đà Nẵng giải phóng làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược giải phóng miền Nam. 
 
Trung tá Hoàng Khắc Huệ nhớ lại: “Sau khi giải phóng Đà Nẵng cũng là lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra bức điện kêu gọi toàn quân “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần các chiến sĩ trên chiến trường trong thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến. 
 
Từ Đà Nẵng, Trung đoàn E66 tiếp tục di chuyển theo bản đồ, thẳng hướng đường 1, với tâm thế dồn tất cả cho trận đánh lớn, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn quân rầm rập, khí thế thần tốc đánh đến đâu, thắng đến đó, lần lượt giải phóng Hàm Tân, giải phóng Ninh Thuận khiến quân địch khiếp sợ, co cụm, lính Cộng hòa cởi bỏ quân phục, súng tháo chạy. “Chúng tôi di chuyển liên tục, ngày chia nhau từng miếng lương khô, hành quân xuyên đêm. Có những lúc quên cả ăn, ấy thế mà khí thế vẫn hừng hực, hành quân như vũ bão. Sau khi giải phóng Ninh Thuận, quân địch vẫn huênh hoang cho rằng từ đây vào Sài Gòn phải mất cả tháng trời. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 2 ngày, bộ đội ta đã có mặt tại Sài Gòn. Dọc đường hành quân, bộ đội ta vận động đồng bào huy động phương tiện tại chỗ bằng mọi cách tiến về Sài Gòn trong thời gian sớm nhất”, Trung tá Hoàng Khắc Huệ cho biết. 
Trung tá Hoàng Khắc Huệ trao đổi với phóng viên
Trung tá Hoàng Khắc Huệ trao đổi với phóng viên
Vẹn nguyên ký ức ngày 30/4 lịch sử
 
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn, Trung đoàn 66 do Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Xuân Thệ làm Trung đoàn phó (khi đó là Đại úy) đảm nhiệm lực lượng thọc sâu, cơ động tiến về nội đô Sài Gòn. Khi đó Thiếu úy Hoàng Khắc Huệ giữ vị trí trợ lý tác chiến. Ông Hoàng Khắc Huệ kể về trận đánh cuối cùng: “Có mặt tại Sài Gòn, E66 nhận nhiệm vụ đánh chiếm cầu Sa Lộ. Bên kia cầu, quân địch chủ trương giật sập cầu, đoàn quân ta nhanh chóng bố trí các chiến sĩ dàn trận quyết liệt tấn công với Tiểu đoàn Hải quân ngụy bảo vệ cầu. Trước đòn tấn công chớp nhoáng và quyết liệt của quân ta, quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn, mở đường tiến vào dinh Độc Lập”.
 
Đến cổng dinh Độc Lập, 2 chiếc xe tăng do đồng chí Bùi Quang Thuận dẫn đầu húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, chiếc xe Jeep của Đại úy Phạm Xuân Thệ tiến vào, Trung đoàn E66 đi ngay sau xe của Đại úy Thệ. Đơn vị của đồng chí Hoàng Khắc Huệ là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập. Vị trợ lý tác chiến năm nào nhớ như in hình ảnh Đại úy Thệ dẫn giải Tổng thống Dương Văn Minh xuống đầu hàng vô điều kiện, lá cờ cách mạng tung bay trên dinh Độc Lập báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Với ông, có mặt tại dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Tròn 45 năm, những ký ức hào hùng về ngày 30/4 lịch sử vẫn tươi mới, vẹn nguyên như ngày hôm qua khiến ông không giấu được sự xúc động. 
 
Miền Nam giải phóng, người lính trẻ giữ trọn lời hứa với mẹ già. Với ông, đó là một ân huệ, bởi có rất nhiều đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. Hòa bình lập lại, mãi đến năm 1980, ông được đơn vị tạo điều kiện trở lại Trường Đại học Vinh để hoàn thành chương trình học còn dang dở. Sau khi học xong, ông trở về làm Trưởng ban Tham mưu, huấn luyện, Trường Văn hóa Quân đoàn 2. Đến năm 1986, trường giải tán, ông được phân công làm Trưởng khoa Giáo viên văn hóa, Trường Quân sự Quân đoàn 2 cho đến khi nghỉ hưu. Trở về đời thường, ông đã có 16 năm làm việc, cống hiến cho địa phương trên cương vị là Bí thư Chi bộ khối Tân Tiến, phường Hưng Bình. 
.

Huyền Thương

.