(Congannghean.vn)-Có một thực tế hiện nay, do sự bận rộn của cuộc sống mưu sinh, nhiều bậc phụ huynh đã phó mặc, bỏ bê con em mình cho nhà trường, thầy cô với câu nói cửa miệng “Trăm sự nhờ các thầy, cô”. Chính suy nghĩ, nhận thức sai lầm trên đã dẫn đến sự buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục con em của một số phụ huynh.
Trong một xã hội, con người được giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng hình thức giáo dục ảnh hưởng lớn nhất đến nhân cách là giáo dục trong gia đình. Hình thành, xây dựng, bồi đắp nhân cách là chức năng quan trọng nhất của gia đình. Vì mỗi con người đều sinh ra, lớn lên trong một môi trường gia đình cụ thể.
Việc giáo dục của gia đình bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến cuối đời. Vai trò của cha mẹ, anh chị em, ông bà và những người thân khác trong gia đình đối với việc giáo dục con em là rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách.
Bên cạnh việc dạy dỗ từ phía nhà trường, gia đình cũng có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho học sinh - Ảnh minh họa |
Không có sự giáo dục nào tốt hơn là cha mẹ làm tấm gương sáng để con cái noi theo. Từng cử chỉ, hành động, cách hành xử của cha mẹ sẽ hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của con cái từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Con cái nhìn vào tấm gương ấy để cố gắng học tập, tu dưỡng.
Điều đáng nói là, đang xuất hiện tình trạng “lời nói không đi đôi với việc làm” trong một bộ phận phụ huynh. Chẳng hạn, cha mẹ cấm con hút thuốc, uống rượu, nhưng người bố ngày nào cũng say xỉn hay lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá thì làm sao có thể bảo ban được con cái. Thời gian qua, cụm từ “văn hóa giao thông” được dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến khá nhiều.
Đáng nói là, đối tượng xa rời “văn hóa giao thông” đang ngày càng được “trẻ hóa” mà một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người lớn diễn ra phổ biến. Từ những hành vi ngỡ là “vô hại” như: Đi ngược chiều, đi xe lên vỉa hè, dừng xe dưới lòng đường đến những hành vi khác như: Vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống nhiều bia, rượu…
Thời gian qua, dư luận hết sức bức xúc trước tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Nhiều người cho rằng, đó hoàn toàn là do lỗi của nhà trường, của các thầy, cô giáo. Sự thực không hẳn như vậy, bởi trong sự việc này, cũng có sự “đồng lõa” của một số bậc phụ huynh. Họ biết việc con mình “học giả” nhưng có “điểm thật” và đang “ngồi nhầm lớp” nhưng vẫn “nhắm mắt” làm ngơ với thái độ thỏa hiệp.
Họ sẵn sàng chi những đồng tiền do mồ hôi, nước mắt của mình làm ra để “mua” danh hão, điểm ảo cho con. Khi con em có những hành vi lệch lạc như để đầu tóc nhố nhăng, áo quần lập dị, không thực hiện nội quy của nhà trường, thay vì biện pháp nhắc nhở, uốn nắn kịp thời, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra dễ dãi, tặc lưỡi cho qua. Đến lúc sự việc đi quá xa, con em đã sa chân vào các tệ nạn xã hội, có những hành vi vi phạm pháp luật, có hối hận thì sự việc cũng đã quá muộn.
Nhằm mục tiêu hướng tới việc giáo dục đạo đức, từng bước hoàn thiện nhân cách cho học sinh, rất cần sự gắn kết, phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Theo nhiều “kênh’’ khác nhau, chủ yếu là từ sự chủ động liên hệ của giáo viên, hàng ngày, mỗi bậc phụ huynh cần dành một khoảng thời gian nhất định để tìm hiểu thêm những thông tin liên quan tới quá trình học tập, rèn luyện của con em mình ở trường. Từ đó, kịp thời uốn nắn, điều chỉnh những hành vi, biểu hiện lệch lạc nếu có.
Mặt khác, để giới trẻ thực sự hiểu và tự giác tham gia các hoạt động xây dựng cộng đồng văn minh, chính các thành viên trong gia đình cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức bản thân khi sống trong cộng đồng. Chính điều này sẽ góp phần hình thành nên một thế hệ trẻ biết sống và ứng xử có văn hóa, khoan dung, lương thiện, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh.
Cần có thái độ nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc vai trò, vị trí của nhân tố gia đình trong giáo dục để có biện pháp phối hợp đồng bộ. Theo đó, giáo dục học sinh không phải là nhiệm vụ của duy nhất ngành giáo dục mà đó còn là nhiệm vụ của gia đình và xã hội. Trong đó, gia đình giữ vai trò trọng yếu.
Hãy tạm gác một bên những yếu kém, bất cập của ngành giáo dục để xem xét, nhìn nhận mỗi bậc phụ huynh đã làm gì trong việc phối hợp cùng nhà trường và xã hội để giáo dục con em mình. Và mỗi bậc phụ huynh, liệu đã trở thành những tấm gương sáng để con noi theo hay chưa? Câu trả lời xin dành cho mỗi bậc làm cha, làm mẹ!