Trong thời đại bùng nổ các loại hình thông tin giải trí, việc tiếp cận lịch sử trở nên khó khăn hơn nếu không có sự thay đổi trong cách truyền tải. Làm mới những câu chuyện kể về lịch sử đang là một yêu cầu quan trọng cho cả người viết và làm sách đề tài này.
Trên thị trường sách vừa xuất hiện cuốn truyện tranh Lĩnh Nam chích quái. Nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, câu truyện lịch sử được kể lại qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long. Qua hơn 200 bức vẽ chứa đựng nhiều thông tin người đọc có thể hình dung một cách sống động về từng câu chuyện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Tác giả Tạ Huy Long kết hợp kỹ thuật đồ họa truyền thống và hiện đại, không đi sâu cách vẽ hiện thực hóa mà sử dụng lối ước lệ là chính. Việc hiện thực hóa nội dung câu chuyện bằng hình ảnh như đưa bạn đọc vào không gian lịch sử, để họ dễ dàng cảm nhận nội dung.
Nhiều bậc cha mẹ đánh giá đây là cuốn sách mà các con sẽ thích và hứng thú tiếp cận. Còn các bạn trẻ khá hào hứng khi những câu truyện lịch sử vẫn tưởng chừng khô khan, khó hiểu nay được thể hiện sinh động, khiến họ không cảm thấy “sợ” môn lịch sử nữa.
Từ lâu, làm mới truyện lịch sử đã nằm trong ý thức của nhiều người làm sáng tạo, nhất là trong bối cảnh giới trẻ Việt Nam ngày càng xa rời sử Việt vì cách tiếp cận không theo kịp xu hướng thời đại. Tiên phong trong phong trào làm truyện tranh lịch sử, phải kể đến Nhà xuất bản Trẻ với bộ Lịch sử Việt Nam bằng tranh gồm hơn 50 tập, tái hiện lịch sử đất nước từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng đến thời Hùng Vương; trải qua một nghìn năm Bắc thuộc đến thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn; cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Tiếp đó, Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt các tác phẩm truyện tranh hấp dẫn như Thành Rồng (về vị hoàng đế đầu tiên chọn Thăng Long làm kinh đô), hay Cậu bé Rồng (nói về các bậc danh nhân thông minh, quả cảm). Các đơn vị làm sách tư nhân cũng vào cuộc, với những cuốn sách lịch sử dùng tranh minh họa tiêu biểu như: Bác Hồ sống mãi, Truyện hay sử Việt, Danh nhân văn hóa, Danh nhân lịch sử...
Bên cạnh truyện tranh, còn có xu hướng làm video clip do chính các bạn trẻ yêu lịch sử và am hiểu công nghệ thông tin thực hiện. Các thông tin về từng nhân vật, sự kiện lịch sử được hiện thực hóa bằng hình ảnh kỹ xảo 3D; hay đơn giản là các bạn tự đóng kịch, kể chuyện rồi ghi hình, đưa lên các trang mạng để người xem có thể dễ dàng tiếp cận.
Tất nhiên, còn nhiều chuyện để bàn chung quanh việc những người trẻ viết truyện lịch sử. Nhưng, có một điều không thể phủ phận là việc các bạn trẻ tham gia trực tiếp viết, kể chuyện lịch sử, dù dưới hình thức nào cũng là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, để có được các dự án làm sách lịch sử đổi mới, hấp dẫn, cần có sự đầu tư không chỉ là kinh phí thực hiện mà còn là việc của cả ngành giáo dục, các nhà xuất bản, hãng phim, Hội Nhà văn Việt Nam và các hội sử học, hội văn học nghệ thuật địa phương... cần có những hoạt động thu hút tài năng, khuyến khích lao động sáng tạo hướng vào đề tài lịch sử.
Mọi nỗ lực đưa lịch sử trở lại trong tình yêu của giới trẻ phải bắt đầu từ việc nghiên cứu thị hiếu, tìm ra những điểm có thể hấp dẫn người đọc để từ đó lồng ghép, xây dựng những cuốn sách, bộ phim, câu chuyện vừa bảo đảm tôn trọng lịch sử vừa phù hợp, hấp dẫn người đọc, người xem.
.