(Congannghean.vn)-Sau 3 ngày (từ 19 - 21/12) diễn ra, Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã khép lại. Trong số 9 dự án đạt giải Nhất và được chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia vào tháng 3/2019 tại Hà Nội, đáng chú ý là Dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân” của nhóm tác giả Trương Văn An, Phan Quỳnh Trang, học sinh lớp 8, với sự hướng dẫn của thầy giáo Phan Sỹ Việt, Trường THCS Trà Lân, huyện Con Cuông.
Ý tưởng hình thành dự án từ yếu tố nhân văn
Niềm vui của thầy trò khi sản phẩm đạt 1 trong 9 giải Nhất và được chọn đi dự thi tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia tại Hà Nội vào tháng 3/2019 |
Thầy Phan Sỹ Việt dạy 2 môn Toán và Vật lý tại Trường THCS Trà Lân. Nhiều năm liền thầy là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Biến cố ập đến với gia đình khi cách đây 15 năm, mẹ thầy bị tai biến. 5 năm đầu bà còn đi lại được nhưng 10 năm trở lại đây, sau cơn tai biến lần thứ hai, bà phải nằm tại chỗ. Bên cạnh làm tốt vai trò của một người thầy giáo đứng trên bục giảng truyền kiến thức cho các em học sinh, thầy Việt còn dành phần lớn thời gian chăm sóc, phụng dưỡng mẹ, từ khâu vệ sinh cá nhân đến tập luyện phục hồi chức năng. Quãng thời gian đó, thầy Việt hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của những gia đình có người thân bị tai biến, phải nằm một chỗ và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người khác.
“Trong một lần đến thăm thầy Việt bị ốm, do sốt cao nên thầy nằm ly bì trên giường. Vì ngồi trên chiếc xe lăn đã lâu nên mẹ thầy mỏi lưng, thầy Việt nhờ em lấy gối lót tựa lưng cho bà. Lúc ấy, em buột miệng nói: Xe lăn này sao họ không thiết kế tựa lưng thầy nhỉ? Từ câu hỏi vô tình đó, 3 thầy trò với những trăn trở, suy nghĩ ấp ủ từ lâu đã nảy sinh lên ý tưởng sáng chế ra sản phẩm có nhiều bộ phận thiết thực, hỗ trợ bệnh nhân bị tai biến, nằm liệt giường”, em Trương Văn An nhớ lại.
Được biết, bố của An cũng là 1 giáo viên dạy Toán - Lý, song đã qua đời trong một tai nạn giao thông khi em lên 8 tuổi, em trai An mới 8 tháng tuổi. Bằng sự chăm chỉ, ham học, An học giỏi toàn diện, đặc biệt, em rất yêu thích và học giỏi môn Vật lý. Mỗi lần nhìn thấy những bệnh nhân do bị tai biến, tai nạn giao thông… phải ngồi một chỗ trên xe lăn, An lại ấp ủ ý tưởng chế tạo chiếc xe lăn với nhiều tiện ích, hỗ trợ bệnh nhân tự xoay xở khi không có người khác bên cạnh. Cùng làm ban cán sự lớp và có chung niềm đam mê, tìm tòi cấu tạo, nguyên lý của các động cơ, máy móc, An và Trang là đôi bạn thân, luôn giúp đỡ nhau trong học tập để cùng tiến bộ. Từ câu hỏi của An, niềm đam mê của Trang và từ thực tiễn chăm sóc mẹ của thầy Việt, 3 thầy trò nhanh chóng bắt tay vào thực hiện Dự án “Cải tiến xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng cho bệnh nhân”.
Chiếc xe lăn bổ trợ dụng cụ phục hồi chức năng - sản phẩm mà 2 em Trương Văn An và Phan Quỳnh Trang nghiên cứu, chế tạo dưới sự hướng dẫn của thầy Phan Sỹ Việt |
Sau khi tìm hiểu những chiếc xe lăn thông thường, nhận thấy hiện nay, trên thị trường trong và ngoài nước có nhiều loại xe lăn điện, xe lăn với những thiết bị hỗ trợ như leo cầu thang… Song, giá thành những loại xe này khá cao, không phù hợp với thu nhập của người Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi… Lúc đầu, ý tưởng của 3 thầy trò chỉ là cải tiến tựa lưng cho người bệnh. Song, qua quá trình chế tạo và thử nghiệm, cùng với sự khích lệ, động viên của nhà trường, 3 thầy trò đã hình thành thêm ý tưởng và bổ sung thêm nhiều chức năng bổ trợ phục hồi khác vào chiếc xe lăn như: Dụng cụ phục hồi 2 tay, dụng cụ phục hồi 2 chân, dụng cụ hỗ trợ nghỉ ngơi (nằm hoặc ngồi), dụng cụ hỗ trợ vệ sinh (tiểu tiện, đại tiện, tắm rửa…), dụng cụ hỗ trợ ăn uống.
