Triết lý rõ ràng cho nền giáo dục, nội dung chương trình, SGK, đổi mới trong thi cử, các chính sách thực nghiệm dạy và học… là những nội dung được các ĐBQH tập trung đề cập khi thảo luận dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 15/11.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) nêu ý kiến rất đáng chú ý về sự cần thiết phải có được triết lý rõ ràng cho cả nền giáo dục.
Theo đại biểu, triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. Nếu như Phần Lan với triết lý phải có niềm tin vào con người, Singapore với nền tảng trường học tư duy, quốc gia học tập thì giáo dục Nhật Bản vận hành theo triết lý mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức. Trên nền tảng đó, những cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thỏa mãn các điều kiện của 4 trụ cột, nhờ đó mà nền giáo dục của các quốc gia trên đạt trình độ phát triển được cả thế giới thừa nhận.
“Từ triết lý giáo dục của các nước, không ít lần các học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: Vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định trong dự luật lần này soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam”, đại biểu nêu vấn đề.
Theo đại biểu, trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để thích ứng với thời cuộc, vì đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định cho sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc. Bốn trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay nhưng toàn bộ các điều khoản sau đó không xoay quanh 4 trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc.
“Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục”, đại biểu nói.
Trên cơ sở đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị: Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn tư duy, nhu cầu và điều kiện của cuộc cách mạng lần này. Xã hội chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho 4 trụ cột bằng những cam kết, chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật, đảm bảo vận hành đúng tinh thần triết lý ấy, dù ngắn gọn hay là gì đi nữa nhưng tựu chung lại là làm cho sự học của mỗi người, cốt để hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc.
Cần lấy ý kiến về một hay nhiều bộ SGK
Theo dự thảo luật, mỗi một môn học có một hoặc một số SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Về vấn đề này, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng cần rà soát, điều chỉnh kỹ lưỡng bởi nhiều ý kiến muốn cả nước có một bộ SGK thống nhất, còn lại là sách tham khảo. Cùng với đó, SGK phải được thẩm định, kiểm soát hết sức chặt chẽ, chương trình học phải nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ dạy, dễ học. “Người viết SGK phải thực sự giỏi, và am hiểu sâu sắc về nội dung chương trình và tâm lý sư phạm”, đại biểu Thưởng góp ý.
Đại biểu cũng nêu vấn đề, nếu quá nhiều SGK thì khó quản lý, khó lựa chọn, khó dạy thống nhất và rất dễ dẫn đến loạn SGK, lúc ấy giáo dục sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hậu quả khôn lường.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (tỉnh An Giang) cho rằng phải quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc biên soạn các nội dung SGK, đảm bảo nội dung trong sáng, thiết thực, gần gũi với thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt có định hướng giáo dục chân, thiện, mỹ cho học sinh. “Việc đưa vào SGK những nội dung không đúng quy định trích dẫn hay cố tình làm sai lệch bản gốc của các sáng tác hoặc nội dung gây hiểu lầm về ý nghĩa giáo dục, thậm chí sai chính tả cần được tuyệt đối kiểm duyệt”, ông Bình nói.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nêu vấn đề: “Việc đảm bảo khối lượng kiến thức chuẩn mà học sinh cần phải đạt được khi các cơ sở giáo dục khác nhau sử dụng SGK khác nhau của cùng 1 môn học sẽ được đảm bảo như thế nào? Mỗi năm học sẽ có những lớp học sinh và cha mẹ học sinh khác nhau và sẽ có những ý kiến khác nhau về SGK thì việc đó ý kiến như thế nào?” – ông Bình đặt vấn đề và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đồng tình với việc quy định mỗi môn học có một hoặc một số bộ SGK, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sSGK, cơ sở giáo dục thực hiện lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập.
“Quy định như thế là tạo tính chủ động, linh hoạt cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục, quy định rõ về việc hoạt động của hội đồng thẩm định cấp tỉnh và quy trình thẩm định”, đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cho rằng việc có nhiều bộ SGK là phù hợp, nhưng đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) đề nghị cần có giải pháp để có thể triển khai thực hiện lựa chọn trong thực tiễn. Khoản 2 Điều 30 chương trình giáo dục phổ thông, SGK quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên học sinh và cha mẹ học sinh.
“Tôi không rõ đối tượng học sinh và cha mẹ học sinh trong dự thảo luật đề cập là nhóm đối tượng nào hay mỗi năm lại lấy ý kiến học sinh và cha mẹ học sinh để lựa chọn SGK trong giảng dạy cho đối tượng học sinh đó nếu như vậy, sẽ gây nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai. Hơn nữa, liệu học sinh và cha mẹ học sinh có đủ năng lực và thông tin để đánh giá, lựa chọn SGK tốt và phù hợp. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi sao cho hợp lý”, đại biểu nêu ý kiến.
.