(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có bề dày văn hóa và lịch sử với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo, đa dạng. Trong đó, các làng nghề truyền thống - nơi diễn ra cuộc sống lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân đã tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi làng quê.
Phát triển các làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại không chỉ là giải pháp để tỉnh nhà phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng là
Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm |
Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, năm 2017 có 7 làng nghề được công nhận, nâng tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh lên 153 làng. Hiện có 127 làng nghề phát triển ổn định và bền vững. Trong đó, nhiều làng nghề và làng có nghề có giá trị truyền thống như: Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan; nghề sản xuất hương; nghề mộc… Một số làng nghề và có làng nghề gắn với du lịch như: Làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, làng nghề sản xuất hương trầm gắn với tuyến du lịch lễ hội Hang Bua, Thẩm Òm; điểm du lịch thác Sao Va (Quế Phong) gắn với phát triển làng dệt thổ cẩm bản Mường Hin, xã Tiền Phong; làng nghề dệt thổ cẩm bản Cỏ Noong, xã Mường Noọc; làng nghề mây tre đan Na Thắng xã Tiền Phong…
Có thể thấy, các làng nghề truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ và ẩn sâu trong đó là những nét đẹp văn hóa, lịch sử. Ở các làng nghề, hình thức sinh hoạt cộng đồng khá phổ biến. Thông qua đó, củng cố thêm tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa người dân. Trong quá trình làm nghề, các loại hình văn hóa dân gian như hò đối đáp, hát ví, giặm… được người dân sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng, nguy cơ bị mai một, có làng nghề hoạt động kém hiệu quả, thậm chí một số làng nghề ngừng hoạt động. Theo số liệu thống kê, hiện có 6 làng nghề hoạt động kém hiệu quả, gồm 1 làng đan lát, 1 làng ươm tơ và 4 làng mây tre đan; 13 làng nghề ngừng hoạt động, trong đó có 8 làng mây tre đan.
Mặc dù làng mây tre đan chiếm 30% trong tổng số 44 làng nghề trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên số lượng lao động chỉ chiếm gần 14%. Các làng nghề này gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn nguyên liệu, sản phẩm chủ yếu làm thủ công, chưa có trang thiết bị sản xuất hiện đại, chưa có chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng, các sản phẩm làng nghề chưa được quảng bá hiệu quả, chưa xây dựng được thương hiệu…
Để bảo tồn, phát triển các làng nghề và làng có nghề có giá trị truyền thống, đầu năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 11/QĐ-UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển làng nghề, làng có nghề trên địa bàn miền Tây Nghệ An đến năm 2020. Theo đó, đã có những giải pháp cho từng làng nghề. Cụ thể, đối với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa: Tiếp tục duy trì và phát triển tại các làng có điều kiện trên địa bàn. Với nghề dệt thổ cẩm: Phấn đấu khôi phục và phát triển tại các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong; đào tạo dạy nghề, cải tiến một số trang thiết bị khung dệt, khuyến khích thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh làm đơn vị hạt nhân để phát triển nghề nhằm cải tiến mẫu mã mặt hàng, tìm kiếm thị trường sản phẩm cho người sản xuất.
Đối với nghề mây tre đan: Tập trung phát triển tại những địa phương có điều kiện, khuyến khích một số hộ có vốn đứng ra thành lập doanh nghiệp để cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung phát triển mạnh các mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân trong tỉnh… Ngoài ra, vận dụng sự độc đáo của làng nghề thủ công gắn với du lịch sinh thái. Có như vậy mới giữ được “hồn quê” trong các làng nghề truyền thống và tồn tại mãi với thời gian.
.