(Congannghean.vn)-Là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mộc bản được xem như là những cuốn sách đặc biệt. Nghệ An là một trong số ít những địa phương hiện nay còn lưu trữ nhiều mộc bản có giá trị với tuổi đời hàng trăm năm. Tuy nhiên, việc gìn giữ mộc bản dài lâu cho các thế hệ sau là một vấn đề không đơn giản.
Cận cảnh một trang mộc bản trong bộ “Trần Đại Vương chính kinh” |
Ông Đào Tam Tĩnh, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán - Nôm Nghệ An là một nhà nghiên cứu mộc bản nhiều năm cho biết: Nghệ An là một trong số ít các tỉnh còn lưu giữ được các tấm mộc bản. Để nhìn nhận và đánh giá đúng giá trị của các mộc bản là điều không dễ dàng và cần phải có một quá trình nghiên cứu công phu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 - 700 tấm mộc bản, nhiều nhất là ở chùa Đức Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn; Thiện đàn xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu và một số ít do các nhà sưu tầm lưu giữ. Tại Thư viện tỉnh, hiện đang lưu giữ 50 tấm mộc bản có giá trị với nội dung về “Trần Đại Vương chính kinh” và “Cứu sinh thuyền chính kinh”. Năm 2007, gia đình cụ Trần Hiêng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành đã tặng hai bộ mộc bản này cho Thư viện tỉnh. Hiện, bộ “Trần Đại Vương chính kinh” đã được phiên âm, dịch nghĩa.
Có thể nói, không chỉ ở Nghệ An mà mộc bản trên khắp Việt Nam hiện nay không còn nhiều. Năm 2009, UNESCO công nhận mộc bản là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam và được ghi danh trong Chương trình ký ức thế giới khu vục châu Á - Thái Bình Dương. Đó là mộc bản Triều Nguyễn (được lưu giữ tại Cục Lưu trữ Trung ương 4, Đà Lạt), mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh).
Theo sử sách ghi lại, nguồn gốc của bộ mộc bản được xác định là vào những năm đầu của thế kỷ 20 - thời kỳ nước ta đang bị thực dân Pháp đàn áp, xâm lược. Khi đó, dòng họ Trần đã thành lập văn thiện đàn. Để phản đối ách đô hộ của kẻ xâm lăng, các thành viên trong hội đã khắc những bản kinh, trong đó nêu những tấm gương anh hùng của dân tộc để cổ vũ tinh thần yêu nước, làm việc thiện. Riêng bộ mộc bản “Trần Đại Vương chính kinh” gồm 18 tấm, mỗi tấm khắc 4 trang cả hai mặt, rộng bằng với khổ trang sách, viết về Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được lấy từ bản gốc ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội...
Chúng tôi có dịp đến chùa Đức Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn và được sư trụ trì ở chùa cho chiêm ngưỡng những tấm mộc bản được in trên gỗ bằng chữ Hán, được cất trong khu vực thượng điện. Mặc dù hiện nay đã được dập khuôn, số hóa nhưng những tấm mộc bản (gần 300 tấm) này vẫn chưa có một nghiên cứu nào cụ thể về nội dung, hoàn cảnh cũng như thời gian phát hành.
Nghệ An không phải là mảnh đất nổi tiếng với nghề khắc mộc bản, khắc ván gỗ. Tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, trước đây trong làng có một số gia đình làm nghề khắc ván, nổi tiếng nhất là gia đình ông Phạm Căn ở làng Phượng Lịch (nay là xóm 5). Ông Căn là người đã bỏ công khắc bộ “Trần Đại Vương chính kinh” ở huyện Yên Thành.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề khắc ván in chữ do cụ Phạm Văn Mậu - một người con trong làng truyền lại. Trước đây, cụ nguyên là hội viên Hội hướng thiện đền Ngọc Sơn và là thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục. Đầu thế kỷ 20, khi các hội có chủ trương phát triển thiện đàn đã cử các hội viên về các làng quê để truyền bá hội, xây dựng các thiện đàn để tuyên truyền, phát triển hội viên. Nhân cơ hội này, cụ Phạm Văn Mậu đã về làng và chọn một số người trong dòng họ có năng khiếu, khéo tay để truyền nghề. Từ đây, nhiều bộ sách quý đã được in và lưu truyền, trở thành những tài liệu tuyên truyền có giá trị, đặc biệt là trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược.
Có thể nói, mộc bản là một trong những di sản quý giá của nền văn hóa dân tộc cần phải được lưu giữ. Tuy nhiên, để làm được điều này không dễ và đòi hỏi phải có sự đầu tư cả về vật chất lẫn trí tuệ. Theo ông Đào Tam Tĩnh, cần phải có một dự án dài hơi, trong đó khai thác mộc bản chú trọng dập khuôn, số hóa, phiên âm, dịch nghĩa, in thành sách. Ngoài ra, giới thiệu quảng bá các mộc bản để các cơ quan chức năng cũng như người dân hiểu được giá trị, qua đó có ý thức bảo tồn.