Thứ Tư, 29/04/2020, 09:37 [GMT+7]
kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020)

Lưu truyền đại thắng, viết tiếp tương lai

(Congannghean.vn)-Chiến tranh đã lùi xa cách đây 45 năm, thế nhưng, đối với mỗi người dân đất Việt thì ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Tự hào và hãnh diện với những chiến công chói lọi mà các thế hệ cha anh đi trước đã đổ bao xương máu và mồ hôi để có được, tuổi trẻ hôm nay tiếp bước viết nên trang sử hào hùng của dân tộc...
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng quân giải phóng  húc đổ cổng của Dinh Tổng thống Ngụy
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng của Dinh Tổng thống Ngụy
Đại thắng mùa Xuân 1975
 
10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập, giây phút lịch sử ấy đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là niềm tự hào và kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, là mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc. Chiến thắng vĩ đại ấy đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược, xóa bỏ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
Đó là kết quả của sự tích lũy và trải nghiệm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự hy sinh to lớn của cả dân tộc, cả thế hệ, của sức mạnh tổng hợp và tổng lực của toàn dân, toàn quân ta.
Cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh lần giở lại  những trang nhật ký chiến trường
Cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh lần giở lại những trang nhật ký chiến trường
Kỷ vật thời hoa lửa
 
Đang học dở lớp 10, chàng thanh niên làng Yên Hạ, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên - Hồ Trọng Thanh quyết định “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu. Nhập ngũ năm 1972 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, khi đồng đội đã chìm vào giấc ngủ, ông Thanh lại mắc võng, kê đầu gối ngồi viết những dòng nhật ký. 45 năm trôi qua, cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh nay tròn 66 tuổi, cuốn nhật ký dù nhuốm màu thời gian, nhưng với ông đó là một thứ vô giá. 
 
“Cuốn nhật ký từng được Bảo tàng Quân khu 4 tiếp nhận, nhưng với bản thân tôi cuốn nhật ký như tiếng lòng của mình, ở đó, tôi ghi lại những kỷ niệm trải qua trong cuộc đời người lính, mỗi nơi tôi hành quân qua, mỗi cuộc chiến với khí thế hào hùng và oanh liệt nên tôi xin được giữ lại cho bản thân mình”, cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh chia sẻ.
 
Những năm tháng chiến tranh, ông Hồ Trọng Thanh viết đến 3 cuốn nhật ký. Nhưng tiếc rằng, khi gửi lại hậu cứ để hành quân đánh giặc, 2 cuốn bị thất lạc, giờ chỉ còn 1 cuốn ghi lại chặng đường tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thời điểm bắt đầu viết cuốn nhật ký vào ngày 8/4/1975 và trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 21/4/1975, theo binh đoàn thần tốc nên ông không thể viết tiếp dòng nhật ký.  
 
Cùng với cuốn nhật ký chiến trường, cựu chiến binh Hồ Trọng Thanh còn giữ những kỷ vật lưu dấu niềm vui trong ngày toàn thắng. Đó là cuốn sổ ghi chép - chiến lợi phẩm thu được tại Phủ Tổng ủy công vụ của chế độ Việt Nam cộng hòa khi ông cùng đơn vị tiến vào đánh chiếm trưa 30/4; là bức ảnh chụp cùng đồng đội trên chiếc xe máy của địch bỏ lại lúc tháo chạy khỏi Sài Gòn và đặc biệt, sau ngày toàn thắng, với tâm hồn thăng hoa, ông đã cho ra đời bài  thơ “Tiến về Sài Gòn” với những câu thơ tái hiện lại không khí hào hùng của dân tộc...
 
Tại thị trấn huyện Đô Lương, cựu chiến binh Trần Ánh Yên (72 tuổi) được mọi người gọi với cái tên thân thương: Người lưu giữ “Bảo tàng miền Đông Nam Bộ”. Không thể đếm được có bao nhiêu kỷ vật nhưng nhìn những chiếc radio, biđông, chiếc đèn pin dò bản đồ ban đêm, chiếc balô của đồng đội để lại..., cựu chiến binh Trần Ánh Yên lại nhớ tới chiến trường miền Đông Nam Bộ - nơi ấy, một thời hào hùng của dân tộc mà ông đã đi qua, nơi ông chứng kiến biết bao đồng đội đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. 
 
