Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/nha-tho-hoang-trung-thong-va-moi-tinh-dac-biet-667656/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201603/nha-tho-hoang-trung-thong-va-moi-tinh-dac-biet-667656/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhà thơ Hoàng Trung Thông và mối tình đặc biệt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 20/03/2016, 08:46 [GMT+7]

Nhà thơ Hoàng Trung Thông và mối tình đặc biệt

(Congannghean.vn)-Nhà thơ Hoàng Trung Thông (SN 1925) và vợ là bà Hồ Thị Hoa sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu nhưng phần lớn cuộc đời sinh sống tại đất Hà Thành. Về làng Quỳnh Đôi bây giờ, các thế hệ con cháu vẫn truyền tai nhau câu chuyện về mối tình đặc biệt của nhà thơ Hoàng Trung Thông và vợ. Đặc biệt bởi hai ông bà đều không biết mặt nhau, hai người nên duyên từ sự mối lái của cha mẹ. Thế nhưng, về sau tình yêu ông bà dành cho nhau ngày càng đậm sâu. Là thi sĩ nổi tiếng vốn mang danh “đào hoa”, nhưng ông vẫn luôn một lòng với người vợ tảo tần.

Chân dung nhà thơ Hoàng Trung Thông - Ảnh tư liệu
Chân dung nhà thơ Hoàng Trung Thông - Ảnh tư liệu

Mối lương duyên trời định

Bà Hồ Thị Hoa sinh ra trong gia đình danh giá bậc nhất ở làng Quỳnh Đôi, là cháu ngoại quan Thượng thư, cháu nội ông Nghè. Thời ấy, với sự giáo dục khắt khe của gia đình, bà nổi tiếng một vùng bởi sự dịu dàng, mẫu mực, giỏi nữ công gia chánh. Chuyện tình cảm, lấy chồng của bà cũng do cha mẹ quyết định, theo truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Thi sĩ Hoàng Trung Thông ngày ấy cũng là một trong hai người của làng đỗ Trường Quốc học Vinh, là ngôi trường nổi tiếng bậc nhất của Nghệ An lúc bấy giờ. Cả nhà thơ Hoàng Trung Thông và bà Hoa đều không hề biết rằng, gia đình hai bên đã gặp gỡ, bàn bạc về chuyện đám cưới.

Đến năm Hoàng Trung Thông tròn 18 tuổi, đang học tại Trường Quốc học Vinh, còn bà Hoa mới 15. Lúc này, một đám cưới giản dị diễn ra trong không khí ấm cúng, dù không có mâm cao cỗ đầy và không có... chú rể vì đang bận học xa, chỉ có họ hàng hai bên và chén nước chè nhạt. Phải hơn một năm sau khi chú rể tốt nghiệp và cô dâu bước sang tuổi 16 thì bên nhà trai mới đón dâu về ở cùng. Đêm tân hôn, cô dâu và chú rể lần đầu biết mặt nhau nên ai cũng ngượng ngùng.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông vô cùng bất ngờ vì không nghĩ vợ mình trẻ tuổi đến vậy, bởi trước đó, cha mẹ ông đã “dạm” cho vài ba “mối” nhưng ai cũng đáng tuổi chị, bởi họ quan niệm con trai nên lấy vợ lớn tuổi để tiện bề chăm sóc cha mẹ già. Câu chuyện tâm tình trong đêm tân hôn khiến bà Hoa ngay trong lần đầu gặp mặt chồng đã thật sự đem lòng yêu thương người con trai rất đỗi chân thành ấy. Cưới nhau được một thời gian ngắn, Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng, đến khi giải phóng thủ đô thì đưa cả vợ con ra Hà Nội sinh sống để phục vụ chiến đấu. Cũng từ đó, hai vợ chồng ông gắn bó với đất Hà thành cho đến nay.

Căn gác nhỏ tầng 2 ở 70 Ngô Quyền (Hà Nội) là nơi sinh sống của vợ chồng ông bà cùng 5 người con. Cả 5 người con đều được ông bà đặt tên của những loài hoa: Bích Hồng, Bích Liên, Bích Hà, Hướng Dương và Phượng Vĩ. Hoàng Trung Thông là nhà thơ nổi tiếng thành đạt bởi ông đã từng giữ rất nhiều chức vụ, thế nhưng cuộc sống của gia đình vẫn kham khổ. Bà Hoa phải làm thuê đủ thứ việc để nuôi 5 người con ăn học trưởng thành nhưng không một lời ca thán, ngược lại, bà luôn cảm thông, chia sẻ với chồng. Nhà thơ Hoàng Trung Thông là người tự lập, không thích luồn cúi và ông luôn hướng con cái đến phẩm chất này.

Vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông năm 1970 - Ảnh tư liệu
Vợ chồng nhà thơ Hoàng Trung Thông năm 1970 - Ảnh tư liệu

Khi con trai duy nhất tốt nghiệp trường kiến trúc, ông để cho cậu đi bốc vác thuê, trong khi ông là Viện trưởng, với mối quan hệ của mình thì có thể dư sức xin cho con vào một cơ quan Nhà nước. Nhà thơ Hoàng Trung Thông chỉ mê thơ, làm bạn với rượu, còn chức tước, bổng lộc, ông chẳng màng. Ông nghiện rượu nhưng bà chẳng chê trách, bởi bà hiểu “tâm can” ông, nên dù vất vả đến đâu vẫn dành tiền mua rượu và đồ nhắm cho chồng, đến nỗi con trai bà là họa sĩ Phượng Vĩ đã từng phải thốt lên: “Cả đời bà phải chịu đựng 2 kẻ nghiện rượu đó là chồng và con trai”.

Thi sĩ “gàn” xứ Nghệ

Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng từ sau năm 1945 cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Cũng như nhiều thi sĩ xứ Nghệ khác, dù sống ở thủ đô nhiều năm nhưng ông vẫn giữ được chất “gàn” trong tính cách. Trong giới văn nghệ sĩ cùng thời kỳ, Hoàng Trung Thông là nhà thơ có sự nghiệp vẻ vang nhất khi giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Biên tập báo Văn nghệ và tạp chí Tác phẩm mới, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học từ năm 1976 - 1985. Ông cũng là nhà thơ có nhiều bài thơ được nhiều thế hệ biết đến qua sách giáo khoa như “Bài ca vỡ đất”, “Bài ca báng súng”, “Bộ đội về làng”, “Những cánh buồm”…

Hoàng Trung Thông là lãnh đạo duy nhất của Viện Văn học và tất cả các cơ quan từ xưa đến nay không có phòng làm việc. Ngày ấy, tòa nhà Pháp 20 Lý Thái Tổ, tầng 1 dành cho Viện Văn học, tầng 2 là Viện Ngôn ngữ học (Viện trưởng là GS. Hoàng Tuệ, thân sinh nhà văn Bảo Ninh). Mỗi khi trao đổi, chỉ đạo, ký duyệt gì, ông lại đến từng phòng. Ông kiến nghị nâng lương cho cán bộ, còn mình đạp xe Thống Nhất đi làm, cuốc bộ từ 70 Ngô Quyền đến cơ quan, dù tiêu chuẩn có xe ôtô Lada trắng đưa đón. Hoàng Trung Thông sống cuộc đời thanh bạch, không chút điều tiếng. Ông quan tâm đến đời sống của tất cả anh em cán bộ, không màng tư lợi, thế nên cuộc sống của gia đình lúc nào cũng thiếu thốn.

Hoàng Trung Thông “gàn” đến nỗi đã từng được đề nghị phong hàm Giáo sư nhưng lại từ chối, bởi ông tâm niệm: “Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi”. Năm 1976, ông viết thư gửi Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh và Bí thư Đảng đoàn khối Văn học nghệ thuật Hà Huy Giáp xin thôi vào Ủy viên Trung ương Đảng khi tự nhận mình “chuyên môn vững vàng nhưng sinh hoạt bê tha”. Sự bê tha ấy là nghiện rượu, bởi ông thích được tự do “chén chú chén anh” với những người bạn. Vậy nên có ai đó nói “Cuộc đời ông khắc nghiệt nhất khi phải làm quan” có lẽ không sai, bởi ông chỉ yêu thơ và rượu. Ngoài thời gian làm việc nước, ông dành trọn thời gian còn lại cho thơ. Thi sĩ Hoàng Trung Thông để lại cho đời 9 tập thơ và nhiều bút ký. Trong đó những câu thơ như “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đã trở thành châm ngôn sống của biết bao thế hệ.

Ông yêu thơ và rượu nhưng vẫn “không quên” yêu thương vợ, cả cuộc đời một mực thủy chung với bà. Với ông, bà là người đã chia ngọt sẻ bùi, hy sinh cả cuộc đời để ông được sống với cái “gàn” của mình. Cuối đời ông đã viết tặng cho bà rất nhiều vần thơ, trong đó có những câu mới chỉ đọc, ta đã thấy hiện rõ hình ảnh người vợ tảo tần của ông cũng như cảm được tình yêu sâu nặng mà ông dành cho bà: “Còn anh chơi rượu, em xuôi ngược/ Lo lắng ngày đêm không nghỉ ngơi/ Cả một đời anh chỉ một người/ Yêu anh rất mực, giận rồi cười/ Bạn bè, con cái em săn sóc/ Chỉ nói thương em dạ chẳng rời”.

.

Phương Thủy

.