(Congannghean.vn)-Cùng với cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Mỗi cổng làng đều có nét kiến trúc riêng, tồn tại hàng trăm năm nay. Đó không chỉ là công trình kiến trúc cổ mang giá trị lịch sử văn hóa mà còn thể hiện hồn quê, cốt cách của con người ở mỗi làng xã Việt Nam. Thế nhưng, thay vì trùng tu, tôn tạo, một số địa phương đã xây mới cổng làng. Việc làm này không những gây lãng phí mà còn dần đánh mất vẻ đẹp vốn có của làng quê.
Cổng làng - miền ký ức của người con xa quê
Theo quan niệm của ông cha, cổng làng được xem là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện cốt cách của người dân trong làng. Cổng làng có từ hàng trăm năm nay và gắn với sự phát triển của làng. Khi đất nước có chiến tranh, cổng làng được dựng lên để làm chiến lũy chống giặc ngoại xâm. Khi hòa bình lập lại, cổng làng như một sự khẳng định chủ quyền địa giới, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của mỗi địa phương.
Cổng làng Vĩnh Yên (xã Diễn Lộc) là chiếc cổng làng cổ hiếm hoi còn sót lại ở huyện Diễn Châu |
Cổng làng cũng chính là điểm tựa của mỗi người con xa quê, khi nhớ về quê hương là nhớ về cổng làng trầm mặc, rêu phong bên gốc đa, giếng nước. Không gian kiến trúc của làng quê yên bình và sâu nặng nghĩa tình quê hương in đậm trong chính nét kiến trúc tinh tế mà mộc mạc của cổng làng.
Sự phát triển của quá trình đô thị hóa khiến những cổng làng truyền thống dần bị mai một. Từng có thời gian làm việc ở khắp nơi nhưng nhà nghiên cứu Phan Hữu Thịnh luôn đau đáu khi nghĩ về cổng làng.
Trong ký ức của ông, “Cổng làng được dựng bằng tre nối liền với những lũy tre bao bọc quanh làng. Bên cạnh cổng làng có điếm canh, ngày cổng mở để dân làng đi lại, đêm làng cử người canh ở điếm, kiểm tra người lạ vào làng”. Ngày nay, những cổng làng như thế chỉ còn trong ký ức của người “cổ lai hy” như ông. Thay vào đó là những chiếc cổng làng được xây dựng bề thế, đồ sộ và hoành tráng, có giá trị đến hàng trăm triệu đồng.
Làng Vĩnh Yên, xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu là một trong những ngôi làng hiếm hoi vẫn giữ được cổng làng. Theo các cụ cao niên trong làng, cổng được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937 (Đinh Sửu) gồm 1 cửa trước và 1 cửa sau.
Sau gần 1 thế kỷ, làng Vĩnh Yên chỉ còn 1 chiếc cổng ở phía trước. Cổng được xây bằng gạch sò, kết cấu khá đơn giản nhưng chắc chắn. Đỉnh cổng có tên làng được đắp nổi bằng tiếng Việt cách điệu, điểm thêm những cành hoa, phía dưới là dòng chữ “Laporte Dentree”. Hiện, cổng chỉ còn hai trụ đá và mái vòm, cánh cổng bằng gỗ chỉ còn lại dấu tích là hai chiếc “bản lề” đục thẳng vào đá. Chiếc điếm canh và trống canh cũng không còn.
Đừng làm mất nét đẹp văn hóa cổng làng
Nếu có dịp đi trên đường 12/9, qua địa phận xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, chúng ta sẽ thấy một chiếc cổng cổ kính nằm trơ trọi bên đường đối diện trụ sở UBND xã. Đó là cổng đình Phù Xá (cổng làng Phù Xá xưa). Đây cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của phủ Hưng Nguyên.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, dấu tích còn sót lại của cổng làng là một chiếc cột nanh và chiếc cổng phủ đầy rêu phong. Giờ đây, cổng làng xưa chỉ còn là phế tích và trở thành lối đi vào của một quán cà phê. Có lẽ vì nằm trơ trọi bên đường nên cổng làng Phù Xá không bị “xóa sổ”, còn lại hầu hết những cổng làng ở Hưng Nguyên đều bị phá bỏ và xây mới.
Cổng làng Cần ở xã Hưng Tân xây dựng vào cuối năm 2014, được xem là cổng làng to nhất huyện Hưng Nguyên. Cổng làng được xây dựng mô phỏng cổng Làng Sen ở huyện Nam Đàn nhưng nhỏ hơn theo lối cổng tam quan, ở giữa là cổng chính, hai bên là cổng phụ. Phần mái trên được thiết kế mang nét hiện đại pha lẫn cổ kính, trên đỉnh có rồng, nghê, hai bên có câu đối. Được biết, kinh phí xây dựng cổng làng này là 460 triệu đồng do người dân 2 xã đóng góp.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Nguyên cho biết: Hiện nay có khoảng gần 40% xóm, làng của huyện có cổng làng mới. Đây là công trình của cộng đồng dân cư, tất cả các cổng đều được xây dựng từ nguồn đóng góp, ủng hộ của người dân địa phương, con em xa quê và các doanh nghiệp trên địa bàn… nên huyện không quản lý được. Mỗi cổng làng có một kiểu dáng, kích thước và quy mô khác nhau. Hầu như làng nào cũng đua nhau xây mới cổng làng để khẳng định sự phát triển của làng.
Xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu vừa khánh thành cổng làng với kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Kinh phí xây dựng chủ yếu từ nguồn đóng góp của con em xa quê. Đây được cho là cổng làng đồ sộ và hoành tráng nhất hiện nay ở Nghệ An.
Theo thiết kế, khuôn viên công trình là 3.000 m2, điểm cao nhất của cổng là 14 m, rộng 22 m. Cổng làng Quỳnh Đôi cũng được xây dựng theo lối tam quan, vòm cửa chính cao 6,9 m, rộng 7 m, cột cổng rộng 4 m...
Ông Hồ Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: Trước khi xây dựng, xã đã lấy ý kiến góp ý của nhân dân trong xã, con em xa quê và nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Theo các nhà quản lý văn hóa, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào về việc xây dựng cổng làng, chủ yếu là do địa phương tự thiết kế và xây dựng. Điều này dẫn đến việc các cổng làng được xây không theo một kích thước, kiểu dáng nào mà chủ yếu tùy thuộc vào tiềm lực tài chính của mỗi địa phương.
Nhà nghiên cứu Phan Hữu Thịnh trăn trở: Xét về góc độ văn hóa thì xây dựng cổng làng không cần phải phô trương gây tốn kém, lãng phí. Xây dựng cổng làng làm sao để nhìn vào đó vừa thấy được giá trị văn hóa, vừa có tính giáo dục đối với thế hệ con cháu mai sau. Quê hương ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của người dân sung túc, khấm khá là điều đáng vui mừng nhưng niềm vui ấy sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta biết giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi làng quê Việt Nam như nét đẹp vốn có của cổng làng.