Trước đây, khi còn có sức khỏe, ông lại gom góp tiền vào chiến trường xưa tìm lại những kỷ vật. Đó là chiếc lược nhôm thu được từ chiến lợi phẩm của quân thù, là ống nhòm, đồng hồ pháo binh hay đơn giản chỉ là chiếc bật lửa, chiếc đài của chính trị viên... Tất cả được ông nâng niu, gìn giữ. “Mỗi kỷ vật đều gắn liền với những kỷ niệm nơi chiến trường. Tôi cóp nhặt, giữ lại những kỷ vật này cũng là để luôn nhớ đến một thời oanh liệt mà hào hùng của những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và cũng để con cháu của mình sau này hiểu rõ hơn những gì mà thế hệ cha ông đã đổ bao xương máu mới có ngày hôm nay”, cựu chiến binh Trần Ánh Yên bộc bạch. 
 
Cũng đã gần 20 năm qua, thấu hiểu nỗi đau mà những người thân ở quê nhà khi biết con em họ vĩnh viễn không trở về, cựu chiến binh Trần Ánh Yên đã không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội đi khắp chiến trường, các nghĩa trang nơi đồng đội mình nằm lại để ghi địa chỉ, tên tuổi của các liệt sĩ. Đến nay, ông đã sưu tập được tên tuổi, quê quán của hơn 1.000 liệt sĩ Trung đoàn 271, Sư đoàn 302 hy sinh từ năm 1972 đến năm 1977. Trả lại tên cho đồng đội - nghĩa cử cao đẹp ấy đã là một sự hy sinh thầm lặng...
Tuổi trẻ Nghệ An viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc (Trong ảnh: Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trẻ trước giờ vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo))
Tuổi trẻ Nghệ An viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc (Trong ảnh: Tỉnh đoàn Nghệ An trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trẻ trước giờ vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo))
Viết tiếp tương lai
 
Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thế hệ trẻ hôm nay lại bồi hồi, xúc động lẫn tự hào trước trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn xúc động viết: “45 năm qua đi, chiến tranh cũng đã lùi vào quá khứ, nhưng hình ảnh của những người anh hùng đã chiến đấu và hy sinh, làm nên mùa xuân cho Tổ quốc sẽ mãi lưu lại trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay với tất cả niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải nỗ lực hết mình, ra sức học tập và rèn luyện, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, sức trẻ, lòng nhiệt huyết để gìn giữ những thành quả cách mạng vĩ đại đó và tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước, tô thắm non sông Việt Nam”.
 
Là một giáo viên, khi đi sâu tìm hiểu các tác phẩm lịch sử hay những lần trải nghiệm từ câu chuyện thực tế của các cựu chiến binh, cô Phạm Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Tôn Quang Phiệt, huyện Thanh Chương cảm thấy thấm thía và đau đớn trước những mất mát, tổn thất của dân tộc để có ngày chiến thắng 30/4/1975. “Ngày thống nhất hai miền Nam - Bắc của người Việt chất chứa bao nỗi niềm. Đó là niềm kiêu hãnh mang tên Việt Nam; là bản hùng ca bi tráng của một thời đại - thời đại Hồ Chí Minh. Với trách nhiệm của người giáo viên, tôi luôn lồng trong bài giảng của mình niềm tự hào, hãnh diện về lịch sử dân tộc cho học trò; hướng các em đến thái độ ân nghĩa thủy chung với các thành quả của người xưa. Ngày thống nhất đất nước không chỉ là ngày hội non sông mà còn là lời nhắn nhủ cho người dân Việt trong và ngoài nước, cho các thế hệ trẻ về vai trò, bổn phận của chính mình trong việc gìn giữ các giá trị cũng như nền độc lập của dân tộc”, cô giáo Phạm Thu Hằng chia sẻ.
 
45 năm trôi qua, nhưng không khí hào hùng của ngày 30/4 vẫn còn vẹn nguyên trong tiềm thức của mỗi người dân Việt. Gấp trang sử với một niềm tự hào, kiêu hãnh, thế hệ trẻ đã và đang nỗ lực mỗi ngày viết tiếp tương lai. Đúng như những câu thơ mà nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết: “Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên viết tiếp theo cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua...”.
.

Phan Tuyết

.