(Congannghean.vn)-Đầu tháng 11/2015, dãy nhà bán trú của Trường THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, được xây dựng hoàn thiện với 13 phòng nội trú kiên cố, khang trang sạch sẽ. Những tưởng sẽ được đưa vào sử dụng để phục vụ các em học sinh trước mùa đông này, nhưng cho đến nay, nhà bán trú vẫn khóa trái cửa. Nguyên nhân là do thiếu các trang thiết bị cần thiết như giường ngủ, nhà vệ sinh...; trong khi các em vẫn phải chịu đựng giá rét dưới những căn lều tạm bợ, rách nát.
Những ngày cuối năm ở Na Ngoi - xã vùng biên của huyện miền núi Kỳ Sơn, nhiệt độ giảm xuống còn 6 - 70 C. Xã nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, với 19 bản làng chủ yếu là đồng bào người Mông. Vào những ngày đông lạnh giá, các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Na Ngoi phải lên rừng đốn củi về sưởi ấm trong tình trạng phong phanh.
Dãy nhà bán trú khang trang được hoàn thiện từ tháng 11/2015 nhưng đến nay vẫn khóa trái cửa vì thiếu trang thiết bị |
Theo chân em Già Bá Số, học sinh lớp 8C, Trường THCS Na Ngoi, chúng tôi đến nơi ở của em và các bạn. Những căn nhà nằm ngay trước cổng trường; gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là những túp lều tạm bợ, được dựng bằng phên nứa. Do nhà xa trường nên các em được bố mẹ dựng lán để trọ học. Cứ khoảng 10 em ở một chỗ, chủ yếu là anh em trong họ hoặc người cùng bản. Đỡ bó củi trên lưng xuống, Già Bá Số lấy một vài nhánh cho thêm vào bếp lửa, phần còn lại em xếp gọn dưới gầm giường. Đây là thứ duy nhất giúp các em chống chọi với cái rét nên nhà nào cũng chất đầy củi. Trên chiếc giường được ghép bằng những tấm liếp mỏng vừa đủ cho 6 người nằm là 2 chiếc chăn mỏng nhàu nhĩ, cáu bẩn. Số cho biết: “Ban ngày chúng em thay nhau lên rừng đốn củi, người ở lại làm nhiệm vụ nấu ăn. Những hôm trời rét quá thì đốt lửa rồi nằm trong chăn, không ra khỏi nhà, chỉ trừ giờ lên lớp”.
Kế bên căn nhà của Số là nơi ở của các học sinh nữ. Khi chúng tôi đến, những cô bé gầy gò ngồi co ro bên bếp lửa đang chuẩn bị bữa tối. Em Xồng Y Sành, học sinh lớp 6 cho biết: “Những ngày đi học, chúng em được ăn theo chế độ bán trú, còn ngày nghỉ thì phải tự túc. Nhà ở xa nên mỗi tháng chúng em chỉ về nhà lấy gạo, thức ăn một lần hoặc thay phiên nhau về lấy. Thức ăn chủ yếu là rau, chứ không hề có thịt”. Bên cạnh mớ rau rừng là những bát ớt khô giã nhỏ trộn với muối. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh Hoàng Quốc Kỳ, Trưởng nhóm từ thiện Tấm lòng xứ Nghệ giải thích: “Đây là thức ăn chủ yếu của học sinh vào những ngày cuối tuần. Vì không có tiền nên những bữa ăn của các em chỉ là cơm trắng với muối ớt hoặc gừng xào”.
Thầy Nguyễn Thế Hiển, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chế độ ăn bán trú dành cho 1 học sinh mỗi ngày là 17.000 đồng; được chia thành 3 bữa, bữa sáng 3.000 đồng, còn lại 14.000 đồng chia đều cho bữa trưa và tối. Với số tiền như vậy, việc lo cho các em ăn no đã khó chứ chưa nói đến chuyện đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, vào những ngày nghỉ học, các em phải tự túc vấn đề ăn uống.
Những căn nhà tạm được các gia đình dựng lên cho con em ở trong thời gian đi học |
Cách dãy nhà tạm bợ của các em không xa là nhà bán trú gồm 3 dãy nhà, với 10 phòng ở và 3 phòng học mới được xây dựng khang trang với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Đây là số tiền hỗ trợ của UBND huyện Kỳ Sơn và đóng góp của nhóm tình nguyện “Tấm lòng xứ Nghệ”. Dãy nhà được hoàn thiện và khánh thành từ tháng 11/2015; tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nguyên nhân là vì thiếu trang thiết bị phục vụ việc dạy học.
Thầy Nguyễn Thế Hiển, cho biết thêm: “Hiện nay, nhà trường có 327 học sinh bán trú. Mỗi phòng như vậy cần 10 giường ngủ, tổng số giường là 100 giường tầng. Theo tính toán của Phòng Tài chính UBND huyện, chi phí vận chuyển mỗi chiếc giường vào bản là 2,3 triệu đồng. Như vậy, với 100 chiếc giường, số tiền phải bỏ ra là 230 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, nằm ngoài khả năng của nhà trường. Chúng tôi cũng đã xin kinh phí của huyện nhưng chưa có nguồn. Ngoài giường ngủ thì hiện nay, nhà vệ sinh cũng chưa có”.
Việc để học sinh sống tạm bợ ở ngoài trường là rất nguy hiểm; đồng thời gây ra không ít khó khăn trong việc quản lý, giáo dục các em. Tuy nhiên, với điều kiện như hiện nay thì việc đưa nhà bán trú vào sử dụng cũng là một “bài toán” mà nhà trường đang trăn trở. Rất mong các cấp chính quyền và những tấm lòng hảo tâm tiếp tục giúp sức để các em ổn định chỗ ở, tiếp tục sự học vốn đã gian nan.