Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, cả triệu thí sinh đi thi, cả ngành giáo dục vào cuộc, tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chỉ sàng lọc 1 - 2% thí sinh trượt tốt nghiệp. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là vấn đề lớn cần được bàn thảo kỹ, nhưng phải đoạn tuyệt với kỳ thi hình thức và lãng phí.
Hơn 20 địa phương vừa hoàn tất việc chấm thi và công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Không nằm ngoài dự đoán, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%. Chỉ duy nhất một sự “bất ngờ” khi trường THPT Phú Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội chỉ có 30% học sinh đỗ tốt nghiệp.
Năm nay việc thi cử đơn giản hơn những năm trước rất nhiều, từ 6 môn thi bắt buộc rút xuống còn 4, trong đó có 2 môn tự chọn; đề thi thì cũng ra đơn giản... Những đổi mới theo hướng có lợi cho người học, không khó như những năm trước đây chắc chắn sẽ cho ra những con số đẹp. Nhìn vào hiện tượng, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cao chót vót, là tín hiệu đáng mừng cho ngành giáo dục. Ở góc độ khác, việc có quá ít học sinh trượt tốt nghiệp càng đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thí sinh xem kết quả thi tốt nghiệp THPT |
Nếu coi thi cử là khâu “đột phá” để lựa chọn nhân tài vào giảng đường đại học và cao hơn nữa, thì con số gần 100% đỗ tốt nghiệp THPT là nỗi lo về chất lượng thật, thật khó chống "bệnh thành tích”. Lo vì những con số cao chót vót chưa chắc đã thực chất. Lo vì sự lãng phí, bởi cả triệu thí sinh đi thi, với bộ máy coi thi, thanh tra, giám sát và phục vụ ước đến hàng nghìn người, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc.
Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cực kỳ quan trọng, nhưng với cách thi như hiện nay thì còn quá nhiều vấn đề phải bàn. Để kiểm soát thi tốt nghiệp THPT thực chất hay không, kết quả của kỳ thi đại học sẽ là câu trả lời. Nhưng những năm gần đây, việc vào học đại học không khó, đặc biệt là các trường dân lập. Với “cơ chế” thi cử như thế, việc có quá nhiều người đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ đại học, không phải là chuyện lạ, nhưng khó giám sát được chất lượng đào tạo.
Cũng chia sẻ với ngành giáo dục, "đỗ thấp cũng bị kêu; đỗ cao quá cũng có ý kiến". Chính vì thế mới phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Để chống lãng phí và tránh được “bệnh” hình thức trong thi cử, nhiều chuyên gia giáo dục đã “hiến kế” nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp hoặc nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi cao đẳng, đại học làm một. Bỏ một kỳ thi hay nhập hai kỳ thi làm một quả là “bài toán” khó với ngành giáo dục, bởi giáo dục là quá trình, từ chương trình, sách giáo khoa... mới đến thi cử. Nhưng nếu không đổi mới, cứ thi cử như hiện nay thì khó tránh được sự lãng phí và khó chọn được tài năng thật.
.