(Congannghean.vn)-Tết cổ truyền là thời gian dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp. Đối với người dân vùng biển quanh năm lênh đênh sông nước thì điều đó lại càng ý nghĩa hơn. Bởi quanh năm họ xa nhà, xa vợ con nên mong muốn cùng gia đình, người thân quây quần bên mâm cơm ấm áp. Tuy nhiên, tùy thuộc vào con nước và điều kiện thời tiết, có những ngư dân tranh thủ trời yên biển lặng, tôm cá dồi dào nên phải đón Tết trên biển.
Những ngày giáp Tết, không khí ở các làng vùng ven biển dường như hối hả hơn so với những ngày thường |
Trong cái lạnh rét buốt của trời mùa đông, men theo con đê biển kéo dài đã đưa chúng tôi đến với làng chài ven biển huyện Diễn Châu. Khác với trung tâm thành thị vào những ngày này đường xá nhộn nhịp, khắp nơi bày bán hàng hóa thì ở các vùng biển vào những ngày cuối tháng chạp âm lịch, người dân làng biển mới bắt đầu rục rịch không khí đón xuân. Bởi, đối với người vùng biển, họ chỉ thực sự đón Tết khi chuyến đi biển cuối cùng của người thân trở về. Lúc đó các gia đình quây quần gói bánh tét, bánh chưng, giết mổ trâu, bò, lợn, gà. Họ quan niệm, nếu làm cỗ Tết trước khi người từ biển trở về sẽ gây ra thảm họa, ảnh hưởng đến tính mạng của người đang ở giữa trùng khơi.
Có mặt tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) vào thời điểm cuối năm, hàng trăm tàu, thuyền lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ đang hối hả cập bến. Những ngày giáp Tết, không khí ở đây dường như hối hả hơn so với những ngày bình thường khác. Cơn mưa chuyển mùa lất phất lẫn cái lạnh của tiết trời cuối năm dường như bị xua tan bởi sự đông đúc, tấp nập của kẻ bán, người mua. Tàu thuyền cập bến mỗi lúc một đông, thương lái với các loại phương tiện kéo về kín cảng cá.
Tàu vừa cập cảng, ngư dân Hoàng Văn Tuấn thúc giục anh em nhanh tay vận chuyển tôm, cá lên bờ để chuẩn bị dọn dẹp, sửa sang lại tàu để nghỉ Tết. Kết thúc chuyến tàu ra khơi cuối năm sớm hơn so với các tàu khác, anh Tuấn cho biết: “Chuyến ra khơi cuối năm này có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Anh em chỉ mong thời tiết thuận lợi, nhanh chóng đánh được mẻ cá lớn để có cái Tết no đủ. Chuyến này, chúng tôi trúng mẻ cá lượng nên cũng thu được kha khá để đón Tết. Sau chuyến ra khơi cuối năm này, chúng tôi trở về nhà nghỉ ngơi đón Tết và khoảng mồng 2 Tết sẽ tiếp tục ra khơi để hái “lộc biển” đầu năm. Mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn hơn”.
Đứng chờ trên bến để chuẩn bị đón chuyến tàu xa khơi của chồng và người thân trở về, chị Hoàng Thị Lan, người dân làng chài xã Diễn Ngọc tâm sự: Với bà con vùng biển, Tết thường đến muộn hơn so với các vùng khác. Vào khoảng 28, 29 Tết, chúng tôi mới bắt đầu chuẩn bị đi sắm sửa. Tết với chúng tôi cũng đơn giản lắm, vài cặp bánh chưng, hoa đào, hoa mai và những món ăn cầu kỳ hơn so với những ngày thường.
Không chỉ ở cảng cá Lạch Vạn mà tại các cảng cá Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), cảng cá Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), cảng cá Cửa Hội (TX Cửa Lò)… vào những ngày giáp Tết không khí cũng đông vui, nhộn nhịp tàu cá ra vào.
Ngày 29, 30 Tết, hầu hết các hộ trong làng chài đều dừng mọi hoạt động đánh bắt. Việc đầu tiên ngày cuối năm của những người vùng biển là sửa soạn nhà cửa, đánh rửa cốc chén, đun phích nước nóng thật tươm tất để chuẩn bị đón khách. Một số ngư dân thì sơn, sửa lại tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm mới. Chỉ có những ngày nghỉ biển, người ta mới thấy ngư dân diện được bộ đồ sạch đẹp, chân đeo đôi giày kín gót. Tết đến, với ngư dân làng chài, nhà nào có điều kiện thì sắm sửa thêm cây quất, cây đào để đón Tết cho “hoành tráng”. Còn với những hộ gia đình khó khăn hơn thì chuẩn bị mâm cơm ngày Tết thật đầy đủ, cầu kỳ hơn so với những ngày thường.
Tết ở làng chài không có dòng người, xe cộ tấp nập, bày bán hàng hóa nhộn nhịp như ở đường phố nhưng rất ấm áp, đượm tình làng, nghĩa xóm. Trẻ nhỏ, người lớn sum vầy bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét để chuẩn bị cúng năm mới. Đêm giao thừa, cùng với cúng gia tiên, các gia đình còn bày lễ cúng đất trời, sông nước, mong 1 năm mưa thuận gió hòa, đi biển thuận lợi.
Theo phong tục truyền thống của người dân làng biển, vào những ngày Tết Nguyên đán, bà con ngư dân thường tới các đình chùa và miếu thờ các thần linh tọa lạc nơi lạch sông, cửa biển để thắp nén hương tỏ lòng thành kính. Bởi họ quan niệm, đình chùa và miếu thờ là những nơi rất linh liêng, bởi nó là tín ngưỡng có liên quan đến nghề nghiệp, công việc làm ăn trên sông nước của họ.
Ngoài ra, ở các làng chài ven biển, những ngày Tết người lớn, trẻ nhỏ đổ ra đường để xem các lễ hội như chọi gà, nấu cơm, kéo co, một số địa phương thì tổ chức các lễ hội cầu ngư, thưởng thức nghệ thuật truyền thống... Những nét đẹp này đã trở thành niềm tin ăn sâu bám rễ trong mỗi người dân vùng biển, giúp họ có thêm sức mạnh, niềm tin, đoàn kết để thực hiện những dự định của mình trong cả năm.
Bức tranh mùa xuân của người dân làng biển hiện lên trong nắng mai, thanh bình và no ấm, nhà nhà, người người ngồi bên nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu, kể cho nhau nghe những phiên biển trúng đậm. Đó được mặc định là những lời chúc Tết, mang đậm hương sắc miền biển. Trong những câu chuyện về biển, họ lảng không nói về cái xấu, cái rủi ro mà toàn nói điều tốt lành, như cách họ chúc nhau năm mới ra khơi gặp nhiều may mắn.