Xác định đúng mục tiêu của đổi mới giáo dục sẽ là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đạt hiệu quả cao.
Theo GS.TSKH Nguyễn Vân Nam, mục tiêu trọng tâm và then chốt của công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục phải là phát huy năng lực của người học, từ đó hoàn thiện năng lực, phẩm chất cá nhân.
Đổi cách xét tuyển đầu vào ĐH, CĐ
Đổi mới giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng của cả xã hội vì giáo dục là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của một dân tộc, một quốc gia. Theo ông mục tiêu cụ thể của công cuộc đổi mới giáo dục lần này cần tập trung vào là gì?
GS.TSKH Nguyễn Vân Nam |
GS.TSKH Nguyễn Vân Nam: Nền giáo dục của chúng ta đã đạt được những mục đích riêng phù hợp với tình hình phát triển đất nước trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với sự phát triển không ngừng của kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước và thế giới.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải xây dựng bằng được một hệ thống giáo trên những nền tảng, theo những triết lý, những nguyên tắc hoạt động với mục đích, mục tiêu như mọi quốc gia phát triển thành công khác đã và đang có.
Chúng ta chỉ có thể bàn về đổi mới căn bản và toàn diện, nếu trước hết phải trả lời được câu hỏi: Mục tiêu của công cuộc đổi mới là để làm gì? Mục tiêu nào là kim chỉ nam xuyên suốt cho mọi hành động trong quá trình đổi mới?
Bên cạnh đó, mô hình của cuộc đổi mới này là để cải tiến, nâng cấp làm cho hệ thống giáo dục hiện nay hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn hay là xây dựng một hệ thống giáo dục mới hoạt động phù hợp và hiệu quả với xu thế phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, dù áp dụng mô hình, lộ trình nào, phương pháp đổi mới ra sao thì theo tôi mục tiêu của đổi mới đều hướng đến giáo dục người Việt Nam phát huy được năng lực của cá nhân để phục vụ cho xã hội, cho bản thân một cách tốt nhất.
Giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là nấc thang quan trọng trong quá trình học tập của con người. Theo ông cần phải chú trọng đổi mới khâu nào trước?
GS.TSKH Nguyễn Vân Nam: Cần tập trung vào đổi mới giáo dục ở bậc ĐH, CĐ bởi vì nó liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình đào tạo sau chương trình phổ thông.
Cụ thể là phải đổi mới hình thức xét tuyển đầu vào của ĐH, CĐ trên cơ sở chú trọng yêu cầu của ngành nghề cần đào tạo và kết quả học tập của phổ thông, tiến tới nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH.
Tuy nhiên, để tạo tiền đề cho sự đổi mới của nền giáo dục ĐH thì chúng ta cũng phải có những thay đổi theo từng giai đoạn, từng khâu của giáo dục phổ thông sao cho phù hợp với sự điều kiện cụ thể của đất nước và thế giới.
Dù đổi mới ở giáo dục phổ thông hay đại học cần phải dựa trên nguyên tắc hệ thống đó cho phép người học phải tự đánh giá, xác định vị trí của mình để từ đó hình thành nhân cách, định hướng cho hành động và cuộc sống của mình sau này.
Nói một cách khác, giáo dục phải tác động hình thành bản sắc, khơi gợi năng khiếu, bộc lộ sở trường, thể hiện năng lực của từng cá nhân.
Đổi mới giảng dạy không chỉ là sử dụng thật nhiều máy móc
Nói như vậy tức là cần phát huy tính sáng tạo và khích lệ sự tự chủ trong tư duy của người học?
GS.TSKH Nguyễn Vân Nam: Hiện tại hệ thống giáo dục của chúng ta chưa phát huy tối đa được sự sáng tạo của người học. Chưa giúp người được học, được giáo dục có những bản sắc riêng, bản ngã riêng cho nên nhiều khi sẽ làm thui chột sự sáng tạo trong mỗi người.
Chính vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình truyền tải kiến thức tới người học. Nó quyết định khả năng lĩnh hội kiến thức cũng như việc biến, chuyển các kiến thức đó trở thành của riêng cá nhân từng người học.
Hiện nay, có một số quan niệm cho rằng đổi mới phương pháp giảng dạy là đưa thật nhiều máy móc, đèn chiếu, máy tính vào trường học. Quan niệm này đúng nhưng chưa đủ. Đó mới chỉ là những phương tiện, công cụ phục vụ cho quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Mà điều cốt lõi ở đây phải là từ phương pháp giảng dạy mới giúp người học có được những tư duy tiếp thu kiến thức mới một cách hiệu quả và biến những kiến thức này thành các ứng dụng cụ thể phục vụ cho xã hội.
Đánh giá kết quả học tập là thước đo của quá trình học tập và giáo dục. Mà thi cử là một trong những phương pháp đánh giá chính xác nhất chất lượng giảng dạy, học tập. Như vậy theo ông cần phải có những đổi mới cụ thể nào trong đổi mới thi cử để đem lại hiệu quả cao?
GS.TSKH Nguyễn Vân Nam: Theo tôi, thi cử chỉ là khâu đầu tiên trong quá trình thẩm định chất lượng giảng dạy và học tập. Còn để đánh giá chính xác và toàn diện cả nền giáo dục thì cần có nhiều kênh, nhiều cơ quan chức năng, trong đó chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ cho nền kinh tế-xã hội và văn hóa của đất nước là câu trả lời chính xác nhất.
Cụ thể về việc đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, việc bớt số môn thi từ 6 xuống thành 4 môn nên coi là bước đệm cho việc thay đổi. Cái chúng ta cần đánh giá ở đây là về bản chất của kỳ thi.
Hiện tại, bằng tốt nghiệp THPT về cơ bản không thể là giấy xác nhận trình độ được giáo dục, hay khả năng hội nhập xã hội. Càng không thể là tấm vé bước vào đời, mà chỉ đơn giản là xác nhận kết quả học tập và có thể được sử dụng như một trong các điều kiện để tham gia các chương trình học tập, hoạt động khác mà thôi.
Từ cách đánh giá đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức đơn giản với số lượng ít nhất các môn thi và nội dung thi chỉ là kiểm tra khả năng biết về các kiến thức đủ để hội nhập. Bằng tốt nghiệp được cấp trên cơ sở kết quả quá trình học tập ở những năm cuối và kết quả thi tốt nghiệp.
Để vận dụng, thực hiện và sử dụng năng lực, sức mạnh và kiến thức của học sinh trong đời sống xã hội mới là nhiệm vụ của các trường ĐH, CĐ, Trung cấp. Vì vậy, theo tôi cần chú trọng đến kỳ thi này. Việc sử dụng tên là kỳ thi ĐH, CĐ hay kỳ thi quốc gia không quan trọng mà nên tập trung vào việc thay đổi, cải tiến về chất lượng của kỳ thi đó cho phù hợp với mục đích, mục tiêu của kỳ thi là lựa chọn, định hướng, phân luồng học sinh.