(Congannghean.vn)-Ngoài 2 lần về thăm tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có hàng chục bức thư gửi cho quê hương. Những lời căn dặn của Người trong những bức thư ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một trong những bức thư đã trở thành lời hiệu triệu, kêu gọi hành động là bức thư Bác gửi cán bộ và nhân dân huyện Quế Phong.
Ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư đầu tiên cho quê hương Nghệ An. Từ đó cho đến cuối cuộc đời, Bác đã gửi về quê hương 25 bức thư và 2 bức điện. Bức thư cuối cùng Bác gửi về quê nhà là “Thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An”, đề ngày 21/7/1969. Trong số đó, có bức thư “Thân ái gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong” vào ngày 12/4/1966. Với những tình cảm đặc biệt của Bác dành cho nhân dân cả nước nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đã 52 năm trôi qua, người dân trên mảnh đất Quế Phong vẫn thường xuyên kể cho con cháu nghe bức thư Bác gửi khen ngợi bà con về thành tích hoàn thành sớm chương trình bổ túc văn hóa năm 1966 như một niềm tự hào.
Cán bộ, nhân dân huyện Quế Phong chiêm ngưỡng bức thư của Bác trong sự xúc động và tự hào |
Thư khen của Bác Hồ gửi đồng bào các dân tộc Quế Phong
Ngày 19/4/1963, huyện Quế Phong được thành lập trên cơ sở tách 6 xã: Châu Kim, Châu Thôn, Cắm Muộn, Châu Hùng, Châu Phương, Thông Thụ thuộc huyện Quỳ Châu. Những ngày đầu mới thành lập huyện, kinh tế vô cùng khó khăn, 98% dân số mù chữ, cán bộ cũng chỉ học đến lớp 2, lớp 3. Còn nhớ ngày ấy, một số cán bộ hợp tác xã tính toán công điểm cho xã viên, do không biết chữ nên bẻ que hoặc lấy hạt ngô để đếm công. Sau khi đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến 4 loại giặc, trong đó giặc dốt là vô cùng nguy hiểm, sẽ làm cho đất nước thụt lùi. Bác từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nhấn mạnh: "Dốt là dại, dại thì hèn. Vì vậy, không chịu dại, không chịu hèn, cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới".
Trăn trở với những lời căn dặn của Người, chính quyền huyện Quế Phong đã phát động phong trào thi đua học tập, với chủ trương phát triển giáo dục bổ túc văn hóa song song với giáo dục phổ thông, khắp nơi đều có khẩu hiệu xóa mù chữ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên đông đảo nhân dân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Lớp học chữ lúc bấy giờ hội đủ các thế hệ, từ người già đến trẻ con cùng nhau ra sức học tập. Đến năm 1966, Quế Phong đã hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất trước thời hạn 1 năm. Với thành tích này, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cán bộ và nhân dân huyện nhà, mặc dù lúc bấy giờ Người đang bận trăm công nghìn việc lo cho nhân dân và vận mệnh non sông đất nước.
Nội dung bức thư viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng và đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta. Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng...”! Từng lời, từng chữ của Bác như món quà tinh thần đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Quế Phong, từ đó cùng nhau ra sức học tập, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Lời Người vang vọng mãi ngàn năm
Trên đỉnh Pú Chũ Nhàng thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nhà thờ Bác Hồ nằm cùng khuôn viên với đền Chín Gian - nơi được xem là linh thiêng nhất của mảnh đất miền biên viễn này. Nhà thờ Bác Hồ được Đảng bộ và nhân dân Quế Phong chung tay xây dựng từ năm 2004, đến nay đã xuống cấp. Nguyện vọng của đồng bào các dân tộc nơi đây là mong muốn có 1 nơi thờ tự anh linh của Người. Vì thế, ngày 1/5/2017, huyện Quế Phong đã có Quyết định xây mới Nhà thờ Bác Hồ theo kiến trúc của đồng bào dân tộc Thái.
Nhà thờ Bác Hồ được xây theo kiến trúc của người Thái |
Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong xúc động cho biết: Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Quế Phong năm 1966 cũng được trưng bày ở vị trí quan trọng trong Nhà thờ. Tuy nhiên, trong 52 năm qua, bức thư lưu giữ tại phòng lưu trữ của huyện, theo thời gian đã bị phai mờ, nét chữ không còn vẹn nguyên. Vì thế, Phòng Văn hóa đã có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao xin được phục chế bức thư. Sau đó, cùng với Thư viện tỉnh và Khu di tích Kim Liên, huyện quế Phong đã nghiên cứu tìm cách phục chế. Bút tích (bản nháp) của bức thư được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đó được Khu di tích Kim Liên liên hệ và đưa về để cùng với bức thư được lưu giữ tại Quế Phong gửi vào Thư viện khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh phục chế.
Đã 52 năm kể từ ngày Bác gửi thư cho đồng bào Quế Phong, niềm vinh dự, tự hào vẫn còn nguyên vẹn và cũng là động lực để ngành Giáo dục huyện nhà nỗ lực phấn đấu. Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quế Phong cho biết: Trong suốt những năm qua, từ lời động viên, khen ngợi của Bác Hồ, ngành Giáo dục liên tục đề ra mục tiêu cụ thể và đều hoàn thành trước tiến độ. Mặc dù là huyện miền núi khó khăn nhưng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, năm 2005, huyện Quế Phong đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và năm 2006 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Mục tiêu kiên cố hóa trường lớp, xóa nhà tạm được tập trung thực hiện. Đến nay, Quế Phong đã có 633 phòng học, trong đó có 261 phòng học kiên cố, 372 phòng học bán kiên cố, xóa toàn bộ số phòng học tạm trước đó. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục huyện phấn đấu thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục (2015 - 2020), trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh.
Trong suốt 52 năm qua, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong luôn xem bức thư của Bác Hồ là lời hiệu triệu, là khẩu hiệu thi đua để phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động và sản xuất, xứng đáng với sự tin tưởng của Người. Bức thư cùng với Nhà thờ Bác Hồ trên đỉnh Pú Chũ Nhàng được ví như Văn Miếu Quốc Tử Giám, luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng cán bộ và nhân dân nơi đây.