Ý tưởng thành hiện thực
Sau khi có ý tưởng, mỗi buổi chiều sau giờ tan học, 3 thầy trò lại hì hục bên chiếc xe lăn, tháo ra, lắp vào liên tục rồi bới tìm ở kho thu mua phế liệu, nhặt những nguyên liệu để tái chế vào sản phẩm. Em An cho biết, trong quá trình triển khai ý tưởng, rất nhiều lần cả thầy và trò đều thất bại do một số tính toán chưa chính xác, các thiết bị lắp ráp chưa đúng nguyên lý… Đến khi thực hiện, do các chi tiết không có sẵn, phải chế từ những dụng cụ khác như bơm xe đạp, khóa của bình lọc nước nên chiếc xe lăn chưa được đẹp. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Việt, An và Trang tiếp tục kiên trì nghiên cứu. Chỗ nào chưa hiểu, 3 thầy trò lại lên mạng tìm hiểu và nhờ các thầy, cô giáo có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí tư vấn thêm. Với phương châm, làm ra sản phẩm xe lăn bên cạnh các chức năng hỗ trợ phục hồi 2 chân, vệ sinh, ăn uống… thì sản phẩm phải đảm bảo được các tiêu chí: Chi phí sửa chữa ít; linh kiện dễ tìm, dễ thay thế; khả năng điều khiển các chức năng cho người sử dụng phải tốt, hạn chế gặp trục trặc trong lúc vận hành.
“Vì có thời gian hơn 10 năm trực tiếp chăm sóc mẹ, những gì khó khăn, vướng mắc và cần thiết khi tập luyện cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, tôi đều truyền tải cho 2 em. Và mẹ tôi cũng là bệnh nhân đầu tiên thử nghiệm sản phẩm. Lúc ngồi lên xe lăn, bà lắc đầu, chỉ vào bàn đạp phục hồi chân, ra hiệu bàn đạp phải với xa, chân bị tuột; bà còn chỉ vào tựa lưng ra hiệu vì ván gỗ rộng nên đau. Lúc ấy, 3 thầy trò hiểu rằng, sản phẩm chưa đạt”, thầy Việt chia sẻ.
Sau đó, thầy Việt cùng 2 học sinh lại lúi húi mày mò, thay đổi bàn đạp chân có khớp kéo dài, ngắn để phù hợp với chiều cao của mỗi bệnh nhân. Hiểu được bệnh nhân bán thân bất toại, chân tay thường vô thức nên 3 thầy trò thiết kế một đôi dép cao su mềm có quai được gắn vào bàn đạp chân để cố định chân cho người bệnh khi tập luyện hoặc khi đẩy xe di chuyển. Tấm tựa lưng được thay thế bằng nhiều thanh gỗ nhỏ, nhẵn bóng vừa có tác dụng mátxa, vừa không đau. Các bộ phận hoạt động dựa trên nguyên lý của các máy cơ đơn giản, áp suất chất lỏng, lực đàn hồi của lò xo, nguyên lý chuyển động tròn sang chuyển động thẳng.
Lần này, mẹ thầy Việt lại ngồi thử nghiệm và bà mỉm cười, gật đầu hài lòng. Vậy là sản phẩm đã hoàn thành sau hơn 5 tháng mày mò, nghiên cứu, sáng tạo. Thầy Việt chia sẻ: “Dòng xe lăn trên thị trường có nhiều chức năng, song hiện chưa có chức năng hỗ trợ phục hồi tay chân. Với sản phẩm này, 3 thầy trò muốn nhấn mạnh vào ưu điểm vượt trội của nó. Đó là khi bệnh nhân đại tiện thì có thể cho xe lăn vào bồn cầu, hệ thống vệ sinh được kích hoạt và bệnh nhân sẽ sinh hoạt như người bình thường. Khi đi vệ sinh xong, hệ thống xịt rửa cũng được kích hoạt nên người chăm sóc sẽ không phải vất vả”.
Em An cho biết, xe lăn này rất tiện lợi trong việc tập luyện, nghỉ ngơi, sinh hoạt của bệnh nhân. Các thiết bị đều có thể tháo lắp dễ dàng, tùy thuộc vào bệnh nhân cần phục hồi chức năng nào. Đặc biệt, sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường vì hoạt động bằng cơ học. Mong muốn của 3 thầy trò là sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được chế tạo rộng rãi, thực sự hỗ trợ bổ ích cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân bán thân bất toại, nằm liệt giường.
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 có 63 trường THPT và 21 phòng giáo dục tham gia, với 204 dự án từ 17/22 lĩnh vực của 361 tác giả; trong đó có 24 tác giả là học sinh người dân tộc thiểu số. Ban tổ chức đã trao 124 giải, trong đó có 9 giải Nhất, 35 giải Nhì, 43 giải Ba và 37 giải Tư. Về tập thể, giải Nhất thuộc về Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (3 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 3 dự án được dự thi Quốc gia), giải Nhì thuộc về Trường THPT Hà Huy Tập và giải Ba thuộc về Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Đối với phòng GD&ĐT, giải Nhất thuộc về Phòng GD&ĐT TP Vinh (2 giải Nhì; 4 giải Ba; 1 giải Tư; 1 dự án được dự thi quốc gia), giải Nhì thuộc về Phòng GD&ĐT Đô Lương và giải Ba thuộc về Phòng GD&ĐT Diễn Châu. 9 dự án đạt giải Nhất được chọn tham dự Cuộc thi KHKT toàn quốc tại Hà Nội tháng 3/2019. |
.