Theo dự thảo Quy chế đào tạo Tiến sĩ đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến quy chế đào tạo Tiến sĩ mới sẽ tăng các điều kiện đầu vào và đầu ra như yêu cầu cao hơn về ngoại ngữ, về người hướng dẫn và đặc biệt là nghiên cứu sinh (NCS) phải có bài báo công bố quốc tế.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, những yêu cầu trên là hoàn toàn hợp lí nếu xét trên phương diện hội nhập quốc tế đòi hỏi cao về chất lượng của tiến sĩ. Tuy nhiên, các quy định về bài báo công bố quốc tế cũng cần linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mang tính đặc thù.
Yêu cầu công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh cần linh hoạt để phù hợp với thực tế Việt Nam, nhất là các lĩnh vực mang tính đặc thù. (Ảnh minh họa). |
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết: Đọc qua dự thảo Quy chế đào tạo Tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, cá nhân ông thấy có những điểm mới với nhiều nỗ lực, cố gắng đáng trân trọng. Tuy nhiên, GS Trần Văn Nhung cho rằng: Dự thảo cần phải định nghĩa được thế nào là Tiến sĩ. Bên cạnh đó, phải xác định rõ ai là chủ tịch hội đồng, ai là phản biện... một cách phù hợp; bám rất chặt vào tiêu chí hiện đại nhất của thế giới mà phấn đấu.
Ngoài ra, GS Trần Văn Nhung cũng nhấn mạnh một trong những yêu cầu mà dự thảo cần đặt ra, đó là làm sao để hạn chế và ngăn chặn được tình trạng đạo văn.
“Chúng ta nói đến việc sáng chế phần mềm để nếu sao chép đến 30 trang sẽ bị phát hiện. Tôi khẳng định, máy móc không bao giờ bằng con người. Chép nguyên 30 trang không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng nhưng viết văn phong khác. Phát hiện cái này không máy tính nào làm nổi. Ở các nước, phải đăng bài trên tạp chí có uy tín để phản biện toàn thế giới. Để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất là tận dụng cách làm của thế giới. Đó là yêu cầu về bài báo công bố quốc tế. Bởi lẽ bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ”- GS Trần Văn Nhung đặt vấn đề.
Tuy nhiên, GS Trần Văn Nhung cũng cho rằng: Việc quy định số lượng bài báo công bố quốc tế của NCS sẽ phải có dải từ thấp đến cao chứ không phải yêu cầu cứng với tất cả các lĩnh vực bởi lẽ, khoa học tự nhiên thì dễ công bố bài báo quốc tế hơn là khoa học xã hội và các lĩnh vực khác. Do vậy, sẽ phải có những quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Với những ngành, lĩnh vực đăng trên tạp chí nước ngoài khó thì phải đăng tạp chí trong nước nhưng vẫn khuyến khích đăng trên các tạp chí bằng tiếng nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Việc dự thảo có những yêu cầu cao hơn đối với ngoại ngữ là cần thiết bởi lẽ ở bậc nghiên cứu Tiến sĩ rất cần trình độ ngoại ngữ. Không chỉ tiếng Anh, Trung, Nga, Pháp mà thậm chí còn cần biết cả tiếng Hàn, Nhật, Thái.
“Tất nhiên, lâu nay ngoại ngữ vẫn là điểm hạn chế của chúng ta song cũng chính vì thế cần phải hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa để có thể hội nhập với khu vực và thế giới” – PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, việc yêu cầu cao hơn đối với người hướng dẫn như dự thảo đặt ra cũng nên làm vì hiện nay vẫn còn tồn tại một thực tế là nhiều người hướng dẫn không đúng chuyên môn, chuyên ngành, khiến cho NCS gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu.
Tuy vậy, điểm khiến PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh cảm thấy băn khoăn nhất trong dự thảo, đó chính là yêu cầu phải có bài báo khoa học công bố quốc tế.
“Có lẽ, Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ về khái niệm công bố quốc tế và chuẩn quốc tế. Chuẩn quốc tế là chuẩn nào? Nước bạn Lào, Campuchia hoặc Thái Lan... cũng là quốc tế, nhưng có tiêu chuẩn riêng và cũng khác so với các quốc gia tiên tiến. Ngay cả châu Âu hay Mỹ thì cũng cần thẩm định những tạp chí kém chất lượng, thậm chí có thể giả, rởm. Như vậy, nếu quy định không chặt chẽ, thiếu khoa học và không đúng bản chất thì sẽ dễ sinh ra chuyện chạy từ chỗ rởm này sang chỗ rởm khác mà thôi. Hệ quả là có cầu sẽ có cung, có thể sẽ có một số loại tạp chí yêu cầu nộp 500 - 1000USD thì bài được đăng. Trong khi ta cần họ thẩm định chất lượng khoa học, nhưng họ lại chạy theo thị trường nên rởm vẫn hoàn rởm”- PGS Nguyễn Ngọc Oanh đặt vấn đề.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, “Một Tạp chí trong nước muốn đăng được một bài báo khoa học cũng phải qua 3-4 lần biên tập, có bài báo gửi tòa soạn mà 3-4 tháng sau mới được đăng là nhanh, có bài thì lâu hơn. Tạp chí trong nước có hội đồng khoa học đáng tin cậy về chuyên ngành khoa học thì có khi còn giá trị hơn tạp chí nước ngoài không uy tín. Đừng quá sính ngoại mà bỏ quên các tạp chí khoa học trong nước. Vấn đề không phải nội hay ngoại mà là chất lượng Hội đồng biên tập của từng tạp chí như thế nào? Yêu cầu có bài báo khoa học là đúng và cần thiết nhưng chỉ nên khuyến khích, ưu tiên, cộng điểm... cho những bài đăng quốc tế, còn vẫn cần chú trọng bài trong nước" - PGS Nguyễn Ngọc Oanh nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của PGS Nguyễn Ngọc Oanh, thực tế cũng cho thấy, có những ngành nghề chuyên môn về khoa học xã hội chỉ có ở Việt Nam đào tạo Tiến sĩ. Ví dụ: Những ngành có liên quan đến công tác tư tưởng, báo chí... thì khó có thể đăng ở tạp chí quốc tế, vì họ khác hệ tư tưởng với chúng ta. Một số lĩnh vực khác như an ninh, quốc phòng có đặc thù cần có hội đồng chuyên môn thẩm định trong nước và quyết định.