(Congannghean.vn)-Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) (gọi là tài liệu TV1 chứ không phải sách giáo khoa) là thành quả của 1 tập thể các nhà khoa học, đứng đầu là Giáo sư (GS) Hồ Ngọc Đại. Cách đánh vần theo tài liệu TV1-CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại đã được dạy trong các trường thực nghiệm hơn 40 năm nay. Được biết, hiện có hơn 800.000 học sinh lớp 1 ở gần 50 tỉnh, thành phố đang học theo sách TV1-CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại. Thế nhưng, trong những ngày gần đây, trên mạng xã hội đang có nhiều tranh cãi về tài liệu này.
Các em học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Hưng Dũng 1, TP Vinh trong lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019 |
Viết bằng hình vuông, hình tròn, hình tam giác thay thế cho chữ Quốc ngữ?
Trong những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về tài liệu TV1-CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại. Theo đó, có 1 ông bố còn đăng lên 1 đoạn clip thể hiện sự bức xúc về cách học của con mình, khi chỉ vào những ô vuông thì cháu đọc được câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen…”, nhưng khi chỉ vào mặt chữ thì cháu bé trả lời rằng: “Cô chưa dạy chữ”. Thậm chí, trên mạng xã hội xuất hiện một số đoạn clip chế nhạc mà những ca từ chỉ gồm các tiếng/từ “tròn, vuông, tam giác”, thu hút rất nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ. Điều đáng nói, từ đó, hình thành “cơn bão” mạng phản ứng bởi những người không đọc kỹ thông tin, chưa tìm hiểu kỹ sự việc mà mông lung, tự suy diễn, chỉ trích rằng “từ nay học sinh sẽ đọc/viết bằng các hình tròn, hình vuông, hình tam giác thay thế cho chữ Quốc ngữ”!?
Theo ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành cho biết, những hình vuông, hình tròn, hình tam giác đó chỉ là những mô hình/ký hiệu trong bài dạy đếm số tiếng trong câu, nhằm giúp trẻ tách lời thành từng tiếng, phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa các tiếng, chứ chưa đến giai đoạn dạy trẻ học chữ, đánh vần. Xong giai đoạn này, trẻ mới bước vào phần học chữ, đọc và viết chữ cái, học đánh vần và lúc này những ký hiệu vuông, tròn, tam giác không còn được sử dụng như trước nữa. Tóm lại, phần đọc/viết hình “vuông, tròn, tam giác” chỉ là bài học nhận diện tiếng của học sinh lớp 1 chưa biết đọc chữ theo phương pháp học vần CNGD, chứ không phải tiết học chữ viết như nhiều người đã lầm tưởng.
Tài liệu TV1-CNGD đã được đưa vào dạy học hơn 40 năm nay
Trao đổi với báo chí về dư luận xã hội đang xôn xao và có những tranh cãi nảy lửa về cách dạy tài liệu TV1-CNGD của GS.Hồ Ngọc Đại, ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Để tăng cường chất lượng TV cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc ở các vùng khó khăn, Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho thử nghiệm tài liệu TV-CNGD. Chương trình được thí điểm từ năm 1978 đến nay. Bộ tài liệu này được áp dụng tại một số địa phương, hiện có 49 tỉnh tham gia, tuy nhiên không phải tỉnh nào cũng tham gia 100%, như tỉnh Quảng Nam, Bình Phước chỉ có 45% trường tiểu học tham gia...
Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn TV ở lớp 1 tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ (Hà Nội) và một số cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học TV lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2016 -2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).
Căn cứ kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu TV1-CNGD. Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học TV lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu TV1-CNGD. Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1-CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn TV lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT). Tài liệu TV1- CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo Kết luận của Hội đồng thẩm định.
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 - 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo Chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp...
Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại |
Tại Nghệ An, 99,9% trường tiểu học dạy tài liệu TV1-CNGD
Tại Nghệ An, chương trình cũng đã có gần 20 năm thực hiện và đang được nhân rộng. Tính đến thời điểm này, trên toàn tỉnh đã có 561/562 (đạt tỉ lệ 99,9%) trường tiểu học triển khai giảng dạy tài liệu TV1-CNGD. Trường duy nhất chưa thực hiện đó là Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Quế Phong). Được biết, nguyên do là vì điều kiện đi lại quá khó khăn nên nhà trường chưa triển khai đồng bộ được việc tập huấn.
Trước đó, từ năm 2000 trở về trước, Nghệ An cũng là 1 trong 43 tỉnh, thành đầu tiên áp dụng chương trình này, trong đó có khoảng 80% các trường trực thuộc thành phố, thậm chí có trường thí điểm từ những năm 80. Tuy nhiên, đến năm 2003, sau khi có chủ trương thay sách giáo khoa, chương trình bị gián đoạn vì chủ trương của Bộ là chỉ có 1 chương trình, 1 bộ sách giáo khoa. Chương trình chỉ được thí điểm trở lại vào năm 2006, sau khi GS. Hồ Ngọc Đại có đề tài cấp Bộ với nội dung “Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số” và thí điểm đầu tiên tại Lào Cai.
Đến năm học 2013 - 2014, khi khẳng định những ưu điểm của chương trình, Bộ cho phép các địa phương “ứng dụng trên tinh thần tự nguyện”. Trong năm đầu tiên, 100% các trường ở TP Vinh đã triển khai đồng loạt; còn các huyện thì tỉ lệ đăng ký tự nguyện đạt khoảng 20% và đến năm thứ 3 thì gần như đạt 100% các trường đều triển khai. Trong quá trình thực hiện, các huyện như Kỳ Sơn, Thanh Chương đã trực tiếp mời GS. Hồ Ngọc Đại vào trực tiếp giảng dạy và giải đáp những vướng mắc.
Thiết nghĩ, mỗi khi bình luận, chia sẻ những bài viết, clip hoặc tự đưa ra quan điểm của mình về một vấn đề thì mỗi chúng ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ, kiểm tra thông tin về lĩnh vực đó đề cập trước khi đưa ra các nhận định cá nhân, để tránh những lầm tưởng, tự suy diễn. Điều này chỉ đẩy sự việc ngày càng đi xa và chệch hướng mà thôi.