(Congannghean.vn)-Mang trong mình nỗi đau của bệnh phong nhưng bằng niềm đam mê và sự chuyên cần, bền bỉ mà cụ Phạm Dương Mềm ở cơ sở I, Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã được nhiều người gần xa biết tới khi có một gia tài với hàng nghìn bài thơ.
Chúng tôi về Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập vào một ngày cuối năm và không khó khăn gì để biết được nơi cụ Phạm Dương Mềm đang điều trị. Năm nay đã sang tuổi 84, bệnh tật hành hạ và tuổi già khiến sức khỏe của cụ Mềm ngày càng yếu. Cụ hiện đang nằm điều trị ở phòng bệnh dành cho những người bị bệnh phong nặng. Ngước đôi mắt đục mờ nhìn ra phía cửa, cụ chậm rãi kể về cuộc đời vốn chẳng mấy niềm vui.
Quê cụ ở Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ Mềm là con út trong gia đình bần nông có 5 anh em. Cuộc sống đang êm đềm trôi thì tới năm 16 tuổi, da của chàng trai trẻ có cái tên khá đặc biệt Phạm Dương Mềm bỗng có những biểu hiện lạ, hai chân xuất hiện một nốt mụn rồi lở loét cứ lan dần lên đùi, khắp cơ thể. Lúc ấy, gia đình Mềm cứ nghĩ con trai mình bị bệnh hắc lào nên chỉ cho dùng những bài thuốc lá trong dân gian.
Tuy vậy, bệnh tình của Mềm vẫn không hề thuyên giảm mà càng có chiều hướng nặng thêm. Khi đó, bố mẹ của Mềm đưa con trai lên bệnh viện khám và bác sĩ chẩn đoán bị bệnh phong rồi chuyển tới Viện phong Văn Môn (tỉnh Thái Bình). Cụ Mềm nhớ lại, đó là vào khoảng những năm 1959 - 1960. Xa gia đình, quê quán và mang tâm trạng bi quan, chán nản, cụ Mềm, lúc đó là một chàng trai trẻ chỉ biết gửi lòng mình qua những trang thơ. Với chàng trai trẻ sớm mang bệnh tật, thơ là cả một thế giới riêng, là nơi để bầu bạn, gửi gắm tâm sự của đời mình. Mỗi khi có suy nghĩ, hay nhìn thấy mọi vật, con người xung quanh khiến cụ xúc động, có cảm xúc là cụ lại viết.
Ở Văn Môn được một thời gian, tới năm 1962, chàng trai trẻ được chuyển vào Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập. Ở đây, Mềm vẫn làm thơ. Sống ở môi trường mới chưa được bao lâu thì Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập bị máy bay Mỹ ném bom bắn phá khiến hàng trăm bệnh nhân tử nạn. Nói đến đây, giọng cụ lại gợi buồn. Nhưng cụ cũng thừa nhận rằng, chính trong cảnh mưa bom, bão đạn hoành hành, cụ mới có được vợ. Lúc bom Mỹ ném, cũng như bao người khác cụ Mềm chạy ra rừng để ẩn náu. Trong lúc chạy bom, cụ đã gặp và giúp đỡ một cô gái bị bệnh phong và sau lần ấy, họ trở nên thân quen và thành vợ chồng.
Cụ Mềm cùng những bài thơ mình đã sáng tác |
Vợ cụ Mềm quê ở Hưng Yên và đã mất năm 2007. Vợ chồng cụ có với nhau được hai mặt con, một trai, một gái. Thời gian ấy, cuộc sống khó khăn, chế độ không đủ nên cụ cùng vợ cũng phải khai khẩn đất hoang xung quanh bệnh viện trồng sắn, trồng khoai nuôi các con khôn lớn. Niềm hạnh phúc nhất của cụ là cả hai con của mình hiện giờ đều đã có gia đình, có con cái khỏe mạnh. Khi nói về các con, cháu của mình, ánh mắt đục mờ của cụ bỗng bừng sáng lên.
“Tôi cũng không biết tôi làm được thơ. Ngồi cứ nghĩ là thơ ra”, cụ tâm sự thật lòng. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, cụ Phạm Dương Mềm có một gia tài cả nghìn bài thơ với 4 tập thơ hoàn thành và 1 tập còn dang dở. Những “đứa con tinh thần” ấy được cụ ghi chép lại cẩn thận trong những cuốn vở nhỏ và chưa 1 lần được… xuất bản. “Đến nay tính số bút bi tôi dùng để viết thì đã lên tới hàng nghìn cái, còn số vở học sinh cũng nhiều không biết bao nhiêu cuốn nữa”, cụ Mềm nói.
Biết cụ có tài làm thơ nên rất nhiều người đến nhờ cụ viết thơ, viết thư tình. “Có người mang giấy, bút đến, có người không mang nhưng tôi thích nên vẫn nhiệt tình giúp đỡ”, cụ cho biết thêm. Cụ Mềm xem thơ chính là liều thuốc giúp mình sống được qua ngày, đoạn tháng nhằm chống chọi với khổ đau, bệnh tật. Là người bị bệnh phong, ngày trước bị người đời xa lánh, sau này hết bị kỳ thị, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người nên hồn thơ của cụ cũng thay đổi theo: “Phận này đau khổ khôn cùng/ Đi chán, về lủi hãi hùng kiếp sau/ … Nay thì vui vẻ cả rồi/ Người lành, người hủi nói cười râm ran/ Tình cảm đầy ắp chứa chan/ Mặt mừng tay bắt muôn vàn yêu thương” (Chẳng sợ bệnh hủi).
Đã sang tuổi 84 nhưng cụ vẫn thuộc rất nhiều bài thơ do mình sáng tác. Tác phẩm đầu tay của cụ là bài thơ “Gọi bầm ơi” nói lên nỗi niềm của người con trai những ngày đầu khi phải xa mẹ để sống cuộc sống tại bệnh viện: “Bầm ơi trong buổi chiều nay/ Con ngồi tưởng nhớ những ngày con đi/ Nhớ bầm những phút chia ly/ Nhớ câu bầm hỏi con về khi nao…”. Về già ốm đau, bệnh tật chẳng có gì giúp đỡ con cháu nên cụ đã sáng tác “Di chúc thơ” để răn dạy con cháu làm sao sống cho phải đạo làm người, biết đối nhân xử thế.
Hơn nửa thế kỷ qua, mảnh đất xa lạ Quỳnh Lập ngày nào đã trở thành quê hương thứ 2 của cụ. 10 năm trở lại đây, sức khỏe của cụ Mềm ngày một yếu đi. Mắt mờ, tay run khiến khả năng sáng tác của cụ không còn được nhiều như trước nhưng ngày nào còn có thể cầm bút thì cụ Mềm vẫn còn làm thơ. “Trước kia tôi làm thơ, viết thư hộ nhanh lắm, chữ đẹp ai cũng khen, nhưng giờ tay run, mỗi khi viết tay này thì tay kia phải đỡ”. Đưa cho tôi xem cuốn sổ thơ còn viết dở dang với nét bút run run, cụ Mềm chia sẻ. Đã gần đất xa trời, cụ Phạm Dương Mềm chỉ có một ước mong, thơ của mình được xuất bản để dành số tiền kiếm được ủng hộ những bệnh nhân phong.