(Congannghean.vn)-Năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát vẫn hiện rõ trên khuôn mặt, giọng nói và trong cách sinh hoạt thường ngày của ông. 16 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lương Viết Thoại lên đường nhập ngũ, huấn luyện ở Đoàn 22, Quân khu 4. Sau một thời gian, ông được tăng cường vào Quân khu Trị Thiên, hoạt động ở Tổ biệt động Thành Huế.
Sau ngày giải phóng TP Huế, Lương Viết Thoại tham gia lớp văn hóa ngoại ngữ ở Lạng Sơn rồi theo học khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ra trường, ông hăng say tham gia viết báo, là cộng tác viên đặc biệt cho báo Quân đội nhân dân được một thời gian, ông được cử đi học lớp báo chí của Học viện Chính trị - Quân sự, Bộ Quốc phòng. Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân ở Nha Trang.
Với niềm đam mê viết báo, làm thơ từ lúc còn là một anh chàng tân binh cho đến khi trở thành cán bộ chính trị, Lương Viết Thoại đã cho ra đời nhiều tác phẩm. “Những đứa con tinh thần” ấy là những cảm xúc vui, buồn, trăn trở, suy tư về cuộc sống, con người, phong tục tập quán. Dường như, niềm đam mê đã trở thành một lẽ đương nhiên và như ông nói thì nó trở thành “duyên nghiệp”.
Ông Lương Viết Thoại, người “giữ lửa” văn hóa Thái |
Xuất ngũ trở về, Lương Viết Thoại tích cực tham gia công tác tại địa phương, là Trưởng bản Còn, được bà con dân tộc Thái kính trọng, cũng bởi sự gần gũi, hiểu tâm tư, tình cảm của người dân quê mình và trên hết, những bài báo của ông đã phản ánh hết sức chân thực, sinh động cuộc sống của bà con dân tộc Thái.
Ông nhớ lại, thời gian làm Trưởng bản Còn cũng là thời điểm Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh đóng chân trên địa bàn bắt đầu khai thác khoáng sản. Người ta đồn đất Quỳ Hợp lắm thiếc, thế là người địa phương và dân tứ xứ nườm nượp kéo về chặt cây, đào bới đất rừng. Rừng bản Còn quê ông bị bọn “lâm tặc” chặt phá tứ tung... Buồn vì sự tàn phá rừng khốc liệt, ông đã nghĩ đến cách viết báo để kêu gọi chính quyền vào cuộc.
Bài báo “Nước mắt rừng bản Còn” với bút danh Thái Tâm đã là tiếng chuông cảnh tỉnh đến cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc lúc bấy giờ. Từ đó, người dân biết đến ông nhiều hơn, số lượng bài báo của ông được đăng nhiều với những vấn đề nhạy bén, mang tính thời sự trong cuộc sống với lập luận chặt chẽ, sắc sảo...
Không chỉ là cộng tác viên cho một số báo như Nghệ An, Quân đội, Phụ nữ... mà Thái Tâm còn là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Nghệ An, hội viên CLB Nhiếp ảnh Báo chí Nghệ An, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam...
Lương Viết Thoại tự nhận mình là người may mắn bởi được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hóa Thái. Thời gian tham gia học tập tại trường đại học, ông đã dày công nghiên cứu về văn hóa dân gian cũng như phong tục tập quán của địa phương mình. Ông nghiền ngẫm nghiên cứu văn hóa dân tộc với niềm say mê thích thú...
Nhắc đến bút danh Thái Tâm, ông bùi ngùi bởi đó là một kỷ niệm sâu sắc ở chiến trường Trị Thiên. Ông được giao nhiệm vụ dẫn đường cho một phóng viên Thừa Thiên Huế có bút danh Thái Tâm đi thực địa ở ngoại thành. Sự hy sinh của nhà báo, liệt sĩ ấy khiến ông day dứt mãi. Ông vẫn tự cho rằng, “giá như lúc đó tôi đừng bảo anh ấy đi trước, vì đường xa, gùi sắn trên lưng nên tôi dừng lại sửa và bảo nhà báo đi trước rồi sẽ đuổi theo sau. Được chừng 10 phút thì súng nổ ầm ĩ, trời đất tối sầm, anh đã ra đi vĩnh viễn...”. Chính vì lẽ đó mà sau này, với những tác phẩm của mình, ông đã lấy bút danh Thái Tâm như một sự tri ân sâu sắc đối với nhà báo, liệt sĩ ấy...
Sự đam mê, tâm huyết trong việc nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa cổ truyền của dân tộc Thái, ông Lương Viết Thoại chính là ngọn lửa sáng với những nét đẹp văn hóa truyền thống trước sự xô bồ của cuộc sống, khi mà giờ đây thế hệ trẻ không còn mặn mà thì những gì ông làm được càng có giá trị hơn bao giờ hết.