(Congannghean.vn)-Trong các dịp đầu năm, mừng nhà mới, cưới hỏi..., người dân tộc Thái thường biểu diễn cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp… Tuy nhiên theo thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những nét sinh hoạt văn hoá này đang dần bị mai một. Bằng tình yêu với các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, chị Đinh Thị Minh Nguyệt hàng ngày vẫn đang miệt mài tìm cách bảo tồn và phát huy những giá trị quý giá đó...
Tiếng hát vang khắp núi rừng
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tương Dương (Nghệ An) giàu bản sắc văn hoá dân tộc, chị Đinh Thị Minh Nguyệt (SN 1973) ở bản Phòng, xã Thạch Giám là người lưu giữ được những nét văn hoá đặc sắc của người Thái. Ngày còn nhỏ, chị thường xuyên được xem người trong bản múa hát các làn điệu Lăm, Xuối, biểu diễn cồng chiêng, khắc luống vào mỗi dịp đầu năm, mừng nhà mới, cưới hỏi…. Dù chưa được tham gia biểu diễn nhưng tình yêu dành cho văn hoá Thái lớn dần lên trong tâm hồn chị. Yêu văn nghệ, vào những buổi chiều không phải đi học hay lên nương rẫy, chị lại nhờ mẹ dạy múa, dạy hát.
Năm 6 tuổi, chị Nguyệt cùng Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tương Dương tham gia biểu diễn ở Hội diễn văn nghệ dân tộc thiểu số tại huyện Tân Kỳ và chị được nhận giải thưởng diễn viên nhỏ tuổi nhất.
Chị Nguyệt học hỏi về văn hoá của người dân tộc Thái từ nghệ nhân lớn tuổi |
Yêu nghệ thuật và bén duyên từ rất sớm, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên chị không thể thực hiện được ước mơ đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, chị đã xin làm cộng tác viên Đội Thông tin - Tuyên truyền của Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Tương Dương. Biết bà con nơi đây không chỉ thiếu thốn về điều kiện vật chất mà đời sống tinh thần còn nghèo nàn, chị đã cùng anh em trong Đội đi khắp các bản làng để mang lời ca, tiếng hát phục vụ bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Tày Poọng, động viên họ tích cực lao động sản xuất, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ngoài những điệu múa của người Thái, để các buổi diễn có sự phong phú và hấp dẫn người dân, chị đã không quản ngại đường sá xa xôi, vất vả, đến từng bản làng người Mông, Khơ Mú và Tày Poọng tìm hiểu nét đặc trưng về đời sống văn hóa của họ. Đến nay, chị Nguyệt đã có thể biểu diễn nhuần nhuyễn những tiết mục đặc trưng của văn hoá các dân tộc như “Lễ hội mừng lúa mới”, “Hát Tơm tăng bu” của người Khơ Mú, “Lễ hội tiếng sấm” của người Ơ đu.
Truyền lửa đam mê
Tình yêu với bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng lớn lên trong chị. Chị nhận ra rằng, theo thời gian và sự phát triển của xã hội thì những giá trị văn hoá đang dần bị mai một. Lớp trẻ hiện nay không còn mặn mà với những buổi biểu diễn văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc. Chị băn khoăn, trăn trở tìm cách bảo tồn và phát huy nét văn hoá của dân tộc mình.
Nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các nghệ nhân lớn tuổi và chính quyền địa phương, chị đã mở các lớp dạy miễn phí về văn hóa các dân tộc thiểu số, ban đầu chỉ có vài ba người học nhưng đến nay chị đã truyền dạy được cho hàng nghìn người.
Từ việc tìm tòi, học hỏi những điệu nhảy, múa của dân tộc Thái và các dân tộc khác, chị đã tự xây dựng được các tiết mục đặc sắc để phục vụ những ngày lễ, hội của bản. Đặc biệt, những tiết mục chị dàn dựng đã được thể hiện tại nhiều hội thi và đều đạt giải cao.
Năm 2010, chị tham gia dàn dựng và biểu diễn ở Hội thi tìm hiểu Nghị quyết liên tịch số 01 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Công an về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” cho đồng bào dân tộc thiểu số, đạt giải Nhất toàn tỉnh, giải Nhất cụm miền Trung Tây Nguyên, giải Nhì toàn quốc.
Trong 3 năm liên tiếp (2012 - 2014), trong cuộc thi Tiếng hát dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, những tiết mục của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tương Dương do chị dàn dựng và tham gia biểu diễn đều đạt giải Nhất toàn tỉnh. Ngày 23/11/2015, chị được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Đây chính là động lực thúc đẩy chị cố gắng hơn nữa để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc trong xã hội hiện đại.